Trang chủ Kiến Thức Số Phận Của Giả Vương Trần Cảo

Số Phận Của Giả Vương Trần Cảo

Lúc cao trào khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lập Trần Cảo làm vua để tăng tính chính danh và tiện giao thiệp với quân Minh. Thực tế diễn biến lịch sử cho ta thấy Trần Cảo chỉ là vua bù nhìn, còn chính lệnh trước sau đều do một tay Lê Lợi thi hành. Dù vậy cũng cần ghi nhận vai trò của Trần Cảo, kể cả khi vai trò ấy định sẵn là vật tế thần trong một kế hoạch được sắp đặt sẵn từ trước.

Có nhiều sử liệu chép về Trần Cảo nhưng đa phần là trùng lặp nội dung và chép lại lẫn nhau. Trong đó tương đối chi tiết và có chọn lọc là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Về việc lập Trần Cảo, Toàn Thư chép :

“Mùa đông, tháng 11 [năm 1426], vua tìm được Trần Cảo lập làm vua.

Trước đó, có người tên là Hồ Ông, là con một người ăn xin, trốn theo Cầm Quý, giả xưng con cháu họ Trần. Bấy giờ người trong nước khổ về chính lệnh hà khắc của giặc, mong có người làm chủ, mà vua thì gấp việc diệt giặc cứu dân, nên sai người đón lập Cảo cho xong việc việc quyền nghi nhất thời, mà cũng muốn mượn cớ để trả lời nhà Minh để họ tin. Đặt niên hiệu là Thiên Khánh, sai Tả bộc xạ Lê Quốc Hưng dạy cho, nhưng thực ra là để coi giữ. Cảo trước đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời về Vũ Ninh.”

Vì sao đội ngũ Lam Sơn đứng đầu là Lê Lợi biết Cảo là Hồ Ông giả xưng con cháu vua Trần hay còn mơ hồ chưa rõ thì sao vẫn lập làm vua ? Trong khi đó ngay trong đội ngũ Lam Sơn có Trần Nguyên Hãn là con cháu nhà Trần chính hiệu lại bỏ qua. Người viết cho rằng đây là một sự nhầm lẫn có chủ ý. Trong đó người trong cuộc ngầm hiểu là phải chọn người hoàn toàn không có khả năng nắm bất cứ thực quyền nào lên làm vua để đúng với vai trò giả vương. Nếu chọn một người tài đức, chính danh hoàn toàn thì khi khởi nghĩa thành công, sẽ gặp khó trong việc chọn người thực sự đứng đầu đất nước. Cũng khó có thể trách Lê Lợi được. Với công lao gây dựng từ ban đầu của ông, nếu bản thân không lên ngôi vua thì cũng không có gì đảm bảo cho ông và con cháu sẽ an toàn với vai trò đại công thần khai quốc. Vả lại, Lê Lợi cũng là một con người biết đòi hỏi sự tưởng thưởng cho khó nhọc của mình, ông không phải một vị thánh hoàn toàn xả thân không một chút vụ lợi.

Mặc khác, có phải Trần Cảo tên là Hồ Ông giả xưng con cháu nhà Trần hay ngược lại, Trần Cảo chính là con cháu nhà Trần phải thay tên đổi họ thành Hồ Ông để che giấu thân phận tránh bị quân Minh giết ? Nghi vấn đó có lẽ mãi mãi chúng ta khó mà trả lời được. Sách Đại Việt Thông Sử chép : “Trần Cảo chính tên là Hồ Ông, lánh nạn đến châu Ngọc Ma, mà thổ quan là Cầm Quý đã giả mạo xưng Ông là dòng dõi vua họ Trần”. Như vậy trước khi được Lê Lợi đón về cho lên ngôi, Cảo đã từng là quân bài chính trị trong tay thổ quan Cầm Quý. Hay Cầm Quý chỉ đơn giản biết Cảo là con cháu nhà Trần ẩn thân nên che chở, có ý vụ lợi hoặc không. Từ trước đến nay những việc này vẫn là một nghi vấn kể cả đối với những người chép sử.

Số phận Trần Cảo sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thành công thì các sách sử chép tương đối mâu thuẫn với nhau. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nêu cả bốn thuyết :

“Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết.

Có thuyết nói rằng : Trước đây, sau khi lập Cảo, vua cho Cảo đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang. Đến năm này, chuyển về thành Cổ Lộng. Cảo tự nghĩ là trời không thể có hai mặt trời, nước không thể có hai vua, mình không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không sớm liệu, sợ nỗi hối hận sau này. Rồi ngầm đi thuyền ra biển mà chết.

Có thuyết nói rằng: Cảo tự biết người trong nước không phục, bèn cùng với bọn Văn Nhuệ ngầm đi thuyền biển trốn đến ải Cổ Lộng, vua sai người đuổi bắt giết đi, vứt xác vào bụi gai. Lúc Cảo chết, có câu khẩn trời, ai nghe cũng phải thương xót, thiên hạ cho là oan. Sau này, thời Lê mạt , Trần Cảo làm loạn, tương truyền đó là khiếp sau của Trần Cảo này.

Có thuyết nói rằng: Trần Cảo tên là Địch, trong nạn giặc Minh, Địch ẩn náu trong dân, đến khi Thái Tổ dấy quân, thấy lòng người vẫn nhớ nhà Trần, cho nên lập lên, Thái Tổ nói kín rằng: “Ta trải trăm trận mới lấy được thiên hạ, mà hắn lại giữ ngôi cao”. Cảo sợ hãi, chạy đến ải Cổ Lộng, Thái Tổ sai người đuổi theo giết đi, ném xác vào bụi gai.”

Sự việc Cảo chết là vào năm 1428. Ngay sau đó thì Lê Lợi xưng đế. Thực ra cả bốn thuyết đều có vấn đề. Thuyết đầu tiên là việc Trần Cảo chủ động bỏ trốn rồi bị bắt và bị xử chết gần xác đáng về mặt sự kiện, được nêu lên đầu tiên trong Lam Sơn Thực Lục. Tuy nhiên thuyết này chưa lý giải được về mặt động cơ. Trần Cảo đơn thuần bỏ trốn vì sợ bị giết, vì tự thấy mình không xứng đáng, hay còn có mưu gì khác chúng ta không biết được.

Thuyết thứ hai cho rằng Cảo không trốn về Cổ Lộng mà công khai dời về đó rồi lại “ngầm đi thuyền ra biển mà chết”. Ghi chép này không rõ nghĩa. Cảo đã tự sát hay gặp tai nạn trên biển, hay bị quan quân đuổi theo giết chết ? Thuyết này khó khảo cứu được.

Thuyết thứ ba và thứ tư đều dính nghi án sửa sử bởi tay các sử quan thân họ Trịnh thời Lê Mạt. Trong quyển sử Lam Sơn Thực Lục hay Đại Việt Thông Sử hoàn toàn không chép. Hai thuyết này có nhắc đến sự việc thời Lê mạt và nhấn mạnh việc Lê Lợi đối xử tệ với Trần Cảo là nói kín với tướng sĩ hay “ném xác vào bụi gai”. Đọc qua lộ rõ chủ ý khắc họa Lê Thái Tổ như nhân vật phản diện, trái ngược với các đoạn sử thời Lê sơ lại chủ ý đề cao sự nhân từ của Lê Lợi.

Có lẽ Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông Sử là có tinh thần trung dung, khách quan hơn. Ông chép : “Vua Trần Cảo ngự tại thành Cổ Lộng, tự cho mình không có công gì với thiên hạ, mà giữ ngôi vua, thường ái náy không yên, bèn cỡi thuyền ra biển, lén vào châu Ngọc Ma. Khi Trần Cảo đến bến Ma Cảng, quan quân đuổi kịp dẫn trở về, cho uống thuốc độc chết. Hoàng đế sai làm lễ táng tế rất hậu.”

Nếu theo Lê Quý Đôn thì Trần Cảo hành động có chủ ý hơn, hợp lý hơn. Lúc ấy châu Ngọc Ma dưới sự cai trị của Cầm Quý đã có ý trở mặt không còn quy thuận triều đình nhà Lê. Nếu Trần Cảo vào được đó sẽ có thể nương nhờ Cầm Quý mà tồn tại lâu dài được. Điều này cũng lý giải được vì sao Lê Thái Tổ phải giết Trần Cảo ngay khi bắt được để trừ hậu họa.

Suy cho cùng, phúc và họa của Trần Cảo là từ lúc được (bị) Lê Lợi đón về cho lên ngôi. Dù cho Cảo sau đó có hành động thế nào cũng khó tránh khỏi. Số phận giả vương thường không mấy tốt đẹp. Chẳng những thế, sử sách còn có động cơ quá lớn để tô đen thêm nhân vật này hòng nêu bật lên một nhân vật khác là người anh hùng Lê Lợi, hiện thân của sự hoàn mỹ. Lam Sơn Thực Lục không quên chép : “có tên Hồ Ông, là con đứa ăn mày …”, hay “… Hắn tự biết người trong nước không phục, trong lòng hổ thẹn, bèn ngầm cùng tên giặc là Văn Duệ thông mưu làm phản, để cho mau đáng tội chết! Chẳng phải tự mình hại mình thì đâu đến nỗi thế”. Giọng văn này rất gay gắt nhưng xét lại trong tình thế của Trần Cảo nếu không chủ động tìm một cơ may thì liệu có sống yên ổn được hay không !? Dẫu cho Lê Lợi nhân từ thì những quan tướng xung quanh cũng khó để yên cho Cảo.

nguoilytuong90/Nguyễn Quốc Huy