Trang chủ Kiến Thức Bài thơ “Anh đi anh nhớ quê nhà” có phải là ca...

Bài thơ “Anh đi anh nhớ quê nhà” có phải là ca dao không?

Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương...
Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương...

Nhắc đến bài “Anh đi anh nhớ quê nhà”, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một bài ca dao và không có tác giả. Điều này có chính xác không?

“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm mai.”

Đây là bài thơ rất đỗi quen thuộc và được học ngay từ những năm đầu cấp một. Nhiều sách giáo khoa đã ghi đây là bài ca dao không có tác giả và nhiều cuốn sách như Kho tàng tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (Vũ Ngọc Phan) và Tục ngữ và ca dao Việt Nam (Mã Giang Lân) cũng sưu tập bài này.

Tuy nhiên, thực tế không đúng như vậy.

Trên thực tế, bài thơ “Anh đi anh nhớ quê nhà” là tác phẩm của Á Nam Trần  Tuấn Khải, một nhà nho, một nhà thơ đầu thế kỉ XX, nhưng sau này được lưu truyền trong dân gian như ca dao.

Cả bài chỉ vẻn vẹn bốn câu, lời lẽ giản dị tưởng chừng dễ hiểu. Thế nhưng trong thực tế, đã có hai cách hiểu khác nhau rõ rệt và cả hai cách hiểu đó đều có cơ sở và lí do tồn tại. Cách hiểu thứ nhất nhấn mạnh vào nỗi nhớ quê nhà của người xa quê và coi chủ đề chính của bài thơ là tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương. Cách hiểu thứ hai nhấn mạnh vào nỗi nhớ ai của người sắp ra đi và chủ đề chính của bài thơ là lời bày tỏ tình yêu đôi lứa.

Về nhà thơ Trần Tuấn Khải

Trần Tuấn Khải (4/11/1895 – 7/3/1983) bút danh Á Nam (thường dùng), Đông Minh, Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ.

Chân dung nhà thơ Trần Tuấn Khải.
Chân dung nhà thơ Trần Tuấn Khải.

Ông người làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Cha ông đậu cử nhân khoa thi Hương tại Nam Định năm Canh Tý (1900), nhờ vậy năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với cha. Năm 12 tuổi, ông đã biết làm đủ các thể thi bằng chữ Hán.

Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh, được giới văn học đương thời lưu tâm. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai hoá tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác. Đến khi ông cho xuất bàn Bút quan hoài, gồm nhiều bài bi tráng và được nhiều người hoan nghênh; Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó. (Thi nhân tiền chiến, quyển hạ, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1969, tr.10)

Năm 1954 ông vào Nam, làm việc tại Thư viện quốc gia, Viện khảo cổ, chuyên viên Hán học tại Nha văn hoá và các báo Đuốc nhà Nam, Văn hoá nguyệt san, Tin văn… Năm 1966, ông cùng một số trí thức tiến bộ kí tên yêu cầu chính quyền Sài Gòn trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hoà bình, nên bị buộc nghỉ việc. Sau đó, ông là chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc năm 1966 – 1967. (Theo Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế, Tự điển nhân vật Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1992, tr.893)

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 cho đến khi mất ở 88 tuổi (1983).

Một vài tác phẩm tiêu biểu:

Duyên nợ phù sinh I (thơ, 1921)
Duyên nợ phù sinh II (thơ, 1922)
Bút quan hoài I và Hồn tự lập I (thơ, 1924)
Bút quan hoài II và Hồn tự lập II (thơ, 1927)
Với sơn hà I (thơ, 1936)
Với sơn hà II (thơ, 1949)
Hậu anh Khoá (thơ, 1975)
Gương bể dâu I (tiểu thuyết, 1922)
Hồn hoa (tiểu thuyết, 1925)
Thiên Thai lão hiệp (tiểu thuyết, 1935-1936)
Mảnh gương đời (kịch, 1925)
Thuỷ Hử (tiểu thuyết dịch, 1925)
Hồng lâu mộng (tiểu thuyết dịch, 1934)
Đông Chu liệt quốc (tiểu thuyết dịch, 1934)