Lễ Tịch Điền hay lễ cày ruộng có nguồn gốc từ thời cổ đại và được các triều đại chú trọng nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Nếu xét về phương diện dân tộc thì người Bách Việt vốn sở hữu nền văn minh lúa nước, còn người Hoa Hạ thì học hỏi và thừa kế nền văn minh lúa nước trong quá trình nam tiến. Do lễ Tịch Điền có liên quan đến nền văn minh lúa nước, nên có thể xem ngày lễ này là ngày lễ của người Bách Việt xa xưa.
Xét về huyền sử, lễ Tịch Điền được cho là có nguồn gốc từ thời Thần Nông. Theo các truyền thuyết ghi lại thì vương quốc của Thần Nông rất rộng lớn, bao trùm cả sông Dương Tử, một phần sông Hoàng Hà. Thần Nông cai quản phương nam nên còn được gọi là Viêm Đế, chữ Viêm (炎) do 2 chữ hỏa chồng lên nhau, mà hỏa thuộc phương nam.
Người Hoa xem Thần Nông là thủy tổ của mình thời Tam Hoàng, trong khi đó người Việt cũng xem Thần Nông là thủy tổ của mình. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” ngay từ phần lời tựa Ngô Sĩ Liên đã chép rằng: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam-Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.
Thần Nông dạy người cổ đại làm nông, chế tạo ra cày bừa, tìm ra cây thuốc chữa bệnh, và tương truyền cũng là người đầu tiên làm lễ Tịch Điền. Lễ Tịch Điền truyền qua nhiều thế hệ, mang ý nghĩa tế Thần Nông, Thần Hoàng, mong mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, nên còn được gọi là “Hạ điền cầu bông”.
Lễ cày tịch điền xuất phát từ Trung Hoa, chữ Hán là 籍田禮 tịch điền lễ. Nguyên xuất phát từ việc những người đứng đầu các bộ lạc trong xã hội nguyên thủy vào dịp đầu xuân dẫn dân chúng đi cày cấy. Lễ tịch điền là ngày hội xuân được tổ chức trong tháng mạnh Xuân) nhưng không phải năm nào cũng tổ chức, với ruộng cày nằm ở phía nam kinh thành.
Theo ghi chép từ lịch sử thì trong thời kỳ tự chủ, mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) bắt được chum vàng. Năm 988 vua cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vì thế mà những thửa ruộng này còn được gọi là kim ngân điền.
Từ đó hàng năm cứ vào ngày đầu xuân thì triều đình tổ chức lễ Tịch Điền, Vua đích thân xuống ruộng, cầu mùa màng. Các Triều đại sau này vẫn duy trì tục lệ ấy theo các hình thức khác nhau, giúp dân chúng hiểu được giá trị và tầm quan trọng của nghề nông, và tưởng nhớ Thần Nông, người đã khai sáng ra nghề này.
Đến thời nhà Lý, lễ này được chú trọng hơn trước, được xem là một trong những ngày hội chính của dịp xuân. Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép về việc vua Lý Thái Tông cày ruộng Tịch Điền, tế Thần Nông như sau:
Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038] , (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?” Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên chép rằng: “Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Đến đời Trần, do nạn giặc nhà Nguyên nên lễ điền không mấy quan trọng như trước.
Tuy nhiên, khi có điều kiện, nhà vua vẫn đích thân làm lễ. Đến các thời nhà Hồ, thì hầu như phong tục này không còn được giữ.
Đến thời nhà Nguyễn, vua Gia Long có quy định và chú trọng đến lễ Tịch Điền, đến vua Minh Mạng thì xem đây là đại lễ quan trọng kéo dài đến 5 ngày. Đến đời vua Tự Đức thì được chỉnh lý lại cho phù hợp và thành kính hơn. Theo đó Vua là người đầu tiên xuống cày ruộng, sau đó đến Hoàng thân quốc thích, rồi bá quan văn võ, rồi đến các kỳ lão hương thôn, đến các lão nông, cứ thế lần lượt cho đến khi kết thúc.
Năm 2010, sau gần 100 năm ngừng tổ chức, lễ tịch điền được chính thức khôi phục tại Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam vào mùng 5-7 tháng giêng, nơi vua Lê Đại Hành từng cày ruộng Tịch Điền xưa kia. Đây là lễ hội mở đầu cho vụ mùa năm mới của xã Tiên Sơn, có sự tham gia của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang.
Mở đầu là lễ rước kiệu Thành hoàng, kiệu Tổ nghề trống Đọi Tam về chân núi Đọi. Sau rước kiệu là màn múa trống, múa rồng của dân làng Đọi Tam, Đọi Tín. Hình ảnh rồng múa lượn trong nhịp trống dồn dập thể hiện mong ước một năm mới với mùa màng bội thu.
Sau màn múa rồng là bài văn được đọc trước linh vị vua Lê Đại Hành, rồi lễ dâng hương tưởng nhớ đến lời dạy của các bậc tiền bối xưa kia, nhắc nhở con cháu luôn trọng nghề nông.
Một người cao tuổi và có uy tín trong làng sẽ được vinh dự đóng vai vua Lê Đại Hành xuống cày ruộng Tịch Điền. Các cô gái trong trang phục truyền thống sẽ gieo hạt trên đường cày. Sau đó là các hội vui chơi như hội thi vẽ trâu v.v…
Ý nghĩa:
Ở các nước nông nghiệp, vua đã biết chăm lo đến nghề nông thật là nên thay. Hơn nữa, như người xưa đã nói, hành động có công hiệu hơn ngàn lời nói.
Chẳng thế mà kỷ cương phép nước giữ vững. Đất nước vững vàng, kinh tế cực phát triển, cũng nhờ công lớn lắm của các vua thời trước.