Khi hiện thực vẫn còn nằm trong khuôn khổ “trật tự phong kiến” thì sự đánh giá của giới sĩ phu cũng không đến nỗi sai lầm nghiêm trọng, mặc dù điều đó đã không phản ánh đúng khả năng phát triển của thời thế. Nhưng khi hiện thực ấy đã vượt ra khỏi khuôn khổ “trật tự phong kiến”, khi nó đã thay đổi dưới sự tác động của phương Tây thì cách đánh giá, tiếp cận thời thế của giới sĩ phu vẫn chưa có sự chuyển biến.
Trường hợp của Lý Văn Phức là một ví dụ tiêu biểu. Khi có điều kiện xuất dương “Tây hành”, những tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây về tàu máy hơi nước, máy dẫn thủy, kính thiên văn, cột thu lôi,…đều là những cái có sức hấp dẫn đối với ông. Tuy nhiên, khi bàn về cột thu lôi, Lý Văn Phức (1785–1849) lại giải thích:
“Thường thấy dọc đường và trên nóc nhà của họ, có dựng một cái roi bằng sắt, chu vi một tấc, cao chừng vài mươi thước. Hỏi thì nói rằng đó là một thứ sắt đã chế luyện theo phép dùng để thu hút sấm sét. Xứ này nhiều gió và sấm. Mỗi khi có sét thì nhà nào có roi sắt này sẽ bị hút vào đó và mắc chặt không nổ ra được, do đó tránh được hại.
Hỏi kỹ về cái phép ấy thì không ai chịu chỉ rõ mà họ chỉ nói rằng cây sắt này là chế tạo từ bên tổ quốc của họ mà đem sang. Lại đem hỏi người Đường (người Trung Quốc), thì họ nói rằng thứ sắt ấy được luyện bằng từ thạch, tức là dựa trên cái lý ‘từ thạch dẫn châm’. Việc này tuy hoang đường nhưng cũng tỏ rõ mánh khóe của bọn Phiên quỷ (chú thích: chỉ người phương Tây)”
Nguyên nhân sâu sa của hiện tượng trên là bởi quan niệm Hoa – Di đã ăn sâu vào tâm trí của giới sĩ phu nước nhà. Thêm vào đó là “tâm lý phản vệ” xuất phát từ nỗi lo sợ bị phủ định, các sĩ phu Việt Nam đã không tránh khỏi việc phê phán, chỉ trích lối sống cũng như các phong tục, tập quán của người Tây phương từ góc nhìn của đạo đức Nho giáo. Lý Văn Phức trong Tây Hành Kiến Văn Kỷ Lược đã phê phán người phương Tây là “thường giảo quyệt, thích lừa dối”, “ngạo mạn, vô lễ”, “vung tiền kiêu ngạo”, “đam mê phong lưu, nông nổi phóng đãng, không kiềm thúc”, “hám lợi vô tình”.
Bài xích đến cực đoan những tri thức khoa học, kỹ thuật phương Tây là thái độ chung của đông đảo giới sĩ phu triều Nguyễn. Trường hợp của Vũ Phạm Khải là một ví dụ tiêu biểu. Đầu năm 1841, khi đế quốc phương Tây vừa gây chiến tranh Nha phiến với Trung Quốc (1839) buộc nhà Thanh phải mở cửa thì danh nho Vũ Phạm Khải đã viết bài sớ có tên “Biện hoặc luận”, phản đối việc tiếp nhận, học tập kỹ thuật của người phương Tây, chống lại sự tiếp xúc văn hóa với họ. Bài sớ của Vũ Phạm Khải được viết dưới dạng câu chuyện đối thoại của tác giả với “một phái viên vừa đi Tây trở về (ở đây là Trần Tú Dĩnh)”.
Bài sớ có đoạn (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1998):
“Chưa có Tây, nước ta có thiệt thòi gì? Có Tây rồi, nước ta có lợi gì? Không khen cái khéo của ta, lại khen cái xảo của Tây, há chẳng phải là bắt cái hình con cá, đuổi cái bóng con thỏ ư?… Hiểm độc thay cái sự xảo ấy của Tây không ở vật dùng mà ở tâm địa… Tây thường đem những thứ vô dụng để đổi lấy Ma Cao, đổi lấy Đài Loan đấy. Hàng của họ đến đâu là người của họ đến đấy, há không đáng lo sao?”
Trong bài sớ, Vũ Phạm Khải còn lên án và chống lại việc tiếp nhận những thành tựu của nền khoa học kỹ thuật phương Tây:
“Người khách từ Tây Dương trở về, kể lại các máy móc tinh xảo của Tây và ca ngợi hết lời cho rằng nước ta chưa hề có những thứ đó. Người ngồi nghe đều tấm tắc. Riêng ta không nói gì mà ngoảnh mặt đi nơi khác”
Phần đông giới sĩ phu nước nhà vẫn chưa thể vượt qua được khuôn khổ “thế giới quan” Nho giáo để có cái nhìn rộng lượng hơn về phương Tây. Chính vì vậy, họ thường dùng kiến thức, thế giới quan của “Nho giáo” để luận bàn, đánh giá về những tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây. Điều đó đã khiến họ tự giam mình trong học thuyết Nho giáo cũ kỹ đang càng lạc hậu trước thời cuộc và tất cả những điều đó tạo nên một sức ỳ khủng khiếp cho dân tộc Việt Nam. Hệ quả đưa đến là những những nhận định lệch lạc và hiểu lầm tai hại, ngăn cản sự hiện đại hóa đất nước một cách thực tiễn. Vậy nên, dù đã tiếp thu và áp dụng một số tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây nhưng điều đó chỉ mang tính chất “nửa vời”, không giúp hình thành nên một trào lưu “Tây hóa”, làm xuất hiện một cuộc cách mạng trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở Việt Nam thời bấy giờ.
Nguồn: Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 5(3): 1130-1138.