Vụ thảm sát Kandahar là sự kiện gây rúng động dư luận Afghanistan và quốc tế trong năm 2012.
3 giờ sáng ngày 11/3/2012, trung sĩ Mỹ Robert Bales (38 tuổi) bất ngờ rời khỏi căn cứ Joint Base Lewis-McChord (JBLM) ở Quận Panjwa, choàng một chiếc áo khoác truyền thống của dân Afghanistan, đi đến 3 ngôi làng gần đó và xả súng vào dân làng khiến 16 người chết và 5 người khác bị thương. Robert Bales quay lại đầu thú ngay sau đó.
Vụ thảm sát khiến công luận phẫn nộ: tất cả nạn nhân đều là dân thường và quá nửa là trẻ em. Quốc hội Afghanistan bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu mở phiên tòa công khai ở Afghanistan, nhưng rồi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo người lính này đã được đưa về Mỹ và sẽ được xét xử theo luật pháp Mỹ. Robert Bales nhân tội trước tòa án quân sự ở Washington, cho biết mình không biết lý do tại sao lại hành động như vậy. Án tuyên cuối cùng là chung thân vì tội giết người (ở Mỹ thành bị cáo thành khẩn nhận tội sẽ được giảm án).
Ngày 15 tháng 3 năm 2012, tổ điều tra từ quốc hội Afghanistan thông báo kết quả khác hẳn với báo cáo của quân đội Mỹ: có tới 20 lính Mỹ và 2 máy bay trực thăng đã tham gia vụ thảm sát này. Các phóng viên của Reuters và The New York Times đã đến tận nơi phỏng vấn một số hàng xóm và người thân của nạn nhân, đa số đều khẳng định nhìn thấy một nhóm binh lính Mỹ đến ngôi làng của họ vào khoảng 2-3 giờ sáng, “Tất cả đều say rượu và bắn khắp nơi,” một người hàng xóm tên là Agha Lala nói. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phát biểu: “Trong 1 gia đình, trẻ em và phụ nữ bị giết trong bốn căn phòng khác nhau, sau đó xác họ bị lôi tới căn phòng còn lại và châm lửa đốt. Đó là điều mà một người đơn độc không thể làm được”. Tuy nhiên chính phủ Mỹ bảo lưu quan điểm chỉ một mình Robert Bales chịu trách nhiệm, do video giám sát chỉ cho thấy 1 mình anh ta rời căn cứ. Video này được coi là bí mật quân sự nên đến nay vẫn chưa công khai.
Chính phủ Mỹ chỉ trả 860.000 đô la cho gia đình các nạn nhân, tức 50.000 đô la cho mỗi người thiệt mạng và 10.000 cho người bị thương. Quân đội Mỹ thông thường chỉ chi 2.500 đô la cho mỗi thường dân thiệt mạng, tức gấp khoảng 7 lần thu nhập trung bình hằng năm của người Afghanistan. Khoản đền bù lớn trong vụ thảm sát tại Kandahar phản ánh mức độ nghiêm trọng đặc biệt của vụ việc, khi nó xảy ra không phải do sơ xuất trong chiến đấu. Viên chức địa phương giải thích đây không phải tiền bồi thường, mà là khoản hỗ trợ của chính phủ Mỹ để giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ. Tuy vậy, một số người đã từ chối nhận tiền và tìm cách trả thù. Một thủ lĩnh bộ lạc ở Kandahar cho biết, việc nhận tiền trong vụ thảm sát này không có nghĩa là họ sẽ tha thứ.
(Ảnh: Một phụ nữ Afghanistan đang chỉ vào xác họ hàng mình, nói với phóng viên: “Họ đã giết chết một đứa bé, đứa bé này là Taliban hay sao? Hãy tin tôi, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một lính Taliban hai tuổi”.)