Trang chủ Kiến Thức Tìm hiểu về khoa cử nước ta thời phong kiến

Tìm hiểu về khoa cử nước ta thời phong kiến

Tranh sứ

Để xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền, triều đình thời Lý-Trần tiến hành bổ nhiệm quan lại theo hai hình thức:

– “Nhiệm tử” tức là trực tiếp bổ nhiệm chức vụ cho con cháu quý tộc.

– “Thủ sĩ” là chọn người bổ nhiệm qua thi cử.

Chế độ “nhiệm tử” hình thành và thịnh hành ở triều Đinh-TiềnLê, đến thời Lý về sau mới có “thủ sĩ”. Chế độ khoa cử bắt đầu từ thời Lý Nhân Tông với nhiều dạng khác nhau: tuyển quan lại, tuyển người giỏi văn chương hay lấy nhân viên cho các cơ quan trực thuộc triều đình.

Năm 1075, triều đình nhà Lý “xuống chiếu thi Minh Kinh bác sĩ và Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học”. Đây là khoa thi đầu tiên, người đỗ được chọn vào Hàn Lâm Viện, nơi chuyên thảo các công văn của triều đình. Truyền thống khoa cử này kéo dài đến đầu thế kỷ XX.

Năm 1086, triều đình tiếp tục mở kỳ thi thứ hai, chọn người giỏi văn bổ nhiệm làm quan trong Hàn Lâm Viện, Mạc Thiên Tích trúng tuyển được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ.

Năm 1195, thi tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo), ai trúng tuyển được bổ nhiệm làm quan. Ngoài thi văn còn các hình thức thi tài năng khác như thi “lại viện” bằng thư (viết chữ), toán và hình pháp.

Tranh sứ "vinh quy bái tổ" - gốm Bát Tràng
Tranh sứ “vinh quy bái tổ” – gốm Bát Tràng

Tuy nhiên, ở thời Lý chế độ khoa cử còn rất đơn giản. Mỗi khi triều đình thấy thiếu người dùng mới cho mở khoa thi, chưa có quy định cụ thể nào về kỳ hạn. Nội dung các kỳ thi vẫn chỉ xoay quanh văn học và tư tưởng, chưa gắn liền với các vấn đề vĩ mô của quốc gia. Tuy vậy việc chọn người tài qua khoa cử đã là một bước phát triển đáng kể của nhà nước trung ương tập quyền.

Sách “Lĩnh Ngoại Đại Đáp” của Chu Khứ Phi đời Tống ghi rằng: “Giao Chỉ trọng khoa cử”, tuy nhiên, việc khoa cử vẫn chỉ hạn chế trong con em tầng lớp quan liêu, quý tộc. Bình dân không được dự thi.

Đến thời Trần, việc khoa cử được đẩy mạnh thêm một bước. Năm 1232 dưới thời Trần Thái Tông, khoa thi “Thái học sinh” (từ thời Duệ Tông gọi là tiến sĩ) lần đầu tiên được tổ chức, lấy đủ 3 bậc (tam giáp) và ở bậc đầu có đủ “tam khôi”. Ví dụ: khoa thi Long Khánh thứ hai (1374) tổ chức ở cung Thiên Trường (tỉnh Nam Hà), đây là khoa thi mà Nguyễn Phi Khanh – cha của Nguyễn Trãi – đã đỗ thái học sinh. Khoa này đỗ cả thảy 50 người, trong đó những người đứng đầu là:

– Trạng nguyên: Đào Sư Tích
– Bảng nhãn: Lê Hiến Phú
– Thám hoa: Trần Đình Thám
– Hoàng giáp: Lê Tu

Theo lệ nhà Đường, người đỗ tiến sĩ được chia làm hai hạng, tính chung cho cả 3 bậc, là:

– “Cập đệ” tức chỉ được ghi tên vào sổ đỗ
– “Xuất thân” tức chuẩn bị nhận quan chức ngay

Ngoài ra nhà Trần còn tổ chức thi “lại viên” tức thi lấy người cho cơ quan hành chính, thí sinh chỉ phải thảo các giấy tờ hành chính theo chủ đề, gọi là “bạ đầu”, ai trúng tuyển được bổ làm thuộc viên ở các sảnh, viện. Thi “lại viên” bằng phép tính thì lấy người cho “Nội lệnh sử” (ty coi các thứ thuế).

Theo sử cũ, mỗi lần thi lấy đỗ 30 người, thi trạng nguyên không có thể lệ nhất định. Sĩ tử là người thuộc tam quán: quan thái sinh, học sinh tướng phủ và người có tước vị.

Năm Bính Thìn, niên hiệu Hưng Long, tức năm 1304, triều đình tổ chức thi Thái học sinh, đây là khoa thi xưa mà đến nay còn lưu giữ được 1 số đề cụ thể:

– Thi lượt 1:
+ Thi “ám tả cổ văn” tức học thuộc, thí sinh phải nhớ và chép lại thiên “Y quốc” và truyện “Mục Thiên tử” (truyện “Tây du” của Mục vương nhà Chu – đây là bộ tiểu thuyết cổ nhất của Trung Quốc).

– Thi lượt 2:
+ Thi “kinh nghi” là những điểm còn ngờ vực trong kinh truyện
+ Thi “kinh nghĩa” là phát triển những câu của thánh hiền trong phần kinh truyện mà thí sinh vừa hoàn thành.
+ Làm thơ, thể cổ phong, tựa đề là “Vương độ khoan mãnh” (đức độ lượng của bậc vương giả)
+ Làm thơ luật thể, tựa đề “Tài nan” (câu của Khổng Tử trong sách“Luận ngữ”, ý chỉ sự than phiền về nhân tài ít ỏi)
+ Làm 1 bài phú, tựa đề “Đế đức hiếu sinh hiệp vu dân tâm” (đức độ của Đế Nghiêu thấm khắp lòng dân). Độ khó của phú cao hơn thơ nhiều.

– Thi lượt 3 (nói theo ngôn ngữ hiện đại có thể gọi là tập làm văn):
+ Viết một tờ Chiếu theo đề. Chiếu ở đây là chiếu chỉ, sắc lệnh, thông báo… của vua ban ra.
+ Viết một Chế theo đề. Chế ở đây là công bố, thuyết trình chế độ chính sách, pháp luật, phép tắc vua ban.
+ Viết một tờ Biểu theo đề. Biểu ở đây là văn bản của quan chức dâng lên cho vua xem.

Kỳ thi này Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên, Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp, hai người sau đều là bậc danh thần.

Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi
Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi

Đến năm Giáp Tý (1396), thể lệ thi thay đổi:

– Lượt 1 thi kinh nghĩa

– Lượt 2 thi thơ Đường luật

– Lượt 3 làm một bài phú, thể “ly tao” hoặc “văn tuyển”; viết một tờ Chiếu dùng Hán văn (thể văn của thời Hán); một bài Biểu dung thể “tứ lục”

– Lượt 4 thi “văn sách”. Văn sách là bàn về sách lược của tiền nhân, hỏi những điểm khác nhau giữa Ngũ kinh và Tứ thư cùng chính sự xấu, tốt của các đời trước.

(Tham khảo “Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử”, NXB Chính trị quốc gia, 1994, tr.18-23)