Trang chủ Kiến Thức Học lịch sử để rèn luyện tư duy phản biện

Học lịch sử để rèn luyện tư duy phản biện

Trong bối cảnh các bộ môn xã hội đang bị đánh giá thấp (vì sinh viên ra trường không kiếm được nhiều tiền), báo Los Angeles Times vừa đăng một bài về chủ đề “vì sao phải học lịch sử”. Bài viết cho rằng lịch sử là một chuyên ngành có ích để giúp hình thành tư duy phản biện. Đây là một lập luận mới, nhưng qua những gì xảy ra trên diễn đàn này thì mình thấy lập luận này cực kì hợp lý.
Bài viết dẫn chứng các sinh viên tốt nghiệp ngành Sử học ở các trường đại học Mỹ thường trở thành luật sư (phần lớn chính trị gia xuất thân từ luật sư). Những người không trở thành luật sư thường có thu nhập thấp khi bắt đầu sự nghiệp; nhưng đến khi có khoảng 10-15 năm kinh nghiệm thì sinh viên ngành Sử lại có thu nhập cao không thua gì những sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh. Có thể so sánh với sinh viên các ngành Âm nhạc hay Nhiếp ảnh, thu nhập không bao giờ vươn lên được.
Lý do gì dẫn tới sự vươn lên này? Thời điểm 10-15 năm kinh nghiệm là lúc những người đi làm bắt đầu nắm vai trò lãnh đạo, đưa ra những quyết định quan trọng cho nơi mà mình làm việc. Những người được đào tạo bài bản về Sử học có một bộ kĩ năng mà các ngành khác ít khi có, đó là tư duy phản biện (critical thinking).
Lịch sử là bộ môn nghiên cứu một số lượng lớn dữ liệu, với mục đích hiểu được những dữ liệu đó, “đóng gói” chúng lại thành những câu chuyện, những bài học cụ thể. Những người nghiên cứu lịch sử thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều “câu chuyện” khác nhau, nhiều khi xung khắc nhau, kể về cùng một quá khứ. Họ phải đưa quyết định là mình đồng thuận với góc nhìn nào, phản đối góc nhìn nào, hay là viết ra một câu chuyện hoàn toàn mới theo ý mình để diễn giải quá khứ.
Không chỉ vậy, người học sử còn phải xử lý những thông tin bị thiếu. Các chứng cứ để lại từ quá khứ là không đầy đủ, cho nên khi nghiên cứu một vấn đề cụ thể thì người học sử thường xuyên phải đối chiếu, sử dụng logic để phỏng đoán, đồng thời phản biện những phỏng đoán của người khác, với mục tiêu đạt tới một hiểu biết đúng và có ích nhất có thể. Những người nghiên cứu cũng thường xuyên “đồng ý về những bất đồng”, tức là phân định rõ ràng ra những điều nào đã đồng thuận với nhau không ai chối cãi, những điều nào còn đang nằm trong vòng tranh luận.
Những kĩ năng kể trên đều cực kì quan trọng trong quá trình ra quyết định của người lãnh đạo. Mỗi tổ chức, tập đoàn, hay chính phủ đều cần ít nhất một sử gia trong đội ngũ của mình. Và bộ môn Sử cần được dạy cho đúng cách, chứ vấn đề không nằm ở chỗ học nhiều hơn hay ít đi.