Audie Leon Murphy, sinh ngày 20 tháng 6 năm 1925, mất ngày 28 tháng 5 năm 1971, nổi tiếng như một “huyền thoại” của quân đội Mỹ trong Thế Chiến thứ 2, được trao tặng tất cả huân chương của Lục quân hoa Kỳ, cùng với một số huân chương khác của Pháp và Bỉ. Có thể nói, ông là một anh hùng, không chỉ vì thành tích chiến đấu, mà còn vì nghị lực vượt qua bản thân sau thời chiến của mình.
Khi mới 16 tuổi, cao chừng 1,65 mét và nặng chỉ 45 kg, thanh niên trẻ tuổi Murphy đã đăng ký tham gia Thủy quân lục chiến Mỹ vì muốn dâng hiến hết khả năng của mình nhằm phục vụ đất nước. Đơn vị tuyển quân đã thẳng thừng từ chối, cho rằng cậu nhóc này không đủ thể lực để đảm đương bất cứ vai trò nào.
Dù thất vọng, Murphy tiếp tục đăng ký với hải quân Mỹ và dĩ nhiên họ cũng lắc đầu. Cuối cùng phải nhờ chị gái làm giả giấy tờ để thêm 1 tuổi, Murphy mới được lục quân nhận làm…..đầu bếp. Cậu nhóc chống đối quyết liệt và đòi được tham chiến. Tính thực dụng đã thắng thế: đơn vị cần một người hứng đạn nhiệt tình đi tiên phong, hơn là thêm một tay nấu bếp hậu cần. Đó là tháng 2/1943.
Vào thời điểm diễn ra sự kiện ở thị trấn Holtzwihr (Pháp), cậu nhóc Murphy xưa kia đã trở thành đại đội trưởng ở tuổi 19, với 2 huân chương Sao bạc và 1 Thập tự lục quân loại xuất sắc. Đơn vị của Murphy được lệnh canh giữ một con đường quan trọng gần bìa rừng. Trời tuyết rơi và gió rét khiến cả đại đội co ro trong những công sự sơ sài. Thế rồi lúc 2h chiều, họ bị tấn công bởi một lực lượng áp đảo. 250 lính Đức và 6 xe tăng Tiger.
Những gì Murphy có chỉ là một đại đội thiếu (40 lính), 2 pháo chống tăng tự hành M-10. Rất nhanh chóng cả 2 pháo M-10 bị bắn hỏng, đại đội B chỉ còn lại 19 người. Murphy ra lệnh tất cả rút vào rừng, còn bản thân ở nguyên vị trí, vừa dùng điện đài gọi pháo binh hỗ trợ, vừa bắn tỉa bằng khẩu carbine M1 của mình. Lính Đức tập trung hỏa lực vào ổ đề kháng cuối cùng này nhưng không sao dập tắt được nó. Các xe tăng Tiger bị pháo bắn rát cũng không dám tiến lên nữa.
Khi hết đạn, Murphy leo lên nóc pháo M-10 (đang bốc cháy nhưng chưa nổ), tiếp tục xả đạn từ khẩu Browning M2 gắn sẵn vào các toán lính Đức, dĩ nhiên trong hoàn cảnh đạn vãi như mưa ngược vào vị trí mình, rồi nhảy khỏi đó ngay trước khi nó nổ tung. Đi tập tễnh do vết thương ở chân, Murphy chỉ huy 19 người còn lại phản công chiếm lại trận địa. Cuối cùng sau hơn 1 tiếng giao tranh, quân Đức phải rút lui. Ước tính thương vong do một mình Murphy gây ra ít nhất cũng hơn 50 lính Đức.
Đại úy Audie Murphy đã được trao tặng tất cả huân chương của Lục quân Mỹ, một Huân chương Danh dự và một số huân chương khác của Pháp và Bỉ.
Sau chiến tranh, trở về nước Audie Murphy được mời đóng vai diễn chính cho bộ phim về chiến tích của mình. Điều đặc biệt ở đây là dù các chiến tích ấy được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ chính thức của quân đội, Murphy đã phải cắt bỏ hoặc giảm mức độ ác liệt của cảnh quay, vì sợ khán giả sẽ cho rằng đây là phim giả tưởng.
Hoạt động nghệ thuật
Trong 21 năm, từ 1948 tới 1969, ông đi theo nghiệp diễn viên. Ông tham gia đóng nhiều bộ phim, trong đó có bộ Bad Boy (1949) là lần đầu tiên ông đóng vai chính, và To Hell And Back (1955) – một bộ phim được chuyển thể từ cuốn hồi kí do ông viết, và trong bộ phim này, Murphy đã đóng vai chính mình. Cũng nhờ nghề này mà Murphy đã gặp được Wanda Hendrix – người vợ đầu của ông. Tới đầu những năm 60, ông tham gia vào ba tập của chương trình TV The Big Picture. Ông cũng có viết một số bài thơ, hồi ký cũng như bài hát.
Năm 1971, ngày 26 tháng 5, Murphy mất do một tai nạn máy bay. Chiếc máy bay khi bay qua vùng gần Catawba, bang Virginia, trong điều kiện mưa, mây và tầm nhìn bằng không. Chiếc máy bay đâm vào núi Brush, và tất cả hành khánh lẫn phi công đều thiệt mạng. Người vợ thứ hai của ông sau đó chuyển sang sống trong một căn hộ nhỏ và làm việc cho một bệnh viện suốt 35 năm tiếp theo.
Ông được an táng ở Nghĩa trang quốc gia Arlington, vào 7/6/1971. Trong đám tang của ông, có đại sứ Mĩ tại Liên Hiệp Quốc George H. W. Bush, Tham mưu trưởng của lục quân William Westmoreland cùng nhiều cựu thành viên của Đơn vị 3.