Đặng Văn Chương, Trần Đình Hùng
(Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)
Từ 1364 đến 1453: Đây là khoảng thời gian gần một thế kỷ người Thổ xâm chiếm bán đảo Balkans và tiến hành các cuộc chiến tranh chinh phạt châu Âu. Các quốc gia vùng Balkans như Bulgari, Serbi, Albani, Morea, Bosnia đang sống trong tình trạng phong kiến phân tán, các lãnh chúa phong kiến thường xuyên xung đột lẫn nhau, do đó lực lượng bảo vệ yếu ớt. Đó là những quốc gia đã suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc xâm lăng của người Thổ.
Năm 1389, trong trận đại chiến trên cánh đồng Kosovo ở Serbi, một anh hùng của Serbi là Miloš Obilić đã lập mưu giết chết Sultan Thổ là Murad I (1362-1389). Nhưng sau đó, con của Murad I là Bayazid “Chớp” (Bayazid “Lightning”) (1389-1402) đã báo thù, đánh tan quân đội Serbi, đặt Serbi dưới ách thống trị của người Ottoman. Tiếp sau Serbi, quân đội Thổ đã xâm chiếm Bulgari, Albani và tiến tới sông Danube đe dọa Hungari và đế quốc La Mã thần thánh. Giáo hoàng và các quốc gia phong kiến Tây Âu hốt hoảng kêu gọi một cuộc viễn chinh mới để ngăn chặn (như đã từng thực hiện trước đây). Năm 1396, quân Thập tự chinh gồm kị sĩ phong kiến Đức, Pháp, nhất là Hungari… do Hoàng thân người Pháp, Jean “Không sợ” (Jean “sans Peur”) cầm đầu đã kịch chiến với quân Ottoman của Bayazid tại Nicopolis và đã bị đánh tan một cách nhanh chóng [3, tr.75]. Sau chiến thắng này, hầu như toàn bộ vùng Nam Âu rơi vào tay của người Ottoman. Từ đó các dân tộc Nam Âu bị tách rời khỏi sự phát triển chung và phải chịu sự thống trị suốt hàng thế kỷ. Vậy là, “những chiến sĩ đấu tranh vì niềm tin” đã tạo dựng được một đế quốc mới. Tưởng như không có một trở lực nào có thể ngăn cản nổi bước tiến mạnh mẽ của người Ottoman, thế nhưng nhà chinh phạt Thiếp Mộc Nhi (Tamerlane hay còn gọi là Timur “Chân thọt”) đã giáng cho người Thổ một đòn choáng váng ở trận Ankara năm 1402, 85.000 quân chủ lực Ottoman bị kỵ binh và tượng binh Ba Tư đánh tan tác, Sultan Bayezid I bị bắt sống tại trận. Thất bại này chặn đứng bước tiến của người Ottoman trong một thời gian và về khách quan đã kéo dài thêm thời gian tồn tại của kinh đô Constantinople.
Sau khi đế quốc Timur tan rã, đế quốc Ottoman được phục hồi và phát triển với mức độ lớn trước nhiều lần. Mehmed I, đặc biệt là con trai và cháu của ông là Murad I và Mehmed II, trong gần 70 năm trị vì đã đưa Nhà nước Ottoman lên vị trí Đại đế quốc (The Great Empire). Murad I đã khẳng định lại sự thống trị của mình trên toàn bộ miền Tây Anatolia và làm điều tương tự với vùng Balkans. Serbi đã trở về lại với đế quốc Ottoman sau đám cưới giữa Murad với công chúa Serbi năm 1433. Phần lớn Bulgari được thu hồi. Vương quốc Hungari bên bờ sông Danube cùng quân đội Ba Lan đã bị đè bẹp năm 1444 tại trận Varna, nơi vua Ba Lan là Władysław III tử trận.
Trong khoảng thời gian này, nhiều lần quân Thổ tấn công thành Constantinople nhưng không thành công. Bayazid “Chớp” đã hai lần thử bao vây và công phá thành nhưng thất bại. Gần một thế kỷ bị bao vây tứ phía, Byzantine vẫn đứng vững.Vai trò, ảnh hưởng của Byzantine ở Trung Đông vẫn còn, cuộc đối đầu lịch sử Byzantine – Ottoman vẫn chưa kết thúc. Vào năm 1453, sau khi đạt đến sức mạnh cao độ, người Thổ quyết tâm chinh phục bằng được Constantinople. Người kế vị Murad là Mehmed II- có biệt danh là “Người chinh phục” đã tiếp nối những thành công vang dội của cha. Năm 1453, Mehmed II đã mang 20 vạn đại quân tấn công Constantinople.
Constantinople, kinh đô của đế quốc Byzantine, có lịch sử hơn một ngàn năm và từng là trung tâm nghệ thuật, văn hoá, thương mại trong nhiều thế kỷ của cả thế giới phương Tây. Các hoàng đế Ottoman từ lâu đã thèm muốn thành phố giàu có và lộng lẫy này. Quốc vương Mehmed II (1444-1481) khao khát được làm chủ và biến nó thành kinh đô của Hồi giáo: “Trẫm chỉ có một mong muốn duy nhất. Hãy tặng lại Constantinople cho trẫm”[1, tr.111]. Về phía Byzantine, các hoàng đế đã làm mọi cách để nắm giữ thành phố sau khi phần lớn đất đai đã bị người Thổ chiếm như cầu cứu phương Tây giúp đỡ về quân sự tại Công đồng Florence vào năm 1439. Đến thời mình, hoàng đế Constantin XI Palaeologus thuộc dòng dõi đế chế Augustus Ceasar từ hơn 1000 năm trước đã chấp nhận mọi điều kiện của Thổ như tham chiến, đóng thuế, cống nạp …đổi lại ông chỉ xin người Ottoman cho ông giữ lại thành Constantinople. Tuy nhiên, trước tham vọng của Mehmed II, hoàng đế Byzantine chỉ còn cách đứng lên chiến đấu.
Lần này người Thổ đã chuẩn bị rất kĩ. Mehmed II đã cho xây dựng hải cảng Rumeli Hisali, cách thành phố về phía Bắc 10 dặm trên bờ biển Bogazici để kiểm soát Constantinople đường thuỷ và mọi thông tin của Byzantine với biển Đen đảm bảo sự hành quân của quân Ottoman từ Anatolia đến châu Âu. Để công phá thành, Mehmed đã cho đúc nhiều khẩu thần công lớn, mỗi quả đạn nặng 500kg, xây dựng hạm đội đóng ở Galipoli để tiến hành thuỷ chiến. Ngoài ra còn nhiều loại vũ khí đáng sợ khác như súng phun lửa, máy bắn đá…Về lực lượng, quân đội Ottoman nhiều gấp ít nhất mười lần quân Byzantine. Người Thổ còn cẩn thận chuẩn bị cả lực lượng tiếp ứng từ trong thành. Tháng 3-1453, hoàng đế Mehmed II hạ lệnh tấn công thành Constantinople. Đến ngày 29-5-1453, thành Constantinople thất thủ. Hoàng đế cuối cùng của Byzantine tử trận.
Quân Thổ mặc sức cướp phá trong ba ngày liền, bắt 60.000 người làm nô lệ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá bị phá hoại. Tất cả các tượng chúa Kitô giáo bị vứt ra ngoài đường, thay vào đó là bàn thờ đạo Hồi. Thánh đường lớn Haya Sophia biến thành thánh đường Hồi giáo. Đế quốc Ottoman dời đô về Constantinople rồi đổi tên thành Istanbul (nghĩa là Thành phố của Hồi giáo) [2,tr.338]. Tên gọi này được dùng cho đến tận ngày nay. Constantinople thất thủ đánh dấu sự sụp đổ của đế quốc Byzantine sau hơn 1000 tồn tại. Sự kiện năm 1453, đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn quá trình đối đầu lâu dài của hai đế quốc, và mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của đế chế Ottoman.
III. Kết luận:
Trên cơ sở nghiên cứu về mối quan hệ giữa byzantine và Ottoman, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1. Quan hệ giữa đế quốc Byzantine và đế quốc Ottoman là sự đối đầu của hai thế lực mà tương quan so sánh lực lượng của hai bên là rất không cân xứng. Byzantine đã trải qua hơn 1000 năm tồn tại và đang trên đà suy yếu, thực sự đó là một đế quốc đã quá già cỗi. Trong khi đó, Nhà nước Ottoman được thành lập vào cuối thế kỷ thứ XIII và đang trên đường phát triển mạnh mẽ, đó là một đế quốc trẻ và đầy sinh lực. Mâu thuẫn giữa hai đế quốc là không thể tránh khỏi trong quá trình mở rộng quyền lực của Ottoman. Vì vậy, quan hệ giữa hai đế quốc luôn trong tình trạng đối đầu căng thẳng mà “cán cân quan hệ”, “cán cân quyền lực” nghiêng dần về phía đế quốc trẻ Ottoman. Thực tế ấy làm cho mối quan hệ này trở nên hết sức “bất bình đẳng”. Trong hơn một thế kỷ rưỡi đối đầu, Byzantine luôn phải chịu thua thiệt và bất lực đứng nhìn lãnh thổ đế quốc bị người Thổ Ottoman chiếm hết vùng đất này đến miền đất khác, cuối cùng chỉ còn trơ trọi mỗi kinh thành Constantinople. Về khách quan, khi một thực thể già yếu đi thì sẽ bị một thực thể mới ra đời thay thế, và chiếu vào tổng thể các mối quan hệ giữa hai đế quốc vào thế kỷ thứ XIV, XV thì sự kiện năm 1453 xảy ra như là một tất yếu lịch sử dành cho Byzantine.
2. Sự xâm lấn của Ottoman đối với đế quốc Byzantine diễn ra hơn một thế kỷ rưỡi bằng chiến thuật “gặm nhấm từng phần” hay “thôn tính từng gói nhỏ”. Ban đầu, người Thổ nhắm vào đất đai của đế quốc Byzantine ở vùng Tiểu Á, sau khi thôn tính phần lớn vùng đất này, họ vượt qua eo biển Dardanell, chiếm dần rồi thay thế vị thế của Byzantine ở vùng Balkans; bình định xong Balkans người Thổ quay lại chiếm nốt phần còn lại của Tiểu Á, chinh phục kinh đô Constantinople vĩ đại. Từng bước, từng bước, Ottoman khuất phục dần Byzantine, rồi cuối cùng chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của nó vào giữa thế kỷ XV.
3. Với việc Byzantine hoàn toàn bị tiêu diệt, đế quốc Ottoman đã hoàn toàn thay thế vai trò lịch sử của Byzantine ở vùng Tiểu Á và Balkans về kinh tế, chính trị, lẫn văn hóa. Cuộc “đổi ngôi” này như nhiều cuộc đổi ngôi khác trong lịch sử Trung Cận Đông diễn ra không hề yên ả, kẻ mất – người được là điều tất yếu. Văn hóa Hồi giáo được đế quốc Ottoman tiếp tục phổ biến ở vùng Trung Đông dần thay thế dòng văn hóa Cơ đốc giáo trước đây của đế quốc Byzantine. Đế quốc Ottoman đã thực sự thay thế cho đế quốc Arập Hồi giáo trước đó và nhận lấy sứ mệnh lãnh đạo thế giới Hồi giáo trong nhiều thế kỷ sau đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Ngọc Thái (chủ biên), “Văn minh nhân loại những bước ngoặt lịch sử”, NXB Văn hóa thông tin, H., 2002.
2. J.M. Roberts, “History of the World”, Oxford university press, Great Britain, 2003.
3. Đặng Đức An, Phạm Hồng Việt, “Lịch sử thế giới trung đại”, quyển 1, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, Hà Nội, 1978.
4. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn, “Lịch sử Trung Cận Đông”, NXB Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000,