Trang chủ Kiến Thức “Trong trại giam của Việt Cộng” – Phần 2

“Trong trại giam của Việt Cộng” – Phần 2

Xem phần 1

TRONG TRẠI GIAM VIỆT CỘNG – Klaus Liedke ( Phần 2 )

Viên tư lệnh tạo điều kiện cho chúng tôi nói chuyện với hai người này. Họ muốn đi tiếp về Sài Gòn, từ hai tuần nay họ đã đi xa. Trong các cuộc tiếp xúc với nông dân và người thành thị, họ chưa bao giờ nghe đến hành động trả thù của Việt Cộng đối với dân thường hay là binh lính chính phủ. Những người du kích con can thiệp kịp thời, khi một đám đông người sau gỉai phóng Nha Trang định hành hình một tên cảnh sát mật Sài Gòn. Người đàn ông này sẽ phải ra trước một tòa án đặc biệt, các chiến sĩ du kích đã giải thích như vậy. Chỉ những kẻ cướp mới bị đưa ra xử áp mặt vào tường.

Sau đó, anh Sửu kể cho tôi nghe không có ai phải lo sợ dù trước đó là công chức hay binh lính làm việc cho chế độ cũ. Anh ta chỉ cần trình diện. Và những ai mong muốn, những ai đã tham dự lớp học, ai là trong sạch, người đó đều được tham gia làm việc trong hệ thống mới. “Chúng tôi không tiến hành chiến tranh xâm lược, mà tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng”. Cuộc cách mạng không cho phép mình có nhiều kẻ thù thường trực. Con đường phục hồi đạo đức đang rộng mở đối với mọi người. Đó là quy luật.

Vào ngày đầu hàng, khi chúng tôi không muốn đồng thanh hoan hô, anh Sửu hỏi chúng tôi với vẻ nghi ngờ : “Vì sao các bạn không vui mừng ? Đây là bước ngoặc lịch sử, ách thống trị ngoại bang trên đất nước Việt Nam đã kết thúc. Trước hết là người Trung Quốc, sau đến người Pháp, và người Nhật, cuối cùng là người Mỹ. Chúng tôi đã thắng tất cả họ”. Chúng tôi giải thích cho anh ấy chúng tôi là nhà báo thích được cùng đoàn quân chiến đấu và cùng dân chúng chứng kiến giờ phút lịch sử này hơn là bị cầm giữ tại đây. Anh Sửu đến gặp chúng tôi với câu trả lời chuẩn mực : “Các bạn phải đợi lệnh của chính phủ”.

Ngày 1-5, cả buổi sáng những đoàn diễu hành kéo qua trước cửa sổ chúng tôi. Nhân dân Phan Thiết luyện tập diễu hành cho lễ mừng chiến thắng lần đầu tiên. Tập hô khẩu hiệu, theo khẩu lệnh chung. Mọi người vẫy cờ Việt Cộng. Sau khi thảo luận một hồi, viên tư lệnh cho phép chúng tôi chụp ảnh một trong những khối diễu hành đi qua. “Xin các bạn hãy chụp những tấm hình thật đẹp” – Ông nhắc nhở chúng tôi : “Và xin đừng bóp méo sự thật với cái máy ảnh của các bạn”. Ông chọn một đoàn quân, tập vẫy cờ nhiều lần và hô khẩu hiệu cách mạng. Và sau đó phóng viên nhiếp ảnh của báo Stern, anh Bollinger mới được phép bấm máy. Hình như mọi người, chị em phụ nữ, tài xế xích lô, học sinh đều rất thích thú, vui cười.

Điện thông thường hằng ngày chỉ có vài tiếng đồng hồ, nay có cả buổi chiều để phục vụ ngày lễ. Trời vừa chạng vạng, xe vận tải chạy vào trong sân, chở đầy những chuyên gia về hành chính từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trong số họ có hai người nói tiếng Đức. Một người Nam Việt Nam 44 tuổi, theo sự phân công của Chính phủ Cách mạng đã học máy in thủ công tại Leipzig, về sau tham gia in truyền đơn trong những nhà in đặt trong rừng sâu của Việt Cộng. Anh kia 28 tuổi, người Bắc Việt Nam, học toán tại Đông Berlin và sẽ nhận một nhiệm vụ công tác tại Sài Gòn. Cả hai đều náo nức góp phần đưa cách mạng đến thành công. Nhưng anh học toán tỏ vẻ nghi ngại : “Người ở miền Nam có vẻ thực dụng. Nếu hàng nhập khẩu từ nước ngoài không còn nữa, điều gì sẽ xảy ra ? “.

Ngày tháng trôi qua, chúng tôi vẫn còn bị cầm giữ. 5 giờ sáng, ăn một dĩa cơm, trưa và tối có thêm mấy hạt đậu nành và thịt hộp làm sẵn. Đó là khẩu phần ăn bình thường của người du kích. Thỉnh thoảng Sửu mang đến cho chúng tôi một lon Coca Cola lấy từ tồn kho của một kios gần đó. Chúng tôi thanh toán “thức uống biểu trưng của đế quốc” như anh Sửu nói với vẻ khinh bỉ bằng tiền Sài Gòn vẫn còn được lưu hành bên cạnh đồng tiền Bắc Việt Nam trong vùng vừa giải phóng.

Những binh lính tới lui vào phòng để giúp chúng tôi giết thời gian có vẻ trẻ hơn, nhút nhát hơn và cũng ít hiếu chiến hơn những binh lính chính phủ Sài Gòn. Chúng tôi không nhìn thấy ai uống rượu bia như đã thấy ở đối phương của họ. Đây là những con em nông dân chân chất. Đối với nhiều người, chúng tôi là những người da trắng đầu tiên đối diện họ không phải kẻ thù. Một buổi chiều, Sửu giới thiệu với chúng tôi một nữ đồng đội : “Cô ấy là một cô gái dũng cảm” – anh nói : “Cô đã giết được nhiều lính Mỹ trong chiến đấu”. Cô gái 25 tuổi, xinh đẹp, ngón tay mân mê cây súng tiểu liên của mình, cười khúc khích vụt chạy khỏi chúng tôi. “Cô là tấm gương cho tất cả chúng tôi, là một người yêu nước thực sự”, Sửu khen và nói thêm, nửa đùa : “Các bạn hãy cẩn thận với cô ấy ! Các bạn trông giống người Mỹ lắm !”.

Cuối cùng, vào ngày thứ 10 bị quản chế, đã có quyết định của chính phủ. Chúng tôi được phép đi đến Sài Gòn. Vị tư lệnh đưa cho chúng tôi một bản thanh toán trên 9.500 Piaster, tròn 30 mác về chi phí và hậu cần trong những ngày qua và nói lời xin lỗi : “Mặt trận Giải phóng cũng không giàu có gì”. Sau đó, ông tiễn chúng tôi đi khỏi Phan Thiết. Ông chỉ cho chúng tôi những khu phố bị bom đạn tàn phá, những nhà giàu đã di tản và tài sản của họ đã bị sung vào công quỹ. Thành phố đã được dọn dẹp, các cửa hiệu đã mở cửa trở lại. Khắp nơi đều thấy hình ảnh Bác Hồ. Chiếc taxi đưa chúng tôi về Sài Gòn chở 7 người. Viên tư lệnh đề nghị chúng tôi cho vài anh chiến sĩ cùng đi theo, bởi vì những người giải phóng còn thiếu phương tiện vận chuyển. Chúng tôi cũng sẵn lòng và đưa các anh lính về tới dinh Tổng thống.

Trên quốc lộ 1, trước đó một tuần lễ hàng trăm ngàn người chạy về phía nam, bây giờ lại dồn lên phía bắc trở về quê mình. Lần đầu tiên từ 30 năm nay, các quốc lộ được phép chạy về đêm, không sợ bị tấn công.

Trên đồng ruộng cạnh đường có hàng trăm xe tăng và xe vận tải bị phá hủy nằm ngổn ngang mà người ta có thể làm ra những đôi dép Việt Cộng từ những chiếc lốp xe ấy. Thương nhân chào mới nước ngọt từ Bắc Kinh, thay cho Coca Cola. Những anh lính gác bảo vệ dinh mà chiếc hôm trước tiếp nhận hai anh du kích cùng đi xe với chúng tôi. Họ mời chúng tôi uống nước trà, vui đùa thích thú với những chiếc bật lửa và những cái kẹp cà vạt mạ vàng lấy từ kho tặng phẩm của cựu tổng thống có dòng chữ “Với những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Nguyễn Văn Thiệu”.

Sài Gòn khi chúng tôi rời khỏi lúc chế độ cũ còn tin vào cơ hội sống sót, và Sài Gòn hôm nay lúc chúng tôi quay trở lại khi những ông chủ mới mừng tuần lễ thứ hai sau giải phóng đã làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên : Chúng tôi không thể hình dung thành phố Hồ Chí Minh lại bình thản, tự do và thân thiện đến như thế. Sự thay đổi chế độ sau một cuộc chiến tranh man rợ lại diễn ra hết sức văn minh thật hiếm thấy là vậy. Không hề có sân vận động để tập trung hàng vạn người chống chế độ. Không hề có chuyện đạo quân say chiến thắng truy tìm trả thù.

Có thể là, nhân dịp có hàng trăm nhà báo nước ngoài đang có mặt tại Sài Gòn, chế độ mới muốn chứng minh cho thế giới biết thiện chí của mình và vạch trần lý lẽ tuyên truyền quen thuộc của Mỹ về tắm máu là sự lừa bịp. Cũng có thể đơn giản là thiếu lực lượng giữ gìn trật tự, thiếu nhân sự. Lực lượng 120.000 cảnh sát Nam Việt Nam đã bị giải tán hoàn toàn. Các em học sinh phải điều khiển giao thông trên đường phố Sài Gòn. Công chức cũ tạm thời được lệnh trở lại công sở để hướng dẫn công việc cho những nhân viên hành chính mới.

Nhiều cái còn tồn tại. Bia 33 trên sân thượng khách sạn Continental, trẻ em ăn xin, gái điếm, thương gia Ấn Độ bán sách báo cuối đường Tự Do vẫn còn đổi đô la chợ đen. Và có nhiều cái mới : xử tử công khai những tên trộm cướp, tập thể dục buổi sáng theo từng khối, công chức không nhận tiền đút lót.

Giá những bộ bà ba đen – sắc phục chiến đấu của du kích tăng gấp đôi, tại chợ trời họ lại bị “cứa cổ”, họ không quen trả giá, khi họ mua đài bán dẫn Sony, túi xách PanAm, đồng hồ Thụy Sĩ mà nó chỉ chạy có mấy tiếng đồng hồ, vì trong ruột là máy đồng hồ đồ chơi trẻ em.

Nhiều người không tìm được chỗ để di tản, nay vui mừng vì ở lại. Tại một quán cafe, tôi gặp lại Lê Văn Danh làm phiên dịch cho người Mỹ trước kia. “Tôi rất mừng” – anh nói với tôi – “Người Mỹ không mang tôi đi theo. Không còn bị véo tai, lại có nhiều tự do”.

Rõ ràng có nhiều tự do. Trước khi các nhà báo phương Tây xuất cảnh ồ ạt, nhà cầm quyền đã siết chặt quy chế. Người ta bắt đầu đốt sách, phá hủy hết đĩa hát, xuống các chỉ dẫn về quần áo và nón, mũ đội đầu. Trước trụ sở hạ viện, trên bức tượng chiến sĩ đã bị giật đổ, có một người Nam Việt Nam đổ xăng và tự thiêu – một hình thức phản đối của đạo Phật. Người ta chính thức nói rằng người đàn ông này đã kết liễu đời mình do vui mừng về hòa bình.

Có thể đối với nhiều người trong chúng ta phản đối những đau đớn của họ còn dễ dàng hơn sống với chiến thắng của họ.

Kỳ tiếp theo

Diễn đàn LSVN đánh máy và hiệu đính từ sách THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – GIỜ KHẮC SỐ O