Trang chủ Kiến Thức Chuyện lính Trung Quốc trá hình bộ đội Việt Nam trong chiến...

Chuyện lính Trung Quốc trá hình bộ đội Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Lời khai của Lưu Phi, 23 tuổi, quê Nà Thiêm, Quảng Tây, là lính lái xe tăng của sư đoàn 80 quân đội Trung Quốc, bị bắt sống ngày 20/2/1979 ở Cao Bằng khi xe tăng số hiệu 76 của hắn bị bắn cháy, bọn trên xe chết hết chỉ còn tên này sống sót. Các chiến sĩ biên phòng băng bó cho hắn và đưa về hậu cứ.

  • Hỏi: Sư đoàn anh do ai chỉ huy? Nhiệm vụ khi vào Việt Nam là gì?
    – Thưa sư đoàn tôi là sư 80, bộ đội cơ động trung ương. Trước đây sư 80 đóng ở phía Bắc, từ đầu tháng 2 được điều xuống phía Nam, khi đến cách biên giới khoảng 20 dặm thì dừng lại. Trung đoàn trưởng cho chúng tôi biết là “đi mở đường đánh vào Việt Nam rồi về”.
  • Hỏi: Tại sao xe của anh lái có những 8 người ăn mặc khác nhau?
    – Theo biên chế trên mỗi xe tăng chỉ có 4 người, nhưng sư đoàn tôi có mỗi xe có 8 người. Họ được bổ sung lên khi xe còn cách biên giới 5 dặm. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng, khi xe đến có chỉ huy đứng sẵn gọi tên từng tốp lên xe. Số lính này hoàn toàn mặc trang phục như bộ đội Việt Nam. Chúng tôi được giải thích: “đó là những chiến sĩ thám báo, chúng ta cần giúp họ trá hình dưới nhiều dạng để vào Việt Nam hoạt động”.
  • Hỏi: Anh có biết gì về những người lính trá hình ấy không?
    – Khi ngồi trên xe tôi có làm quen với một người trạc 45 tuổi. Anh ta khoe trước kia là thợ cắt tóc ở thị xã Cao Bằng, khi tổ quốc gọi về anh ta cùng vợ con qua biên giới từ cửa khẩu Hữu Nghị. Sang đến Bằng Tường thì anh ta được tách riêng, vợ con lên tàu đi đâu không rõ. Anh ta được dẫn quay lại giáp biên giới Cao Bằng, gặp lại nhiều người quen . Họ được tổ chức thành các trung đội, đại đội dân binh, học tập tài liệu phổ biến là “Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc Trung Hoa vĩ đại”, luyện tập quân sự, học cách thu thập tài liệu, móc nối liên lạc, ẩn dấu và nằm vùng.

    Khoảng 5 giờ chiều ngày 16 tháng 2, một chỉ huy tập trung họ lại và tuyên bố: “Từ nay các anh không còn là dân binh nữa. Các anh đã trở thành chiến sĩ an ninh, cần trở lại Việt Nam xâm nhập hậu phương, hỗ trợ cho bộ đội Trung Quốc đánh vào”.

    Mỗi nhóm gồm hơn 100 người, ăn mặc như các ông. Theo kế hoạch thì khi qua biên giới gặp dân Việt Nam, họ sẽ đứng lên vẫy tay, chào để xe đi qua trót lọt. Khi quân đội Trung Quốc chiếm xong khu vực đã định, hoặc có lệnh thì những người lính thám báo ấy sẽ rải ra, thay trang phục dân thường để trà trộn vào hoạt động trong các khu sơ tán hoặc xa hơn nữa.
Lưu Phi khi bị bắt sống
  • Hỏi: Còn nhiệm vụ chính của đơn vị tăng 80 là gì?
    – Sư đoàn 80 ngoài việc đưa những người lính thám báo đó đi thì nhiệm vụ chính vẫn là đánh mở đường cho bộ binh tiến lên trừng phạt Việt Nam. Vì thế các chỉ huy cho phép chúng tôi bắn phá tự do, lấy lương thực và gia súc, gia cầm dọc đường để tự túc tiếp tục đánh nhau.
  • Hỏi: Nếu bị đánh bật trở lại thì sao?
    – Cấp trên chúng tôi không nhắc đến trường hợp này, nhưng tôi nghe được lính thám báo trao đổi sẽ quay về Trung Quốc khi có lệnh, vẫn mặc nguyên trang phục như lính Việt Nam, sẽ có người tiếp đón và đưa đi quay phim, chụp hình cảnh “Việt Nam tấn công vào khu dân thường Trung Quốc”.
  • Hỏi: Nay được sống sót, anh thấy tình hình thế nào?
    – Tất cả đều bi đát, 32 xe tăng của sư 80 bị tiêu hao dọc đường vào Cao Bằng, lính chết nhiều. Khi bị bắt tôi mới biết 4 người lính thám báo trên xe đều bị bắn gục ngay tại chỗ, còn bị xe đi sau cán lên.
  • Các anh định ở lại Việt Nam bao lâu? Vì sao mang ít lương thực như vậy?
    – Nếu tính lương thực mỗi người mang theo thì chỉ đủ cho 4 ngày. Chỉ huy bảo với chúng tôi là trước khi hậu cần đến thì phải biết “dựa vào dân”. Có hai chỗ dựa: số người Hoa bấy lâu nay không hòa hợp chính quyền Việt Nam và số người Việt bất mãn. Thứ nữa là bắt cán bộ để buộc họ dẫn đi lấy lương thực.
  • Anh thấy cả hai điều đó có đúng không?
    – Chỉ một phần. Số người Hoa ra đón tiếp hay làm chỉ điểm cho chúng tôi không nhiều, còn cán bộ các ông rất khó bắt sống. Lương thực thực phẩm là đi lấy dọc đường chứ không có ai cung cấp cho cả.

(Phóng viên Phạm Xuân Lục, báo Quân đội nhân dân ghi chép)