Trang chủ Kiến Thức Dân chủ và cộng hòa

Dân chủ và cộng hòa

Nền dân chủ Athen

bạn thắc mắc về sự khác nhau giữa 2 khái niệm “dân chủ” và “cộng hòa”. Trong thời hiện nay thì hai khái niệm này thường bị trộn lẫn, đặc biệt là bởi nền chính trị “2 đảng như 1” của Mỹ, tuy nhiên trong quá khứ từng có sự phân biệt rõ nét giữa hai khái niệm này. Chúng ta sẽ bàn về hai nền chính trị thời cổ đại tiêu biểu cho mỗi khái niệm: nền dân chủ Athen và nền cộng hòa La Mã.

Trong suốt lịch sử loài người, từ khi nhà nước đầu tiên tồn tại cho đến tận vài trăm năm gần đây, cách tổ chức nhà nước phổ biến đó là quyền lực tập trung trong tay một cá nhân duy nhất (nhà vua). Trong một số trường hợp hiếm hoi không có vua, loài người đã thử nghiệm rất nhiều mô hình khác nhau để một nhóm đông người, với những nhu cầu khác nhau và niềm tin khác nhau và cách suy nghĩ khác nhau, có thể đưa ra một quyết định chung. Chúng ta thường nghĩ muốn ra quyết định chỉ cần “họp lại và bỏ phiếu”, nhưng lịch sử chứng minh việc đó không hề đơn giản.

Hãy nói về Athen, nhà nước dân chủ đầu tiên được ghi chép trong lịch sử. Buổi đầu, Athen cũng có vua. Những vị vua cổ của thành bang Athen lãnh đạo đến hết đời, sau đó chọn một người xứng đáng để thay thế mình. Mô hình này khá giống với truyền thuyết Tam hoàng Ngũ đế của Trung Hoa, thời mà vua Nghiêu vua Thuấn không truyền ngôi cho con mà chọn người kế vị theo năng lực. Tuy nhiên sau đó Athen phát triển theo một hướng khác so với Trung Hoa: xung đột giữa nhà vua với tầng lớp dưới nổ ra, nhà vua bị lật đổ và nền dân chủ hình thành.

Vì sao Athen lại phát triển theo hướng riêng biệt này? Đây là một câu hỏi khó trả lời, nhưng nếu đưa ra một dự đoán, thì nguyên nhân là phương thức lao động. Ở Trung Quốc hay Ai Cập, người dân làm nông là chủ yếu, họ cần tập họp dưới một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để làm thủy lợi và chống ngoại xâm. Trong khi đó ở Hi Lạp thiên nhiên khá ôn hòa và biển Địa Trung Hải thuận lợi cho thương mại, khiến cho người Hi Lạp không cần thống nhất thành một nước lớn mà tổ chức thành những thành bang độc lập, và trong một số thành bang người ta cũng cảm thấy không cần đến sự hà khắc của nhà vua. Điều này sẽ lặp lại vào thời Phục hưng, những thành phố thương mại ven bờ Địa Trung Hải (Venice, Genoa …) là những nơi đầu tiên thoát khỏi chế độ quân chủ.

Và như vậy nền dân chủ đầu tiên hình thành, với một mô hình “tam quyền phân lập” sơ khai. Mỗi năm các công dân thành phố Athen họp lại với nhau khoảng 40 lần (lập pháp), mỗi lần yêu cầu ít nhất 6000 người tham dự, để bầu ra các chức vụ trong thành phố: người thu thuế, người lo việc cúng tế, người lãnh đạo quân đội … (hành pháp). Các công dân cũng phải luân phiên nhau làm nghĩa vụ tư pháp: hàng ngày người dân Athen họp nhau thành những phiên tòa có tới hàng trăm bồi thẩm, và họ sẽ bỏ phiếu để xử lý những vụ kiện tụng. Thời Athen được gọi là “nền dân chủ trực tiếp”, tất cả công dân có thể trực tiếp quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ thông qua bỏ phiếu tại chỗ, quyền lực thực sự nằm trong tay số đông (trong số những người được xem là công dân).


Khủng hoảng của nền dân chủ Athen và cái chết của Socrates

 

Thể chế dân chủ xảy ra trùng với thời kì hoàng kim của thành bang Athen. Họ lãnh đạo các thành phố khác của Hy Lạp giành thắng lợi trong cuộc chiến với Ba Tư, rồi trở thành một đế quốc hùng mạnh.

Từ góc nhìn của người ngày nay, nền dân chủ Athen có nhiều hạn chế. Nô lệ, phụ nữ và kiều dân hoàn toàn không được hoạt động chính trị, khiến cho tỉ lệ dân số thực tế tham gia vào nền dân chủ chỉ khoảng 10 – 20%. Người dân Athen cũng thường xuyên đi xâm lược và thống trị nơi khác. Trong lần xâm lược quần đảo Melos, khi người dân bản địa hỏi rằng vì sao họ không phải kẻ thù mà vẫn bị tấn công bắt làm nô lệ, người Athen đã trả lời rằng:”Kẻ mạnh làm những gì anh ta có thể, và kẻ yếu chịu đựng những gì anh ta bị buộc phải” (dịch nghĩa: anh mạnh anh có quyền).

Đó là góc nhìn của thời nay, nhưng những người sống ở thời điểm đó có góc nhìn ngược lại. Socrates là một triết gia nổi tiếng, sống giữa thời hoàng kim của nền dân chủ Athen. Giống như rất nhiều triết gia từng sống, ông thường hay chỉ trích sự thiển cận và dốt nát của đám đông, đặc biệt là khi họ nắm quyền chính trị trong tay. Ông cũng chỉ trích những suy nghĩ theo cảm tính, sự thiếu logic và sự xuống cấp đạo đức của dân chúng. Vì thế ông không được người dân Athen yêu mến. Socrates thường bày tỏ cảm tình với Sparta, lúc đó là “kẻ thù ý thức hệ” của Athen. Nhà nước Sparta được điều hành bởi 30 trưởng lão và 2 vua, giữ được quyền lực trong tay giới quý tộc nhưng cũng bảo đảm không có bạo chúa, là một đối thủ nguy hiểm của chế độ dân chủ Athen.

Cuộc chiến tranh 30 năm giữa Sparta với Athen, kết thúc với việc Athen đầu hàng năm 404 TCN, dẫn tới một thời kì bất ổn. Một nhóm cực đoan có tên “30 bạo chúa” tiến hành đảo chính với hi vọng lập ra một nhà nước theo kiểu Sparta. Họ nắm quyền một thời gian ngắn, xử tử nhiều người, nhưng nhanh chóng bị lật đổ. Một số trong nhóm “30 bạo chúa” từng là học trò của Socrates. Giận dữ trước những bất ổn của xã hội, cho rằng thần linh đang trừng phạt thành phố Athen, đám đông dân chúng đòi mang Socrates ra xét xử.

Trong phiên tòa diễn ra vào năm 399 TCN, bồi thẩm đoàn 500 người của thành phố Athen kết án triết gia Socrates, lúc đó đã 70 tuổi, vào tội báng bổ thần linh, và xử ông phải uống thuốc độc. Nếu Socrates nhận tội thì có thể được tha mạng và chỉ phải sống lưu vong, nhưng ông thà chết chứ không thể thừa nhận một điều mà ông biết là sai. Socrates được xem là “thánh tử đạo” đầu tiên bảo vệ cho tự do tri thức.

1402985_1027040820646777_3988484319467512923_o

Bức họa “Cái chết của Socrates”, miêu tả thời khắc Socrates cầm lấy ly thuốc độc, xung quanh là các học trò của ông.


Plato, học trò nổi tiếng nhất của Socrates, vì thế trở thành kẻ thù của nền dân chủ Athen. Trong tác phẩm “Nền cộng hòa”, Plato cho rằng chế độ dân chủ kiểu Athen nếu đặt quyền lực vào tay số đông sẽ dẫn đến luật pháp bị vi phạm, xã hội hỗn loạn, và đến một mức độ nào đó một bạo chúa sẽ xuất hiện để lập lại trật tự.

Plato cho rằng một xã hội ổn định cần được lãnh đạo bởi một nhóm hạn chế của những người có tri thức. Và như vậy, xuất hiện khái niệm “cộng hòa” và sự đối lập của nó với khái niệm “dân chủ”.

 

Nền cộng hòa La Mã

Người La Mã (Roman) không tự gọi nhà nước của mình là “cộng hòa”. Họ ghi trên lá cờ của mình: “Viện Nguyên Lão và Nhân dân thành Rome” (Senātus Populusque Rōmānus, viết tắt là SPQR). Sở dĩ ngày nay chúng ta xem đó là thể chế cộng hòa, bởi vì nó mang đặc điểm: các chính sách được quyết định bởi một nhóm nhỏ các đại biểu (Viện Nguyên Lão) chứ không phải được số đông bỏ phiếu trực tiếp.

Viện Nguyên Lão có nguồn gốc là hội đồng 300 cố vấn của các vua La Mã cổ. Năm 509 TCN, Viện Nguyên lão xung đột với nhà vua, một cuộc chiến nổ ra, và từ đó họ không bầu chọn vua cho La Mã nữa mà chọn ra các quan chức làm việc theo nhiệm kì.

1795902_1028212573862935_6780477047038841858_o

Cộng hòa La Mã hoạt động dựa trên luật pháp. Những đạo luật mà Viện Nguyên Lão thông qua được khắc lên bia đá, và mọi người đều bình đẳng trước luật pháp. Khi chinh phục các thành phố khác, người La Mã cho phép những người bị chinh phục trở thành công dân của mình. Nhờ vậy trong vòng 300 năm La Mã từ một thành phố đã mở rộng lãnh thổ ra toàn bộ bán đảo Italia.

Vấn nạn của thể chế cộng hòa đó là quyền lực chỉ thuộc về những người giàu có. Chỉ có tầng lớp quý tộc (“patrician” – những người xuất thân từ những gia đình giàu có) mới được tham gia vào Viện Nguyên Lão. Qua thời gian, tầng lớp bình dân (“plebeian”) dần dần trở thành một lực lượng chính trị riêng. Họ thành lập “Hội đồng Thứ dân” (Plebeian Council) để cạnh tranh quyền lực với Viện Nguyên Lão và bầu ra những quan chức đại diện cho mình. Tuy nhiên thực tế phần lớn tài sản thuộc về giới quý tộc, cho phép họ mua chuộc các đại diện của giới bình dân, cũng như sử dụng vũ lực để giành lại quyền lực khi cần thiết.

Nhìn chung, nền chính trị của Cộng hòa La Mã tương đối ổn định, có khả năng liên tục cải cách để thích ứng, và tồn tại khá lâu. Tuy nhiên các mâu thuẫn dần tích tụ. Khoảng 400 năm liên tục mở rộng lãnh thổ, đàn áp khởi nghĩa nô lệ … giới bình dân phải phục vụ cho quân đội trong những chiến dịch quân sự ngày càng kéo dài, đất đai bị bỏ hoang. Tầng lớp quý tộc thu gom đất đai, và sau khi thắng trận thì các quý tộc lại trở thành thống đốc của những vùng đất mới chiếm được. Điều này khiến giới bình dân ngày càng bần cùng và trở nên triệt để trong chính trị. Sự phân hóa này dẫn tới 2 cuộc nội chiến năm 88 và 83 TCN, giới bình dân tạm thời kiểm soát được Rome, nhưng cuộc nổi loạn bị dập tắt bởi Sulla – nhà độc tài của giới quý tộc.

Giới bình dân bị bần cùng hóa dẫn tới chính quyền được quân sự hóa. Để phục vụ cho những cuộc chiến dài ngày, cải cách quân đội được tiến hành năm 107 TCN. Quân đội không còn sử dụng các nông dân đi lính ngắn hạn, mà tuyển mộ các quân nhân chuyên nghiệp phục vụ suốt đời được nhà nước trả lương. Những nông dân mất ruộng đất liền gia nhập quân đội, và quân đội hùng mạnh lại chiếm được thêm nhiều đất đai. Giới bình dân chán ghét Viện Nguyên Lão nhưng không đủ sức tự nắm quyền, còn quân đội chuyên nghiệp chỉ trung thành với người nào trả lương cho mình; tất cả đã sẵn sàng cho sự kết thúc của nền cộng hòa.

Julius Caesar là người tận dụng được những yếu tố kể trên. Ông chiếm được nhiều đất đai ở nước ngoài, có được lòng trung thành tuyệt đối của binh lính. Sau đó ông hành quân về chiếm thành Rome, ép buộc Viện Nguyên Lão tăng số đại biểu lên 900 người để cho giới bình dân tham gia. Caesar được quân đội và dân chúng tôn thờ, nhân đó ông thu gom hết quyền hành về trong tay mình. Caesar bị Viện Nguyên Lão ám sát, nhưng người cháu là Octavian hoàn thành sự nghiệp của ông, trở thành Hoàng đế đầu tiên của La Mã. Thể chế cộng hòa cổ đại vì thế kết thúc, và phải mất 1000 năm các nhà nước cộng hòa mới xuất hiện trở lại.