Trang chủ Kiến Thức Những hình ảnh kinh hoàng của nạn đói năm 1945

Những hình ảnh kinh hoàng của nạn đói năm 1945

“Cái chết vì đói” kể nào xiết vẻ dai dẳng, vật vã và khủng khiếp”. Nạn đói năm 1945 từng được ví như “sự hủy diệt khủng khiếp” trong lịch sử vốn đã quá nhiều đau thương, mất mát của dân tộc Việt Nam. Bảy mươi năm trôi qua cùng nỗi đau chiến tranh gác lại phía sau, nhưng những dư âm để lại từ “sự hủy diệt khủng khiếp” ấy dường như vẫn còn đó, khắc khoải khôn nguôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp – Đức, Người viết: “Trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…” (trích Hồ Chủ Tịch kêu gọi chống nạn đói năm 1945).

Trong sáu tháng, số người chết vì đói ở Việt Nam lớn hơn cả số người chết vì chiến tranh ở Pháp trong sáu năm. Cho đến nay, nhiều tài liệu đã khẳng định số người chết trong nạn đói kinh hoàng năm 1945 nhiều hơn con số 2 triệu, nhưng rất khó để có được số thống kê cụ thể chính xác.

Nạn đói diễn ra từ cuối năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 với “địa bàn” chính từ tỉnh Quảng Trị trở ra Bắc Bộ với “đỉnh điểm” là tỉnh Thái Bình.

Theo con số ghi chép từ cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – những chứng tích lịch sử” của GS. Văn Tạo và GS. Furuta Moto, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải – Thái Bình) nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất thậm chí 66,66% số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết không sót một ai.

Từ tháng 1/1945 đến tháng 5/1945, xác người chết nằm ngổn ngang từ Quảng Trị đến khắp các tỉnh miền Bắc. Ở đâu người ta cũng nhìn thấy xác người chết đói nằm vật vã ngoài đường.

Suốt 70 năm qua, những hố chôn người tập thể vẫn là nỗi đau đớn, ám ảnh khôn nguôi của biết bao thế hệ đương thời. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn lưu lại hình ảnh những chiếc xe bò chở thây người trên khắp các phố Hà Nội buổi sáng sớm, hình ảnh người nằm la liệt ở khắp các con đường, hình ảnh những người kiệt sức, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn.

Theo đó, Nhật thu gom lúa gạo, Pháp dự trữ lương thực phục vụ cho chiến tranh trong khi thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh gây mất mùa tại miền Bắc. Bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp trong mùa lũ.

Không dừng lại ở đó, Nhật còn bắt nhân dân ta phá lúa, hoa màu để trồng cây đay. Những biến động quân sự và chính trị dồn dập xảy ra đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực miền Bắc vốn dĩ đã thiếu gạo nên càng bị đói.

Trong tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài, ông từng viết: “Nói bao nhiêu về cảnh đói 1944 – 1945 cũng vẫn chưa thấm. Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được. Khủng khiếp quá”… “Sau đảo chính mùng chín tháng Ba, lính Nhật đi đẩy người đói không xuể. Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày suốt đêm kéo xác chết lầm lũi qua”.

Hay tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân: ”Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người…”

Có tận mắt chứng kiến hình ảnh đồng bào ta sống trong những năm tháng đói khổ này, càng không thể tưởng tượng tất thảy điều họ phải trải qua ở nơi bây giờ tựa “địa ngục trần gian”, ai ai nhìn thấy hỏi thử sao không trào nước mắt. Vậy mà vẫn có một số thành phần dựa vào quyền tự do sáng tạo mà sản xuất nên một tác phẩm đi ngược lại hoàn toàn với những gì đã qua – một bộ phim vỡ ảnh với gam màu điện ảnh chói chang rực rỡ dị thường.

Theo báo Dân trí