Mùa Giáng Sinh năm 1935 rõ ràng là sự kiện đáng quên với trùm phát xít Ý Mussolini.
Trong một chiến dịch phản công rất bất ngờ, các đơn vị Ethiopia ở miền Bắc nước này tập trung tấn công trực diện vào quân Italia. Chắc chắn những người châu Âu đầu tiên nghe thấy câu chuyện đó, phải tự hỏi rằng liệu đám thổ dân châu Phi kia có bị điên hay không? Họ có 2/3 lực lượng trang bị súng, nhưng tạp nham đủ kiểu từ súng hỏa mai đến mẫu súng trường của thế chiến 1 (nhập khẩu số lượng ít), còn lại 1/3 vẫn cầm cung tên giáo mác. Trong khi đối phương là quân đội chính quy theo tiêu chuẩn châu Âu với pháo binh, máy bay và xe tăng.
Ngày 15/12, 2000 quân Italia có 9 xe tăng đi đầu, tấn công con đèo Dembeguina có chừng 2000 lính Ethiopia giữ. Lợi đụng địa hình, người Ethiopia ẩn nấp đợi cho xe tăng đối phương ì ạch leo gần đến nơi thì đồng loạt tấn công ở cả 2 bên sườn. Quân Italia bị đánh tơi tả và viên thiếu tá chỉ huy vội nhảy khỏi ngựa, chui vào một chiếc xe tăng cầu cứu qua radio.
Viện binh lập tức được cử đến, lần này với 10 xe tăng đi đầu . Tuy nhiên con đường họ di chuyển đã bị phục kích bởi một cánh quân Ethiopia chờ sẵn. Đá tảng lăn ầm ầm từ trên núi chặn đầu chặn đuôi cả đoàn xe, trước khi bộ binh xung phong xuống. Y như vài tiếng trước đó, quân Italia bị đánh tạt sườn và các xe tăng trở nên vô dụng do bị áp sát khi đang bất động. 2 xe tăng bị bắn cháy tại chỗ, lính Ethiopia nhảy lên cạy nắp những chiếc còn lại và lôi từng người trong xe ra.
Trong thời gian đó, thiếu tá Criniti không thấy viện binh đến, đành ra lệnh lắp lê xung phong đánh cận chiến, và cuối cùng cũng thoát khỏi con đèo khủng khiếp với 50% lực lượng ban đầu. Tin thắng trận cổ vũ tinh thần những cánh quân Ethiopia xung quanh khu vực, họ đồng loạt tấn công và đến Giáng Sinh thì quân Italia ở miền Bắc đã phải rút lui 12 km.
Ở thủ đô Addis Ababa, các phóng viên châu Âu theo dõi chiến sự – sau phút kinh ngạc ban đầu – đã đua nhau gửi về nước những bài viết đầy tính chế giễu quân đội của Mussolini. Tổng cộng chiến lợi phẩm mà phía Ethiopia thu được trong tất cả các chiến dịch đó là: 18 xe tăng, 33 khẩu pháo, 175 súng máy các cỡ và 2.605 khẩu súng trường. Cả một lữ đoàn Italia thuộc sư đoàn “Sơ Mi Đen số 2” chỉ còn cái tên trên giấy. Thương vong tổng cộng ít nhất là 3000 người.
Muối mặt, Mussolini quyết định sử dụng vũ khí bị cấm: khí độc. Các máy bay thả bom và pháo binh sử dụng đạn chứa khí mù tạt từ ngày 26/12, khiến người Ethiopia chịu thương vong lớn và phải rút lui. Đại sứ Ethiopia tố cáo với Hội quốc liên, nhưng phía Italia phủ nhận. Anh, Pháp thì đang đau đầu với Đức nên không muốn dính líu vào, thậm chí còn từ chối bán vũ khí dưới danh nghĩa “trung lập” (Mỹ cũng viện cớ này để từ chối). Rốt cuộc, Ethiopia thua hoàn toàn một năm sau và bị sát nhập làm thuộc địa.