Nam bộ là vùng lãnh thổ quan trọng với những trọng điểm kinh tế lớn của nước Việt Nam hiện đại. Trên vùng đất này, thuở xưa đã trải qua nhiều cuộc bể dâu dời đổi. Đó là một câu chuyện dài, mà điểm khởi đầu là vương quốc Phù Nam. Đây là quốc gia của những cư dân văn hóa Óc Eo thuộc chủng Malayo-Polinesien. Quốc gia này xuất hiện vào khoảng đầu công nguyên, tương ứng với điểm khởi đầu của nền văn hóa Óc Eo mà khảo cổ học đã khám phá được. Phù Nam ban đầu là những thành ấp tự trị cùng chia sẻ chung một nền văn hóa. Người Phù Nam có tục cởi trần hoặc khỏa thân, để tóc xõa hoặc búi cao, xăm hoặc vẽ mình. Cư dân nơi đây có lối sống phóng túng. Người Phù Nam có tín ngưỡng đa thần và tiếp thu nhiều yếu tố Phật giáo. Vào thế kỷ thứ 1 sau công nguyên, một trong những thành ấp lớn nhất trong xứ là Koh Thlok được lãnh đạo bởi một nữ hoàng mà theo sử sách Trung Hoa chép lại có tên là Liễu Diệp, có sức khỏe như đàn ông.
Bấy giờ có một vị quý tộc từ Ấn Độ tên là Hỗn Điền thuộc dòng dõi Kaudinya đem một hạm đội viễn chinh khoảng 1.000 quân đến đánh chiếm Koh Thlok. Liễu Diệp đem quân chống cự bị bất lợi, phải chịu đầu hàng người Ấn. Hỗn Điền chấp nhận sự đầu hàng này và cưới Liễu Diệp làm vợ. Sau đó, Hỗn Điền tiếp tục dùng binh và ngoại giao bắt các thành ấp khác phải quy phục, lập nên một vương quốc thống nhất.
Sự kiện thành lập vương quốc Phù Nam là dấu mốc tập hợp những cư dân Óc Eo thành một cộng đồng thống nhất. Kinh đô của Phù Nam là thành Đặc Mục (Vyadrapura). Theo đoán định từ tổng hợp các nguồn tư liệu, thành Đặc Mục thuở xưa nằm ở miền Tây Nam Bộ hoặc cực đông Campuchia, gần vịnh Thái Lan ngày nay. Dưới triều đại Kaudinya, nước Phù Nam tiếp thu nhiều văn hóa Ấn. Có nền tảng văn hóa tốt, giỏi trị thủy và chiếm giữ một vị thế thuận lợi trong tuyến đường hàng hải cổ đại, Phù Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia hùng mạnh và giàu có.
Theo các sách sử Trung Hoa, triều Kaudinya tồn tại khoảng 150 năm. Đến khoảng giữa thế kỷ thứ 2, dưới thời trị vì của vua Hỗn Bàn Bàn, chính sự chịu sự thao túng bởi vị tướng tên là Phạm Mạn. Sau khi vua Hỗn Bàn Bàn qua đời, người trong nước tôn Phạm Mạn làm vua, mở ra triều đại mới. Chữ Phạm theo âm Hán Việt thực chất là phiên âm từ chữ Varman trong ngôn ngữ các nước Ấn hóa, có nghĩa là vua. Vì vậy, cái tên Phạm Mạn trong sử cũ không phải là phiên âm từ tên thật, mà là phiên âm từ danh xưng của vị vua này sau khi đã lên ngôi.
Là một vị vua nhiều tham vọng, Phạm Mạn cho đóng thuyền lớn, cất quân đi thôn tính các quốc gia xung quanh. Quân Phù Nam biến 10 nước láng giềng thành thuộc địa. Lúc này, Phù Nam đã trở thành một đế quốc biển cả. Do đặc tính hướng biển, những nơi mà Phù Nam nhòm ngó và xâm chiếm là những vùng đất ven biển thuận lợi cho nông nghiệp trồng lúa nước và giao thương. Lãnh thổ Phù Nam mở rộng bao chiếm trọn vùng Nam Bộ Việt Nam, vùng đông nam Campuchia và bán đảo Malaysia ngày nay. Vương triều họ Phạm truyền đến đời vua Phạm Tầm tiếp thu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, bắt đầu sửa sang thể chế, xây dựng cung điện nhiều tầng lầu. Nhà vua hạ lệnh cho dân chúng bỏ tục ở trần hoặc khỏa thân, bắt phải quấn vải khổ rộng (xà rông ).
Đến giữa thế kỷ thứ 4, Phù Nam được cai trị bởi vương triều Thiên Trúc Chiên Đàn (Chandan). Giai đoạn này Phù Nam phát triển ổn định và lãnh thổ tiếp tục được mở rộng thêm nhiều vùng thuộc lãnh thổ Campuchia ngày nay, vươn sang cả đồng bằng sông Mênam thuộc Thái Lan ngày nay. Trong lãnh thổ đế quốc Phù Nam, có nhiều sắc dân cùng chung sống. Tất nhiên là quyền lợi của họ không bình đẳng mà những dân chính quốc luôn được hưởng nhiều đặc quyền hơn nhưng dân thuộc quốc.
Vào thế kỷ thứ 5 một quý tộc thuộc dòng dõi Kaudinya tên là Kiều Trân Như được dân chúng suy tôn làm vua, lập ra vương triều Kaudinya II. Triều đại này càng tiếp thu nhiều văn hóa Ấn, lấy hai tôn giáo chính là Phật giáo và Bà La Môn làm nền tảng tư tưởng cho cả nước. Trong suốt nhiều năm, Phù Nam phát triển hưng thịnh, trở thành một trong những đế quốc hàng hải hùng mạnh nhất thế giới cổ đại, là cầu nối giữa các nền văn minh lớn thời bấy giờ là La Mã, Ba Tư ở phương Tây, và Ấn Độ, Trung Hoa ở phương Đông. Tuyến đường hàng hải từ Phù Nam là một trong những ngã đường du nhập Phật học vào Trung Hoa. Sử Trung Hoa các triều đại Đông Ngô, Tấn, Lương, Tùy, Đường… ghi chép rất nhiều lần phái đoàn Phù Nam sang “tiến cống”. Về bản chất, những chuyến đi “tiến cống” này là một dạng thương mại cấp nhà nước. Phái bộ của nước ngoài đến tặng “cống phẩm” của nước sở tại. Đổi lại, nhà vua cũng phải gửi lại những “tặng phẩm” để đáp lễ.
Lãnh thổ Phù Nam xưa (phỏng dựng)
Trải qua nhiều thế kỷ hưng thịnh, Phù Nam gặp phải tai ương vào giữa thế kỷ thứ 6. Bấy giờ ở vùng mà ngày nay là miền Bắc nước Campuchia và Nam Lào, một thuộc quốc của Phù Nam là nước Chân Lạp của người Khmer bắt đầu quật khởi. Dòng vua mang họ Kshatrya đã tiến hành cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc Khmer và ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra xung quanh. Trong lúc đó thì Phù Nam đang bị xáo trộn bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa các hoàng tử, khiến thế nước suy sụp nhanh chóng. Nhân cơ hội, Chân Lạp lấn chiếm thêm nhiều vùng đất vốn trước đó thuộc quyền cai trị trực tiếp hoặc nằm trong hệ thống thuộc địa của vương quốc Phù Nam. Vào năm 550, vua Chân Lạp là Trì Đà Tư Na (Citrasena) dẫn quân thình lình tấn công kinh thành Đặc Mục của Phù Nam. Vua Phù Nam bấy giờ là Lưu Đà Bạt Ma (Rudravarman) chống không nổi, phải bỏ kinh thành chạy sang thành Na Phất Na (Navanagara). Thành Đặc Mục (Vyadrapura) là trung tâm của nước Phù Nam với nhiều di sản, của cải trọng yếu của đất nước bị quân Chân Lạp đốt phá tan hoang trong phút chốc. Từ đó, vương quốc Phù Nam suy sụp không còn gượng dậy nổi. Các phụ thuộc của Phù Nam dần ly khai và bản thân chính quốc bị người Chân Lạp lấn chiếm dần. Cho đến khoảng thế kỷ 7, nước Phù Nam hoàn toàn bị xóa sổ và bị sáp nhập vào nước Chân Lạp.
Chưa dừng lại ở đó, số phận của cư dân Phù Nam cổ không chỉ là trở thành một phần của đất nước mới mà còn bị bi thảm hơn. Những người Khmer tuy chiến thắng được Phù Nam bằng quân sự nhưng không đủ năng lực để duy trì khả năng khai thác lãnh thổ như trước. Người Khmer không giỏi trị thủy, không có tập quán canh tác ở những vùng đồng bằng phù sa ven biển. Các vua chúa Chân Lạp sau khi tàn phá các thành phố của người Phù Nam thì dần bỏ mặc những vùng đất mới chiếm được. Mất đi sự quan tâm từ thượng tầng, người Phù Nam dần trở nên bất lực trong việc trị thủy và xây dựng những trung tâm thương mại, hàng hải như xưa. Đó là những việc đòi hỏi phải có sự đoàn kết toàn xã hội.
Trên lãnh thổ Phù Nam xưa thuộc vùng Nam Bộ ngày nay, vào khoảng thế kỷ thứ 8 trở đi được sử sách Trung Hoa gọi là vùng Thủy Chân Lạp, để phân biệt với vùng Lục Chân Lạp là đất căn bản của nước Chân Lạp. Trong khi vùng Lục Chân Lạp được khai thác mạnh mẽ thì Thủy Chân Lạp dần biến thành những vùng đầm lầy hoang phế. Thêm vào đó, người Java cất quân xâm lấn biến đất Thủy Chân Lạp trở thành bãi chiến trường của quân Khmer và quân Java suốt nhiều năm trời. Cuộc chiến làm cho nhiều người chết, nhiều nơi bị tàn phá càng trở nên hoang vắng. Nhiều trăm năm sau nữa, người Khmer lao vào các cuộc chiến triền miên với thế lực người Thái nổi lên ở phía tây và người Chăm ở phía đông. Việc thực thi chủ quyền trên đất Thủy Chân Lạp rất hạn chế. Đến khoảng thế kỷ 17 khi những người Việt đặt chân lên vùng đất này, ký ức về một nền văn minh rực rỡ thuở xưa đã quá nhạt nhòa. Chỉ còn lại thiên nhiên hoang dã với những cánh đồng hoang bất tận, đầm lầy và rừng rậm nguyên sơ thưa thớt bóng người.
Quốc Huy/Một Thế Giới