Lãnh thổ nước ta trở nên cực đại vào thời kỳ trị vì của vua Minh Mạng. Khi ấy, Việt Nam chiếm gần hết lãnh thổ Campuchia, Lào. Vua Minh Mạng vì thế muốn đổi tên nước để thể hiện đất nước của mình to lớn hơn hẳn các triều đại cũ. Ngày 15/2/1838, vua Minh Mạng xuống chiếu đổi tên thành thành Đại Nam. Chiếu như sau :
“Dụ rằng : “Nước ta từ Thái tổ Gia dụ Hoàng đế [ chỉ Nguyễn Hoàng – TG ], gây nền ở cõi Nam, đến các vua, ngày thêm mở rộng, có cả đất của nước Việt Thường cho nên trong nước trước gọi là Đại Việt. Lịch chép cũng lấy 2 chữ ấy chép ở đầu, vốn không ví như nước Đại Việt theo dùng tên riêng của nước An Nam. Đến Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế [ chỉ vua Gia Long – TG ], ta có cả nước An Nam, còn lịch chép chỉ chép đơn giản 2 chữ Đại Việt. Về lẽ phải vốn là không hại gì, xưa nay vẫn làm, đã trải bao năm, thế mà có bọn quê mùa không biết, thấy lịch các triều nhà Trần, nhà Lê nước An Nam cũng có chữ Đại Việt, theo người nhận nhầm, sinh nghi ngờ bậy, liên quan đến quốc thể không phải là nhỏ.
Trẫm xét các đời trước, như đời Đường, Tống trở về trước, phần nhiều lấy nơi nổi lên làm vua, làm danh hiệu có cả thiên hạ, đến đời nhà Nguyên, nhà Minh, lại hiềm noi theo tên cũ, bèn lấy chữ hay làm quốc hiệu. Đến đời nhà Đại Thanh trước gọi là Mãn Châu, sau đổi lại làm Đại Thanh, đều nhân thời tuỳ tiện, việc theo lẽ phải mà ra. Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng, đều thuộc vào trong đồ bản, bãi biển xó rừng khắp nơi theo về cả, trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam, càng tỏ nghĩa lớn, mà chữ Việt cũng vẫn ở trong đó.
Kinh Thi có nói : “Nước nhà Chu dẫu cũ, mệnh vận đổi mới !” để cho đúng với tên và sự thực. Chuẩn cho từ nay trở đi, quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô, phải chiểu theo đó tuân hành, gián hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam, về lẽ vẫn phải, quyết không được lại nói 2 chữ Đại Việt, còn hiệp kỷ lịch năm nay, trót đã ban hành, không phải thay đổi hết thảy, nhưng nên in lại 3.000 tờ nhãn lịch trình dâng, chờ ban cho các quan viên ở Kinh và tỉnh ngoài, cho rõ hiệu lớn, còn thì phải lấy năm Minh Mệnh thứ 20 làm bắt đầu đổi chép chữ Đại Nam ban hành, để chính tên hiệu và khắp các nơi xa gần”.”
Quốc hiệu Đại Nam được sử dụng trong 108 năm, kể từ năm 1838 đến năm 1945. Trong đó có 48 năm nước Đại Nam tồn tại độc lập, còn lại thì là thuộc địa của nước Pháp. Trong thời kỳ thuộc địa, một số văn bản, giấy tờ của triều đình Huế vẫn sử dụng quốc hiệu Đại Nam. Tuy nhiên, trong ngoại giao và nội chính đều gọi là An Nam, thuộc Liên bang Đông Dương. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, dựng lên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Ông Kim đổi tên nước thành Đế quốc Việt Nam, thuộc khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á do Nhật Bản làm chủ trì. Trên thực tế, “Đế quốc Việt Nam” là thuộc địa của Nhật. Khi Đảng Cộng Sản Đông Dương giành lại độc lập cho đất nước từ tay phát xít Nhật đã đổi tên nước thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thời kỳ quốc hiệu Đại Nam đánh dấu sự bành trướng mãnh liệt của dân tộc Kinh Việt và sự suy thoái cực độ của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, dẫn đến mất nước vào tay thực dân Pháp. Âu cũng cùng dân tộc trải qua các bước thăng trầm dữ dội.