Thời vua Lý Thánh Tông trị vì, ngài đã đập tan mưu đồ liên minh chống Đại Việt của nước Chiêm Thành từ trong trứng nước và đáp trả một cách dữ dội, khiến nước Chiêm Thành một phen nghiêng ngả, mất thành mất đất vào tay Đại Việt. Thế nhưng sang đến đầu thời vua Lý Nhân Tông, do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, một liên minh chống Đại Việt cực kỳ nguy hiểm đã dần hình thành.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất ở tuổi 50. Vua Lý Nhân Tông nối ngôi khi mới lên 7 tuổi. Triều đình Đại Việt bước vào cuộc đấu đá nội bộ giữa hai phe Thượng Dương Hoàng thái hậu và Ỷ Lan Hoàng thái phi. Nhiều đại thần trong triều cũng bị chia rẽ và bị cuốn vào cuộc chiến cung đình. Dù rằng cục diện đấu đá này nhanh chóng kết thúc với kết quả là Ỷ Lan Hoàng thái phi được vua Lý Nhân Tông phong làm Linh Nhân Hoàng thái hậu, cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo trở thành những người chuyên chính cùng nhau phò tá nhà vua nhỏ tuổi. Nhưng tin tức về việc nước Đại Việt đang được có ấu chúa giữ ngôi báu và sự mất đoàn kết nội bộ đã kịp lan truyền ra ngoài, khiến các nước láng giềng động tâm nhòm ngó giang sơn Đại Việt.
Tại nước Tống thời bấy giờ, quyền bính nằm trong tay tể tướng Vương An Thạch. Người này chủ trương gây chiến với Đại Việt để bành trướng lãnh thổ, cướp bóc của cải và qua đó thị uy với các nước lân bang là Liêu và Hạ. Từ năm 1072 trở đi, biên sự Tống – Việt dần trở nên căng thẳng khi Tống triều ráo riết cho sửa thành, mộ binh, trữ lương, sửa soạn chiến cụ. Quan tướng Tống ngoài biên ải bắt đầu việc mua chuộc các tù trưởng và dân khê động phía Đại Việt, đồng thời tung gián điệp dò la tình hình nội bộ Đại Việt. Mối nguy ngày một gần kề đã được triều đình Đại Việt nhận ra, và cùng nhau đoàn kết tìm phương lược đối phó.
Mối nguy của Đại Việt không chỉ đến từ phương bắc mà còn từ phương nam. Ở nước Chiêm Thành, vào năm 1074 vua Harivarman IV lên ngôi, tạm kết thúc cục diện loạn lạc của nước này. Vua tiền nhiệm là Rudravarman III bị chư vương nước Chiêm lật đổ phải sống đời lưu vong ở Đại Việt. Harivarman IV mang trong mình dòng máu của cả hai dòng quý tộc Cau và Dừa, là hai dòng quý tộc cạnh tranh nhau trong suốt chiều dài lịch sử nước Chiêm Thành. Với thân phận đặc biệt và năng lực của bản thân, ông có được sự ủng hộ rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nước Chiêm. Dưới sự cai trị của vua Harivarman IV, Chiêm Thành nhanh chóng phục hồi lại kinh tế, các đền đài vốn là biểu tượng cho giá trị tâm linh Chiêm quốc cũng được khôi phục lại. Một điều chẳng lành cho người Việt, vị vua mới của Chiêm Thành là đại biểu cho phái chủ chiến với Đại Việt, với khao khát báo thù và đòi lại đất đai đã bị mất trong cuộc chiến trước đó. Vua Harivarman IV chủ động kết thân với Tống, mở một tuyến thương mại để mua ngựa chiến và lương thực. Khi đã ổn định tình hình trong nước và có được đối tác mới, vua Chiêm đích thân cầm quân tấn công Đại Việt vào năm 1075. Quân Chiêm Thành tiến vào ba châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý, đêm ngày đánh phá khiến quân Đại Việt đồn trú tại đây phải vất vả chống đỡ.
Tin tức báo về triều đình Thăng Long, Thái úy Lý Thường Kiệt lúc này đang giữ quyền tổng chỉ huy quân đội bèn tự mình cầm đại quân xuôi nam để đánh quân Chiêm. Quân Chiêm Thành chỉ chiếm được ưu thế ban đầu khi đối đầu với những đội quân phòng thủ cấp địa phương, chứ không thể chống nổi đạo quân chính quy hùng mạnh của Thái úy Lý Thường Kiệt. Do đó, vua Harivarman IV đã chủ động rút quân về nước để bảo toàn lực lượng. Quân Đại Việt truy kích sang tận lãnh thổ nước Chiêm Thành nhưng không thể đánh lớn do chưa có chuẩn bị về hậu cần. Với sức ép lớn từ các hai hướng bắc và nam, Thái úy Lý Thường Kiệt không thể mạo hiểm tổ chức một cuộc viễn chinh quy mô để đánh Chiêm như những năm trước, bởi mối nguy lớn nhất của Đại Việt bấy giờ vẫn là quân Tống. Sau khi cân nhắc, Lý Thường Kiệt cho tổ chức lại chính quyền và vẽ lại địa đồ ba châu mới sáp nhập. Châu Ma Linh đổi tên thành Minh Linh. Châu Địa Lý đổi thành châu Lâm Bình. Quân đồn trú được tăng cường, đồng thời Lý Thường Kiệt tổ chức di dân người Việt vào nam để làm cơ sở cho việc cai trị lâu dài. Cùng với di dân còn có những binh lính trá hình trà trộn vào đề phòng quân Chiêm. Mọi việc sắp đặt tạm ổn, Thái úy Lý Thường Kiệt liền dẫn quân về bắc lo việc chuẩn bị chống quân Tống.
Lúc này nước Tống vẫn đang trong quá trình chuẩn bị lực lượng, tập trung của cải phục vụ cho chiến tranh. Để tăng khả năng giành chiến thắng, Tống triều chủ trương sai sứ đến hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp đề nghị cùng liên thủ tấn công Đại Việt. Nhưng mưu chưa kịp thi hành thì cuối năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt đã dùng kế Tiên Phát Chế Nhân, dẫn 10 vạn quân thủy bộ sang đánh phá tan tành ba châu Ung – Khâm – Liêm là những điểm tập kết nhân lực, vật lực phục vụ cho cuộc xâm lược của Tống. Mặc dù gặp bất ngờ và chịu những tổn thất nặng nề bởi cuộc tấn công của quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt, Tống triều vẫn quyết tâm tái chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt. Lần này, ngoài những động cơ gây chiến ban đầu thì vua tôi nước Tống còn có thêm động cơ báo thù. Kế hoạch lôi kéo hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp được vua Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch thống nhất từ trước cũng được gấp rút thực hiện.
Trong thư gởi vua hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp, vua Tống Thần Tông nói rằng : “Chiêm Thành, Chân Lạp từ lâu nay bị Giao Chỉ cướp. Nay vương sư sang đánh Giao Chỉ để phạt tội. Các nước ấy nên thừa cơ hội, hiệp lực mà trừ nó. Ngày nào đánh dẹp xong trẫm sẽ ban thưởng cho. Trẫm lại nghe nói rằng nhiều dân nước ấy đã bị Giao Chỉ bắt về. Trong số ấy có cựu vương Chiêm Thành, khó lòng trở về nước. Nên triệu y sang chầu trẫm sẽ gia ân cho”. Qua những lời trên có thể thấy sự hiểu biết về tình hình phương nam của vua tôi nước Tống khá mù mờ. Sai lệch thứ nhất là Chân Lạp và Đại Việt thời kỳ này không có xung đột mà quan hệ khá hòa thuận. Nước Chân Lạp đã có gởi sứ giả đến Đại Việt để tặng cống phẩm và trao đổi hàng hóa. Sai lệch thứ hai trong thư là nói về cựu vương nước Chiêm Thành, tức vua Rudravarman III vốn đã được Đại Việt trả về nước sau khi chấp nhận dâng đất chuộc mạng, nhưng rồi bị chính người trong nước lật đổ phải sang Đại Việt lưu vong. Những điều này vua Tống đã không biết rõ, nên mới có chuyện khuyên vua đương nhiệm nước Chiêm là Harivarman IV triệu cựu vương Rudravarman III sang chầu nước Tống.
Mặc dù vua Tống Thần Tông có một số hiểu lầm về tình hình, nhưng nêu được lợi ích mà Chiêm Thành, Chân Lạp có được khi hợp lực tấn công Đại Việt. Nước Chiêm Thành và nước Chân Lạp vốn đã kết oán nhiều đời, thường hay có chiến tranh với nhau. Nhưng trước lợi ích mà sứ Tống vẽ ra sau khi xâu xé Đại Việt, hai nước này đã đồng ý liên kết với nhau, cùng với nước Tống tạo thành liên minh ba nước chống Đại Việt.
Quốc Huy/Một Thế Giới