Trang chủ Kiến Thức Ngày này năm xưa: Đức tuyên chiến với Pháp

Ngày này năm xưa: Đức tuyên chiến với Pháp

Sự kiện Thái tử Franz Ferdinand của Áo bị ám sát đã châm ngòi cho lò lửa chiến tranh châu Âu vốn đã âm ỉ từ lâu. Ngày 27/7/1914, Pháp bắt đầu các động thái chuẩn bị chiến tranh. Ngày 30/7, Nga tổng động viên bất chấp cảnh báo từ Đức. Ngày 31/7, Đức gửi tối hậu thư yêu cầu Pháp tỏ rõ thái độ trong cuộc xung đột Đức-Nga. 18 tiếng sau, công hàm từ Paris gửi tới Berlin, không trả lời trực tiếp mà chỉ có nội dung: Pháp sẽ hành động vì quyền lợi riêng của mình.

Ngay khi công hàm được gửi đi, lúc 15h55 phút chiều hôm đó, Pháp tuyên bố tổng động viên. Đến 16h, Đức cũng tuyên bố tổng động viên. Lúc 19h, Đức chính thức tuyên chiến với Nga. Cùng ngày, Đức chuyển lời cam kết không tấn công Pháp nếu nước Anh đứng ra bảo đảm sự trung lập của Pháp.

Ngày 2/8, quân Đức đã tập trung ở biên giới Bỉ. Một cách chính thức, Đức yêu cầu Bỉ cho phép quân đội đi qua lãnh thổ Bỉ vào đất Pháp, cam kết bảo đảm tính toàn vẹn lãnh thổ Bỉ trong chiến tranh. Yêu cầu này bị bác bỏ.

Chiều ngày 3/8/1914, Đức tuyên chiến, viện cớ Pháp xâm phạm biên giới. Thực tế hành động này là do các vấn đề quân sự Đức chắn chắn rằng Pháp sẽ ủng hộ Nga.

Tin Đức tuyên chiến với Pháp trên tờ New York Herald ngày 4/8/1914

Tuyên bố này được Bá tước Wilhelm von Schoen, đại sứ Đức ở Paris trao cho thủ tướng Pháp René Viviani, nội dung như sau:

“Thưa Tổng thống!

Các quan chức hành chính và quân sự Đức đã xác nhận những hành vi thù địch rõ ràng ngay trên lãnh thổ Đức của một số phi công quân sự Pháp. Một người trong số này đã công khai vi phạm quyền trung lập của Bỉ bằng cách bay qua lãnh thổ của họ; người khác cố gắng phá hủy các tòa nhà gần Wesel; những người còn lại xuất hiện ở quận Eifel; một người đã ném bom vào tuyến đường sắt gần Carlsruhe và Nuremberg.

Tôi nhận được chỉ thị và có vinh dự được thông báo với Ngài rằng trước những hành động xâm lược trên, Đế quốc Đức tự đặt mình đang trong tình trạng chiến tranh với Cộng hòa Pháp.

Đồng thời, tôi cũng có vinh dự được tuyên bố rằng nước Đức sẽ giữ lại các tàu thuyền thương mại Pháp đang neo đậu tại mọi cảng của mình, nhưng họ sẽ được tự do nếu, trong vòng 48 giờ tới chúng tôi nhận được đảm bảo có qua có lại.

Nhiệm vụ ngoại giao của tôi do vậy đã kết thúc, tôi chỉ còn cách hy vọng Ngài hành xử đúng đắn, cung cấp hộ chiếu và thực hiện các trình tự mà Ngài cho là phù hợp để đảm bảo tôi trở về Đức cùng với các nhân viên Đại sứ quán, tương tự là với nhân viên của công sứ Bavaria và Tổng lãnh sự quán Đức tại Paris.

Thưa Tổng Thống, mong Ngài hành xử đúng đắn để tôi có thể gửi tới Ngài lòng kính trọng sâu sắc nhất.”

Bá tước Wilhelm von Schoen, Bộ trưởng ngoại giao, Đại sứ Đức tại Paris nhiệm kỳ 1910-1914

Ngày 4/8, chính phủ Đức công bố Sách Trắng về chiến tranh. Cuốn sách trích dẫn các tài liệu ngoại giao nhằm giải thích nguyên nhân chiến tranh với các nước trung lập. Nội dung chủ yếu gồm 2 phần:
– Cách mà Nga đã phản bội sự tin tưởng của Đức và do vậy gây ra chiến tranh ở châu Âu
– Xung đột Đức-Pháp có thể đã được ngăn chặn như thế nào?

Pháp ra tài liệu tương tự không lâu sau đó (Sách Vàng), Anh ra Sách Xanh còn Nga ra Sách Cam. Các cường quốc đều cố gắng giải thích với dư luận trong nội bộ và bên thứ ba rằng lỗi gây ra cuộc chiến này không phải do mình!