Có bạn nhắn tin hỏi về sự khác biệt trong chế độ cai trị của thực dân Pháp ở 3 miền. Thường thì ad không trả lời những câu hỏi mang tính “đối phó” với môn Sử trong lớp, tuy nhiên chủ đề này có vẻ ít người biết cho nên mình viết luôn thành một bài.
Pháp có được Nam Kỳ từ rất sớm, sau khi vua Tự Đức kí hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhượng lại 3 tỉnh miền Đông, rồi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây vào năm 1867. Người Pháp thiết lập chế độ cai trị trực tiếp, các quận huyện đều do sĩ quan người Pháp đứng đầu.
Tận 28 năm sau, khi xảy ra chiến tranh Pháp-Thanh (1885) và trận Kinh thành Huế, thì Pháp mới thực sự kiểm soát Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Pháp thiết lập chế độ bảo hộ, tức là nhà Nguyễn vẫn kiểm soát 2 xứ này trên danh nghĩa, các quan lại vẫn là người Việt và vẫn do nhà vua tuyển chọn, chỉ khác là nhà vua được quan Toàn quyền “cố vấn”. Vua Nguyễn cũng không trực tiếp điều hành Bắc Kỳ, mà giao lại công việc cho một đại diện của mình gọi là Kinh lược sứ.
Năm 1897, Pháp buộc vua Đồng Khánh phải bãi bỏ chức Kinh lược sứ. Kể từ đó vua Nguyễn không còn quyền hành gì ở Bắc Kỳ, các quan lại trên danh nghĩa vẫn thuộc về nhà Nguyễn nhưng do Toàn quyền Pháp trực tiếp lựa chọn.
Tóm lại:
– Nam Kỳ: Pháp cai trị trực tiếp
– Trung Kỳ: cai trị gián tiếp thông qua triều đình Nguyễn
– Bắc Kỳ: cai trị gián tiếp trên danh nghĩa, nhưng cai trị trực tiếp trên thực tế.