Sau hồi binh lửa, quân Nguyên bại trận, thây phơi đầy nội đã đành, quân dân Đại Việt là bên chiến thắng cũng không tránh khỏi nhiều tang thương. Giặc đi đến đâu là xóm làng xơ xác đến đó. Quân dân ta vừa thắng trận, vết thương chiến tranh chưa kịp lành đã phải chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh vệ quốc mới trước đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Giữa năm 1285, quan quân rước vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông về lại kinh thành Thăng Long, trăm họ trở về quê nhà sau những ngày tránh giặc và chiến đấu bên cạnh quân đội triều đình. Một trong những việc quan trọng đầu tiên mà vua Trần thực hiện là xét thưởng công trạng cho những người có công lao trong cuộc chiến, xử tội những kẻ hèn nhát hàng giặc. Vua thương trăm họ vừa chịu khổ chiến tranh, xuống chiếu đại xá cho cả nước.
Cuối năm 1285, vua Trần Nhân Tông lại chiếu cho cả nước định lại hộ khẩu, muốn qua đó thống kê lại sổ sách về thuế má, dân đinh. Triều thần sợ việc này sẽ gây ra nhũng nhiễu cho dân, đồng loạt can vua : “Dân đương lao khổ, mà định số nhân khẩu, không phải là việc cấp”.
Vua đáp lời : “Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này. Chẳng nên qua đó mà xem xét sự hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao ?”. ( theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư )
Triều thần nghe vua nói thế đều khen là phải. Khắp nơi trong nước nhộn nhịp việc định lại nhân khẩu. Về việc này, sử gia các đời có nhiều ý kiến trái chiều. Mặt lợi là giúp hệ thống cai trị được tổ chức lại chặt chẽ hơn sau những xáo trộn do chiến tranh, giúp cho triều đình dễ dàng nắm rõ và huy động các tiềm lực trong dân. Mặt hại là bởi thời kỳ này việc hành chính còn phức tạp mà định lại nhân khẩu cho cả nước là việc lớn, do đó sinh ra nhiều sự phiền phức trong dân. Tuy nhiên qua những diễn biến thời bấy giờ cho thấy mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ. Dân phiêu tán đã bắt đầu trở lại làng quê cày cấy. Các hải cảng đã sầm uất trở lại. Từ đống tro tàn của chiến tranh, quân dân ta gấp rút xây dựng lại đất nước.
Tù binh bắt được trong cuộc chiến rất nhiều. Trong quân của Toa Đô có những tù binh người Chiêm Thành đã quy hàng và chiến đấu cùng quân Nguyên, vua Trần lệnh bắt những người này đem trả về cho vua Chiêm Thành xét xử, thể hiện thiện chí giữa hai nước.
Đối với Nguyên Mông, triều đình Đại Việt thể hiện thái độ hết sức mềm mỏng để tìm kiếm hòa bình lâu dài. Vừa dứt chiến tranh không lâu, sứ bộ Đại Việt đã sang Nguyên tặng cống phẩm, đưa biểu “tạ tội”. Đầu năm 1286, vua Trần đã lệnh trao trả 5 vạn tù binh quân Nguyên về nước. Những động thái này thể hiện thiện chí rất lớn của triều đình Đại Việt. Khi vua Nguyên sai sứ là Hợp Tán Lý Hải Nha sang nước ta, triều đình Đại Việt đã đón tiếp thân thiện hòng nối lại mối quan hệ thân thiện với Nguyên Mông. Tuy nhiên, sự nhún nhường, thân thiện của triều đình Đại Việt cũng không đủ dập tắt được họa chiến tranh do tham vọng và lòng hận thù của Nguyên Mông quá lớn. Yêu sách của Nguyên triều vẫn là đòi đặt chức Đạt Lỗ Hoa Xích, thiết lập nền đô hộ trên nước Đại Việt. Để bảo vệ nền độc lập, triều đình nước ta đã phải từ chối yêu sách này.
Sứ Nguyên về rồi, tin tức do thám liên tục báo về rằng Nguyên triều đang ráo riết sửa soạn quân đội ở các vùng phía nam. Vua Trần Nhân Tông biết chuyện chẳng lành, đoán rằng giặc sẽ tiến sang trong nay mai.
Vua cho triệu Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đến hỏi : “Năm nay quân Nguyên tất lại sang, chưa biết tình thế chúng thế nào?”.
Hưng Đạo vương đáp rằng : “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng chốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm lớp cái thất bại của Hằng, Quán (1) không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn”. ( theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư )
Lời phân tích của Hưng Đạo vương lại dựa trên những thuận lợi mà quân dân Đại Việt đang nắm giữ. Quả thực sau cuộc chiến năm 1285, toàn bộ dân tộc ta đã được tôi rèn trở thành một dân tộc chiến binh. Tuy nhiên sự chắc thắng như lời Hưng Đạo vương nói chỉ có thể có được khi mà quân dân ta vẫn giữ được sự đoàn kết, mưu trí, dũng cảm như lần kháng chiến trước đó.
Tất nhiên là dù ý thức được những thuận lợi so với lần kháng chiến trước nhưng triều đình Đại Việt không hề tỏ ra chủ quan. Việc binh bị trong nước được củng cố rất khẩn trương để đề phòng quân giặc. Vua Trần nghe lời tâu của Hưng Đạo vương xong, khen ngợi là phải lẽ rồi giao cho Hưng Đạo vương quyền đốc suất quân đội cả nươc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Hưng Đạo vương cho triệu tập vương hầu, hạ lệnh khẩn trương chiêu mộ thêm binh lính, sắm sửa vũ khí, thuyền bè, đêm ngày luyện tập. Đồng thời, các ải hiểm yếu ở biên giới, các hải cảng phía đông bắc đều có binh lực mạnh đóng giữ.
Đầu đông năm 1286, Hưng Đạo vương tổ chức duyệt binh quy mô lớn hòng kiểm tra chất lượng quân đội, đặc biệt là những tân binh mới điều động. Bấy giờ quân đã tinh nhuệ, có thể dùng được. Nắm được rằng quân Nguyên tăng cường thủy binh rất mạnh, lần này Đại Việt tăng cường phòng thủ mặt biển. Phó đô tướng – Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, một tướng giỏi thời bấy giờ được Hưng Đạo vương giao trọng trách tổng chỉ huy phòng thủ ven biển đông bắc, đóng thủy binh mạnh tại hải cảng Vân Đồn. Nhân Đức hầu Trần Toàn cùng phối hợp với Trần Khánh Dư sắp đặt binh thuyền đón đánh thủy quân Nguyên.
Sang năm 1287, tình hình chuẩn bị chiến tranh của cả hai bên Đại Việt – Nguyên Mông càng khẩn trương hơn. Lúc này quân Nguyên đã hoàn toàn lộ rõ ý đồ xâm lược, các cụm quân lớn đã bắt đầu quá trình tập kết. Cũng như những lần kháng chiến chống Nguyên Mông trước, các căn cứ dự phòng được quân Đại Việt chuẩn bị kỹ càng. Những căn cứ như phủ Long Hưng, phủ Thiên Trường, Trường Yên đều có thể là nơi quân ta rút về khi gặp bất lợi. Nhân dân cả nước chỉ vừa mới ổn định sản xuất được hơn một năm, đã lại bắt đầu chuẩn bị cất giấu lương thực, tự vũ trang hoặc chuẩn bị sơ tán. Trần Khánh Dư đóng ở cảng Vân Đồn, hạ lệnh cho các hạng dân phải đội nón Ma Lôi ( một loại nón lá ) để phân biệt với khách buôn ngoại quốc, đề phòng trong lúc hỗn loạn khó phân biệt gián điệp của địch cài vào. Đây là việc làm rất cần thiết, nhưng Trần Khánh Dư lại nhân cơ hội này cho người nhà mua nón Ma Lôi để đầu cơ, đẩy giá lên cao ngất rồi mới bán ra cho dân. Vì việc này mà ông đã bị Thượng hoàng Trần Thánh Tông khiển trách. Các sử gia đời sau cũng hết mực chê trách. Tuy nhiên, Khánh Dư bấy giờ là tướng tài cả nước phải trông cậy nên Thượng hoàng cũng không xử mạnh tay.
Nhận thấy rõ lần này của quân Nguyên mạnh cả thủy lẫn bộ, vua Trần và triều thần có nhiều người lo lắng binh lực của ta chưa đủ mạnh. Quan chấp chính khuyên Hưng Đạo vương nên tuyển chọn thêm dân đinh sung vào quân để tăng quân số. Hưng Đạo vương đáp rằng : “Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên (2) thì cũng làm gì được ?”. Thêm quân đông sẽ càng làm cho hậu cần bị gánh nặng, điều động chậm chạp. Không bằng dùng quân số vừa đủ mà tinh nhuệ để có thể cơ động dễ dàng. Vả lại luyện binh cũng đòi hỏi không ít thời gian, công sức. Lời của Hưng Đạo vương cũng là phương châm xây dựng quân đội của Đại Việt thời Trần.
Vua Trần Nhân Tông một lần nữa hỏi ý kiến của Hưng Đạo vương : “Năm nay thế giặc ra sao?”. Hưng Đạo vương bình thản đáp : “Năm nay đánh giặc nhàn”. ( theo ĐVSKTT ). Sự tự tin của vị Quốc Công Tiết Chế là rất có cơ sở. Dù cho thủy quân Nguyên Mông hùng mạnh, nhưng thủy chiến là sở trường của quân ta. Lại thêm lần này nước ta không bị lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch như lần trước ( năm 1285 Thoát Hoan từ bắc đánh xuống, Toa Đô từ nam đánh lên ). Về quân số, quân Nguyên lần này cũng không đông như lần trước. Tuy nhiên, trong chiến tranh có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra mà ta sẽ thấy trong diễn biến cuộc chiến.
Cuối năm 1287, quân Nguyên dưới quyền của Thoát Hoan đã tiến quân đến châu Tư Minh, sát biên giới nước ta. Thủy quân địch đã tập kết tại cảng Khâm, sẵn sàng vượt biển. Một cuộc chiến mới lại sắp bắt đầu.
(1) : Lý Hằng, Lý Quán là những tướng Nguyên chết trận trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2
(2) : Bồ Kiên là vua nước Tiền Tần thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong sử Trung Hoa. Quân Tiền Tần đem 100 vạn quân đánh Đông Tấn. Quân Tiền Tần đông nhưng ô hợp, bị 8 vạn quân Đông Tấn tàn sát trong trận Phì Thủy.
Quốc Huy/Một Thế Giới