Trang chủ Kiến Thức Cạm bẫy trong chiến tranh Việt Nam – phần 2: chông Việt...

Cạm bẫy trong chiến tranh Việt Nam – phần 2: chông Việt vs giày Mỹ

Tháng 10 năm 1961, phòng thí nghiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ ở thị trấn Natick, Massachusetts được giao nhiệm vụ nghiên cứu một loại giày chống được chông nhọn, sau một báo cáo về trường hợp cố vấn Mỹ ở Việt Nam chết hay bị thương vì dính bẫy. Theo báo cáo này, du kích “Việt Cộng” đã cắm vô số cọc tre hoặc cọc sắt (một số có ngạnh và bôi chất độc) trong các hố bẫy và thậm chí dưới nước, gây thương vong đáng kể cho cố vấn Mỹ và đồng minh VNCH.

Nhu cầu giày chống bẫy trở nên cấp thiết hơn khi Mỹ chính thức đưa lực lượng viễn chinh vào Việt Nam năm 1965. Khi đó, phần lớn lính Mỹ vẫn đi loại giày da từ thế chiến II (mã M-1945), số ít được trang bị giày đi rừng (còn có tên giày Okinawa do những cố vấn Mỹ đầu tiên tới Sài Gòn đến từ Okinawa) thiết kế thoáng khí hơn. Tuy nhiên 2 mẫu này đều không có chức năng chống vật sắc nhọn trong khi số bẫy chông của đối phương liên tục tăng. Một ví dụ là ngày 3/8/1965, thủy quân lục chiến Mỹ tấn công vào làng Cẩm Nê 4 (đánh số để phân biệt với các làng khác cùng tên gần đó) phía Tây Nam thành phố Đà Nẵng, làng này được cho là có cảm tình với “Việt Cộng”. Sau một hồi đọ súng, khoảng 30-100 du kích rút khỏi làng và lính Mỹ tìm được 267 bẫy chông, 3 bẫy lựu đạn gài và 6 quả mìn chống bộ binh quanh làng.

Các thiết kế giày chống vật sắc nhọn từ năm 1961 đến 1965 đều thất bại: giá thành quá cao và không đủ độ bền trong môi trường ẩm ướt. Cuối cùng, người ta quyết định vẫn dùng mẫu giày đi rừng (giày Okinawa) nhưng độn một tấm thép không gỉ vào đế giày, kẹp giữa 2 lớp vải nhựa để tạo cảm giác thoải mái khi xỏ chân, cũng như thoáng khí. Thép độn dày 0,011 inch (0,2794 mm), nặng trung bình 141,7 g (trọng lượng tăng giảm tùy kích cỡ giày). Những miếng lót này tháo rời được và trong một số trường hợp có thể độn nhiều tấm xếp chồng lên nhau để tăng khả năng bảo vệ, theo kiểu giày của lính cứu hỏa.

Tuy nhiên, những người dùng thử ở Việt Nam đã chỉ ra rằng sau một thời gian sử dụng, nhất là khi di chuyển liên tục. đế giày lót thép nóng lên rất nhanh, thường gây phồng rộp và nứt nẻ bàn chân. Do vậy, phòng thí nghiệm Natick độn thêm một lớp da nữa lên trên tấm thép, và mẫu cuối cùng (mã M-1966) được thông qua vào tháng 5 năm 1966, từ đó đưa vào trang bị cho các đơn vị tác chiến của Mỹ đến tận thập niên 2000.

Giày M-1966 với rãnh và lỗ thoát nước

Đa số M-1966 được sản xuất bởi Wellco Enterprises, hãng giày thành lập năm 1941, thường xuyên được đặt hàng sản xuất và cung cấp các loại giày cho quân đội Mỹ. “Giày Panama” là loại được đúc khuôn cao su để sản xuất hàng loạt, thay vì khâu như trước. Được đánh giá là khá thành công, loại giày đi rừng này còn được dùng đến chiến tranh Iraq lần 2, do sự thoáng mát trong môi trường sa mạc. Tuy nhiên, qua thời gian, lỗ thoát nước và lưới thông gió sẽ bị cát bịt kín, cũng như khó giữ ấm vào mùa đông, nên nó bị thay thế bằng loại giày chuyên dụng cho sa mạc vào năm 2008.

Về lý thuyết, M-1966 giúp người đi nó có thể dẫm mạnh lên chông, đinh sắt mà không bị thương tích gì. Tuy nhiên, cạm bẫy của du kích Việt Nam không đơn giản như vậy. Nhiều loại bẫy được thiết kế để tấn công vào – không chỉ bàn chân, gót chân – mà cả mu bàn chân, phần không được bảo vệ.

Dẫm phải bẫy này, khi nhấc chân lên sẽ bị các gai xiên đâm vào mu bàn chân

Và loại bẫy tấn công vào bắp chân, bỏ qua giày:

Đâm từ 2 hướng vào bắp chân

Cách duy nhất để chống bẫy loại này là dùng loại giày cao cổ đúc hoàn toàn bằng thép, nặng 3-4 kg như hiệp sĩ Trung Cổ, nhưng điều này rõ ràng là không thực tế. Hơn nữa, một số hố bẫy được đào rộng để khiến người xui xẻo bước hụt và ngã sấp vào chông, lúc này giày lót thép thậm chí cả áo giáp chống đạn cũng không thể giúp bảo vệ, vì tay, chân và mặt không có gì che chắn.

Khi rút khỏi Việt Nam năm 1973, thống kế cho thấy 2% tổng số tham chiến, tức 1163 lính Mỹ đã bị thương do bẫy chông.

Nguồn: usmilitariaforum.com, olive-drab.com.