Sau vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Tokaimura năm 1999, Hisashi Ouchi nhiễm xạ với mức độ chưa từng có và chịu đau đớn suốt 83 ngày cuối cùng.
Tai nạn xảy ra vào trưa ngày 30/9/1999 tại nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Tokaimura, tỉnh Ibaraki, phía đông bắc thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Để đáp ứng thời hạn sản xuất, Công ty Chuyển đổi Nhiên liệu Hạt nhân Nhật Bản (JCO) đã yêu cầu Ouchi cùng hai kỹ thuật viên khác trộn một lô nhiên liệu mới mà không áp dụng các biện pháp an toàn theo quy định.
Ouchi, sinh năm 1965, bắt đầu làm việc trong ngành năng lượng hạt nhân vào đúng thời điểm quan trọng của đất nước. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế và chịu phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, Nhật Bản đã chuyển sang sản xuất điện hạt nhân và xây dựng nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên của đất nước chỉ 4 năm trước khi Ouchi chào đời.
Nhà máy điện ở Tokaimura có khuôn viên rộng rãi, với đầy đủ lò phản ứng hạt nhân, viện nghiên cứu, cơ sở làm giàu nhiên liệu và các cơ sở xử lý chất thải hạt nhân. Theo thời gian, một phần ba dân số của thành phố đều dựa vào ngành công nghiệp hạt nhân vốn đang phát triển rất nhanh chóng ở tỉnh Ibaraki, phía đông bắc Tokyo.
Một vụ nổ từng xảy ra tại lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Tokaimura vào ngày 11/3/1997 khiến hàng chục người nhiễm xạ. Tuy nhiên, giới chức khi đó không đào sâu sự việc này và nó cũng không gây quá nhiều chấn động trong dư luận.
Sau sự cố, nhà máy Tokaimura đã chuyển đổi uranium hexafluoride thành uranium làm giàu trong quá trình sản xuất điện hạt nhân. Điều này thường được thực hiện với một quy trình chặt chẽ theo từng bước, trong đó các nguyên tố được trộn theo trình tự và thời gian nhất định.
Năm 1999, nhà máy bắt đầu thử nghiệm xem liệu bỏ qua một số bước có thể khiến quá trình diễn ra nhanh hơn hay không. Nhưng cuộc thử nghiệm đã khiến họ không đáp ứng được thời hạn sản xuất vào ngày 28/9. Vì vậy, vào khoảng 10h ngày 30/9, Ouchi cùng người đồng nghiệp 29 tuổi Masato Shinohara và người giám sát Yutaka Yokokawa, 54 tuổi, đã tiếp tục thử làm tắt quy trình.
Không ai trong số họ biết về mức độ nguy hiểm của việc làm này. Thay vì sử dụng máy bơm tự động để trộn 2,4 kg uranium làm giàu với axit nitric trong một bể chứa đặc biệt, họ đã dùng tay đổ gần 15,9 kg uranium làm giàu vào các xô thép.
Lượng uranium mà họ đổ vào xô cao gấp 7 lần bình thường. Đến 10h35, số uranium đã đạt khối lượng tới hạn. Luồng ánh sáng màu xanh chói mắt tràn ngập căn phòng, cho thấy phản ứng hạt nhân đã xảy ra và đang giải phóng bức xạ chết người.
Ouchi đứng ngay cạnh xô chứa uranium khi tia Gamma tràn ngập căn phòng và cơn ác mộng khủng khiếp của anh bắt đầu từ đây.
Giới chức nhanh chóng sơ tán nhà máy, còn Ouchi và hai đồng nghiệp được chuyển đến Viện Khoa học Phóng xạ Quốc gia ở Chiba. Tất cả họ đều đã tiếp xúc trực tiếp với phóng xạ nhưng với mức độ khác nhau.
Ouchi là người bị nhiễm xạ nặng nhất với 17 Sievert, trong khi mức nhiễm xạ từ 7 Sievert trở lên được coi là có thể gây chết người. Anh cũng trở thành người nhiễm xạ cao nhất thế giới từ trước tới nay.
Những cơn đau đớn lập tức ập đến khiến Ouchi gần như không thể thở. Khi được đưa đến bệnh viện, Ouchi đã nôn mửa dữ dội và bất tỉnh. Những vết bỏng bao phủ toàn bộ cơ thể anh và liên tục rỉ máu.
Điều tồi tệ nhất là anh mất hết tế bào bạch cầu và không có phản ứng miễn dịch. Các bác sĩ phải đặt Ouchi vào một phòng đặc biệt để ngăn ngừa nhiễm trùng và đánh giá mức độ tổn thương các cơ quan nội tạng của anh. Ba ngày sau, Ouchi được chuyển đến Bệnh viện Đại học Tokyo, nơi các bác sĩ tìm mọi cách để cứu mạng anh.
Tuần đầu tiên, Ouchi phải trải qua vô số ca ghép da và truyền máu. Chuyên gia cấy ghép tế bào Hisamura Hirai sau đó đề xuất một phương pháp chưa từng được áp dụng là cấy ghép tế bào gốc, được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi khả năng tạo máu mới cho Ouchi.
Hirai cho rằng nó sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn nhiều so với cấy ghép tủy xương. Chị gái Ouchi tình nguyện hiến tế bào gốc của mình, nhưng nỗ lực của các bác sĩ đã không thể thu được kết quả.
Các bức ảnh chụp nhiễm sắc thể của Ouchi cho thấy chúng đã bị đứt đoạn hoàn toàn. Lượng phóng xạ trong máu của anh đã tiêu diệt các tế bào gốc được ghép. Việc ghép da cũng không thành công bởi ADN của anh không thể tự tái tạo.
“Tôi không thể chịu được nữa”, Ouchi nói sau 7 ngày điều trị. “Tôi không phải một con chuột thí nghiệm”. Anh liên tục yêu cầu các bác sĩ dừng lại và để anh về nhà.
Nhưng gia đình vẫn mong muốn Ouchi được sống và các bác sĩ tiếp tục các phương pháp điều trị thử nghiệm ngay cả khi tình trạng của anh ngày một tệ hơn. Vào ngày thứ 59 tại bệnh viện, anh lên cơn đau tim và các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức theo nguyện vọng của gia đình, đưa anh từ cõi chết trở về. Ouchi trải qua ba cơn đau tim chỉ trong một giờ.
Khi ADN không còn nguyên vẹn và các tổn thương não không ngừng lan rộng, cơ hội cứu sống Ouchi gần như bằng không. Ngày 21/12/1999, Ouchi rơi vào trạng thái suy đa tạng và cơn đau tim cuối cùng đã giải thoát anh khỏi mọi đau đớn.
Giới chức cũng đã kiểm tra phóng xạ cho 10.000 dân sống quanh nhà máy điện hạt nhân Tokaimura, trong đó hơn 600 người bị phơi nhiễm mức độ thấp. Không ai phải chịu đau đớn như Ouchi và người đồng nghiệp của anh, Masato Shinohara.
Shinohara đã phải chiến đấu giành giật sự sống suốt 7 tháng, khi các bác sĩ cũng thử nghiệm phương pháp truyền tế bào gốc lấy từ dây rốn của một em bé sơ sinh cho anh. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng như nỗ lực ghép da, truyền máu hay phương pháp điều trị ung thư đều không mang lại kết quả. Anh qua đời vì suy phổi và gan vào ngày 27/4/2000.
Người giám sát Yokokawa bị nhiễm xạ mức độ nhẹ và được xuất viện sau ba tháng điều trị, nhưng phải đối mặt cáo buộc hình sự do sơ suất trong công việc. JCO phải chi 121 triệu USD để giải quyết 6.875 yêu cầu bồi thường từ những người dân địa phương bị ảnh hưởng.
Nhà máy điện hạt nhân Tokaimura tiếp tục hoạt động trong hơn một thập kỷ sau sự cố nhưng do công ty khác điều hành. Năm 2011, nhà máy đóng cửa vì thảm họa động đất, sóng thần Tohoku và chưa mở cửa trở lại cho đến tận ngày nay.
Theo Vũ Hoàng/VnExpress