Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày 22/2/1945: Kết thúc “thảm kịch cá sấu” Ramree trong thế chiến...

Ngày 22/2/1945: Kết thúc “thảm kịch cá sấu” Ramree trong thế chiến II

Cá sấu trong đầm lầy Ramree.
Cá sấu trong đầm lầy Ramree.

Đây là trận đánh ở đảo Ramree ngoài khơi Myanmar giữa quân đội Anh-Ấn và đế quốc Nhật, kết thúc sau hai tháng với phần thắng thuộc về người Anh, giúp họ có bàn đạp vững chắc để tấn công vào đất liền.

đầm lầy Ramree, nơi diễn ra tấn thảm kịch. Ngày nay hòn đảo còn được ghi trong sách du lịch với cái tên Đảo Cá Sấu.
Đầm lầy Ramree, nơi diễn ra tấn thảm kịch. Ngày nay hòn đảo còn được ghi trong sách du lịch với cái tên Đảo Cá Sấu.

Mặc dù quy mô không lớn, trận này được nhớ đến bởi thảm kịch cá sấu tấn công.

Gần 1000 lính Nhật của tiểu đoàn tăng cường số 2 khi bị đánh tạt sườn, đã bỏ trận địa rút vào khu đầm lầy ngập mặn (xuyên qua nó là đến bờ biển nhìn về đất liền).

Quân Anh đuổi đến nơi thì không dám tiến vào. Nhìn qua có vẻ là lợi thế cho người Nhật khi họ có kỹ năng tác chiến du kích và thành thạo sinh tồn trong rừng, nhưng thực tế các binh sĩ đã vô tình bước vào vùng địa ngục. Bùn lầy sâu, muỗi nhiệt đới, bọ cạp và nhất là loài cá sấu nước mặn đã trở thành tác nhân giết chóc nhiều hơn cả súng đạn của con người.

Trung đoàn 121 Nhật Bản vượt qua một con suối trên đảo Ramree.
Trung đoàn 121 Nhật Bản vượt qua một con suối trên đảo Ramree.

Khi những binh lính đầy mồ hôi và thương thích vô tình bước vào lãnh địa cá sấu, họ lập tức bị tấn công bởi loài bò sát ăn thịt lớn nhất thế giới này. Những con cá sấu nước mặn dài 6–7 m với trọng lượng trung bình 1.000 -1.200 kg, gần như miễn nhiễm với súng đạn hay đao kiếm bởi lớp da dày, từ từ bơi đến trong đêm đen như ma quỷ và ngoạm mồi theo bản năng gốc của chúng suốt hàng triệu năm qua.

Nhà tự nhiên học Bruce Stanley Wright, người khi đó là lính trực tiếp tham gia trận chiến, tả lại:

“Đêm ngày 19 tháng 2 là khoảnh khắc kinh hoàng nhất mà các thành viên của đội tàu (tuần tiễu ven biển) từng được chứng kiến. Mảnh vỡ của súng trường rải rác khắp nơi, các binh sĩ Nhật mình đẫm máu, la hét, nằm quằn quại dưới lớp bùn lầy đen ngòm. Và trong bóng tối địa ngục đó, vang lên tiếng quẫy nước của loài cá sấu xen lẫn kêu thét chói tai của những con người đang bị nghiền nát dưới hàm răng chúng. Vào lúc bình minh, đàn kền kền kéo đến dọn sạch những gì mà lũ cá sấu bỏ lại. Trong khoảng 1000 binh sĩ Nhật chạy vào khu đầm lầy, chỉ có 20 lính và 3 sĩ quan được tìm thấy còn sống.”

Thực tế, đã có 500 lính Nhật – tức một nửa tiểu đoàn chạy thoát ra bờ biển và về được đất liền, các nhà khoa học cũng nghi ngờ con số “hàng ngàn cá sấu” được mô tả, vì hệ sinh thái của hòn đảo 1350 km vuông không thể đáp ứng chừng đó cá thể cá sấu trưởng thành. Nhưng dù sao, sách kỷ lục Guinness đã ghi chép lại sự kiện này với tựa đề là “Số người tử vong lớn nhất trong một trường hợp cá sấu tấn công”.