Trang chủ Nhân vật lịch sử Hồ sơ một “huyền thoại tình báo” Nguyễn Văn Thiệu – Sử...

Hồ sơ một “huyền thoại tình báo” Nguyễn Văn Thiệu – Sử giả tưởng, hư cấu

Điều quan trọng phải đưa lên đầu bài: Truyện giả tưởng – ai tin ráng chịu

—–

Trung tướng QĐND VN THIẾU VĂN NGUYỆN, bí danh Sáu Thiệu sinh năm 1923 tại Phan Rang, Tháp Chàm.

1. TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Từ nhỏ, ý thức được chính sách ngu dân của thực dân Pháp, ông sớm tập trung vào tu dưỡng học tập. Sau khi kết thúc lớp Đệ tứ, ông theo học trường Kỹ thuật Đỗ Hữu Vị tại Sài Gòn, sau là trường Pellerin tại Huế.

Trong những năm Nhật chiếm đóng Đông Dương, ông từ chối sự mời gọi của chính quyền thuộc địa, trở về quê làm nông.

Tháng 3/1945, tận mắt chứng kiến trận ném bom của Mỹ tại Phan Rang giết chết hàng trăm đồng bào vô tội, ông đã nhận rõ sự tàn bạo của các lực lượng đế quốc, thực dân. Ông gia nhập tổ chức Thanh niên Tiền Phong do đồng chí Phạm Ngọc Thạch thành lập vào tháng 4/1945.

2. SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8

Tháng 8/1945, cùng với Thanh niên Tiền phong, ông tham gia giành chính quyền tại Phan Rang, chính thức đứng dưới cờ Việt Minh. Do có trình độ, ông được cử tham gia lãnh đạo trong chính quyền Việt Minh cấp huyện.

Đầu năm 1946, phát hiện âm mưu của Pháp thành lập Nam Kỳ Tự trị, đồng chí Phạm Hùng (Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ) đã chủ động nghĩ đến việc cài người vào chính quyền bù nhìn này.

Với sự giới thiệu của Phạm Ngọc Thạch, Phạm Hùng đã tìm gặp và giao cho Thiếu Văn Nguyện một nhiệm vụ đặc biệt: xây dựng vỏ bọc dân tộc chủ nghĩa, xâm nhập đơn tuyến vào chính phủ bù nhìn, chui sâu leo cao phá hủy tiềm lực ngụy quyền. Phương châm là: kiên trì, chủ động, độc lập, sáng tạo. Đồng chí Nguyện được chọn vì nhiều lý do: yêu nước nồng nàn, là dân Tây học có trình độ, thâm trầm, mưu lược, chưa tham gia sâu vào tổ chức Việt Minh…

Để xây dựng vỏ bọc, Thiếu Văn Nguyện tỏ ra bất mãn về cái chết của các thành phần không Việt Minh như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Tạ Thu Thâu…, nhanh chóng tạo sự nghi ngờ cho Việt Minh địa phương. Ông chạy trốn vào Sài Gòn, và được thu xếp để Việt Minh kết án tử hình vắng mặt.

3. THỜI QUỐC GIA VIỆT NAM

Do chưa tìm ngay được chỗ đứng trong chính quyền bù nhìn, ông tiếp tục học tại trường Hàng hải Dân sự với tên mới Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1948, khi thực dân Pháp bắt đầu áp dụng biện pháp ‘dùng người Việt đánh người Việt’, thấy thời cơ xâm nhập ngụy quyền đã mở, ông mau mắn ra nhập quân đội Liên hiệp Pháp, và ghi danh vào khóa đầu trường Võ bị Huế tại Đập Đá.

Sau đó, ông được Pháp điều tham gia các khóa học tại trường Liên quân võ bị Saint Cyr, khóa học Chỉ huy Chiến thuật, khóa học Tiểu đoàn trưởng và Liên đoàn lưu động. Đến năm 1954, ông là Thiếu tá trong quân đội Bảo Đại. Trong các trận đánh với Việt Minh, đặc biệt tại quê cũ Thanh Hải, ông tỏ ra rất tích cực xông xáo chỉ huy. Cũng thời gian này, ông kết hôn và cải đạo sang Công giáo. Do vậy, vỏ bọc của ông dưới con mắt của phe quốc gia ngày càng chắc chắn.

4. THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA

Năm 1956, đồng chí Phạm Xuân Ẩn (tình báo chiến lược) bí mật nhận nhiệm vụ đưa Nguyễn Văn Thiệu vào danh sách sĩ quan triển vọng cho Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ. Do vậy, từ sau năm 1957, ông được Mỹ cử đi học các khóa Chỉ huy- Tham mưu, Tình báo- Tác chiến, và Phòng không tại Mỹ và Nhật. Ông lần lượt giữ các chức vụ Chỉ huy trưởng Võ bị Đà Lạt, Tham mưu trưởng Hành quân của Bộ Tổng tham mưu, rồi Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh. Sau khi gia nhập đảng Cần lao, ông được Tổng thống Ngô Đình Diệm thăng Đại tá, giao làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh tại Biên Hòa, cận vệ cho Sài Gòn.

Năm 1963, ông nhận mật lệnh của Trung ương Cục Miền Nam tham gia đảo chính Diệm do Mỹ chỉ đạo và Dương Văn Minh cầm đầu. Ông đã chỉ huy Sư đoàn 5 làm chủ công hạ thành Cộng hòa. Chế độ Diệm sụp đổ, và ông được chính quyền Sài Gòn thăng Thiếu tướng vì công trạng này.

5. SAU ĐẢO CHÍNH 1963

Vừa để ghi điểm với Mỹ, vừa phá hoại sự ổn định của chính quyền Sài Gòn, ông đã tham gia tất cả các cuộc đảo chính và phản đảo chính do Mỹ chỉ đạo tại Sài Gòn. Ông được thăng đến Trung tướng.

Đến năm 1965, ông đã được Mỹ tin cậy hoàn toàn trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, tức Quốc trưởng.

Cũng năm 1965, ông được đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Sài Gòn- Gia Định) giao nhiệm vụ bí mật bảo vệ Đại tá Phạm Ngọc Thảo đang bị Mỹ truy lùng ráo riết. Tháng 7/1965, lực lượng an ninh quân đội do ông cử đi đã giả báo cáo thủ tiêu được Phạm Ngọc Thảo tại Biên Hòa rồi bỏ đi, nhưng do sơ suất đã để nhóm khác do Nguyễn Ngọc Loan cầm đầu đến bắt lại rồi thủ tiêu.

6. THỜI ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA

Năm 1967, do thấy điều kiện chín muồi, Trung ương Cục giao cho ông nhiệm vụ nắm vị trí Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thông qua bầu cử. Ông khôn khéo chứng tỏ với Mỹ về tầm chính trị vượt trội của mình so với Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, một nhân vật chống Cộng rất tích cực nhưng bốc đồng, để trở thành ứng cử viên của quân đội, và đã trúng cử. Kể từ đây, đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Thiệu cho sự nghiệp Cách mạng mới thực sự thăng hoa.

Trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968, ông bác bỏ yêu cầu của Mỹ về hủy ngừng bắn hoàn toàn, nhằm tạo điều kiện cho Quân Giải phóng có thời gian chuẩn bị. Ông kiên quyết cho 50% lính Sài Gòn nghỉ Tết dù Mỹ phản đối thông qua Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên. Ông mật báo về kế hoạch hủy ngừng bắn một phần của Mỹ vào ngày 29/1, giúp Bộ Chính trị kịp thời điều chỉnh giờ tấn công sớm hơn. Do biết trước Dinh Độc lập là mục tiêu, ông đã về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết. Trong giai đoạn đầu cuộc chiến Huế, ông yêu cầu Mỹ không dùng hỏa lực mạnh với lý do bảo vệ di tích, thực chất là có thời gian cho Quân Giải phóng củng cố trận địa.

Trong bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 1968, ông đi đêm với đặc phái viên Anna Chennault của Nixon, làm bế tắc dự kiến hòa đàm Paris giả hiệu của Johnson. Qua đó, ông đã góp phần gạt bỏ được nội các chiến tranh của Johnson- Humphrey khỏi Nhà trắng, giúp Nixon trúng cử với cương lĩnh ‘hòa bình trong danh dự’, đưa hòa đàm Paris đi vào giai đoạn mới thực chất hơn.

Là Tổng thống, ông công khai đưa Cụm tình báo A22 của Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng vào Dinh Độc lập làm cố vấn, để có thể dễ dàng chuyển tin tình báo chiến lược về Hà Nội. Năm 1969, khi A22 bị CIA phát hiện, ông từ chối đối chất và cung cấp thông tin làm tòa án Sài Gòn bất lực trong việc kết tội nặng cho nhóm. Tỉnh trưởng Côn Đảo bị ông thay thế bằng tay chân thân tín nhằm đảm bảo an toàn cho đồng chí Vũ Ngọc Nhạ và đồng đội bị giam ở đây.

Với quân đội và chính quyền Sài Gòn, ông làm suy yếu dần dần bằng cách để mặc cho tình trạng tham nhũng tràn lan. Trong môi trường đó, ông đã cùng với vợ và sĩ quan thân tín tổ chức chuyển hàng viện trợ của Mỹ cho Sài Gòn ra vùng giải phóng dưới chiêu bài buôn lậu.

Năm 1971, khi Mỹ thúc ép thực hiện chiến dịch Lam Sơn 719, ông đã chỉ đạo quân đội Sài Gòn đánh chiếu lệ ‘đến Tchepone tè một bãi rồi về’, bước đầu làm phá sản chiến lược ‘Việt Nam hóa chiến tranh’ của Mỹ.

Năm 1972, dù được Mỹ chi viện hỏa lực khổng lồ, song quân đội Sài Gòn vẫn không tổ chức tái chiếm Lộc Ninh để Chính phủ Cách mạng lấy làm thủ đô lâm thời, cũng như rất chậm chễ trong việc tái chiếm Quảng Trị làm hỏng con bài đàm phán của Mỹ tại hòa đàm Paris. Những thành công này của Quân Giải phóng có đóng góp lớn của ông với những điều tiết sơ hở có tính toán trong vai trò Tổng tư lệnh quân đội Sài Gòn.

Nắm vững chỉ đạo chiến lược của Hồ Chủ tịch rằng ‘Mỹ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội’, ông đã đẩy Mỹ đến nước cờ cuối phải sử dụng B52 trong chiến dịch Linebacker II, bằng cách giả từ chối dự thảo hiệp định Paris. Trước đó, ông được tin mật báo rằng không quân đã hoàn thành lưới lửa phòng không đón lõng B52 tại miền Bắc. Thất bại ở trận Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ chấp nhận ký hiệp định Paris rút quân về nước. Dù hiệp định này hoàn toàn bất lợi cho chính quyền Sài Gòn, ông đã ký mà không hề gây ra bất kỳ nghi ngờ nào từ phía Mỹ.

Năm 1973, ngay sau hiệp định Paris, ông chỉ đạo quân đội Sài Gòn chủ động thi hành chiến dịch ‘Tràn ngập lãnh thổ’, chủ ý vi phạm hiệp định, nhằm có cớ cho Quân Giải phóng công khai quay trở lại thế tiến công.

7. NĂM 1975

Đây là năm đồng chí Nguyễn Văn Thiệu lập được những chiến công xuất sắc nhất. Theo cựu tình báo CIA Merle Pribenow đã nhận xét, quân đội Sài Gòn năm 1975 không hề là hổ giấy, và Quân Giải phóng vẫn gặp vô vàn khó khăn về hậu cần. Tuy nhiên với những chỉ đạo kín đáo che mắt CIA, bằng việc trực tiếp ra lệnh miệng cho các tư lệnh quân đoàn và sư đoàn không thông qua Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, ông đã vạch kế hoạch sụp đổ không thể đảo ngược cho chế độ Sài Gòn với việc lần lượt từ bỏ Phước Long, Tây Nguyên, rồi Vùng 1.

Tháng 3/1975, nhằm đánh gục ý chí quay lại Việt Nam của Mỹ, ông đã cử đồng chí Đinh Văn Đệ, tình báo của ta, trong vai trò Trưởng đoàn Quốc hội Việt Nam Cộng hòa sang Mỹ xin hỗ trợ. Tại đây, đồng chí Đệ đã khéo léo mô tả tình hình tuyệt vọng của Sài Gòn, dẫn tới sự nghi hoặc lớn trong Quốc hội Mỹ về lợi ích của việc tiếp tục theo đuổi chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông đã phần nào bị ảnh hưởng khi Mỹ cử Tham mưu trưởng lục quân Weyend sang chỉ đạo xây dựng phòng tuyến Phan Rang và Xuân Lộc, làm chậm lại bước tiến của Quân Giải phóng.

Ngày 8/4, phi công Nguyễn Thành Trung, cũng là tình báo của ta, được lệnh cướp máy bay ném bom gây hoang mang đầu não Sài Gòn, nhưng tuyệt đối phải bảo đảm an toàn cho Nguyễn Văn Thiệu. Do vậy trong 4 quả bom đã sử dụng, chỉ một quả ném vào Dinh Độc lập ở vị trí đánh dấu từ trước, và dĩ nhiên gây ra thiệt hại không đáng kể.

Tại Xuân Lộc, sau khi không quân Sài Gòn bất ngờ sử dụng bom Daisy Cutter gây thiệt hại nặng cho Quân Giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu lập tức cấm dùng tiếp bom này trừ khi có lệnh của ông, với cớ đề phòng đảo chính như vụ Nguyễn Thành Trung. Qua đó đã góp phần hạn chế sự hy sinh của đồng đội, đẩy nhanh sự suy sụp của phòng tuyến Xuân Lộc.

Sau chiến thắng Xuân Lộc của Quân Giải phóng, đồng chí Vũ Ngọc Nhạ truyền đạt chỉ thị mới của cấp trên đến ông, tìm cách ra nước ngoài để chuẩn bị cho công tác tình báo hải ngoại trong những năm tiếp theo. Do vậy, ông đã từ chức, để dần bàn giao chức vụ tổng thống tới tay Dương Văn Minh, cũng là cảm tình của ta, chuẩn bị cho việc đầu hàng của Sài Gòn. Trong diễn văn từ chức, ông giả giọng bất mãn nhằm vạch trần sự phi nghĩa của bộ đôi Mỹ- Việt Nam Cộng hòa trước công luận thế giới. Việc ông từ chức kịp thời cũng đã làm thất bại âm mưu của Mỹ chuyển 16 tấn vàng dự trữ của Sài Gòn ra nước ngoài.

8. TÌNH BÁO HẢI NGOẠI

Sau vài năm lặng tiếng ở Đài Bắc và London, ông quay trở lại hoạt động. Trong các chuyến di chuyển giữa Mỹ và châu Âu, ông đã mật cung cấp cho đại diện của ta ở Paris những thông tin về các tài khoản còn lại của Sài Gòn ở nước ngoài, đặc biệt là 5,7 tấn vàng trong ngân hàng tại Thụy Sĩ, giúp ta thu hồi giải quyết được một phần khó khăn kinh tế trong nước.

Năm 1990, khi các nhóm chống Cộng đẩy mạnh hoạt động chống phá nhà nước sau sự sụp đổ của khối XHCN Đông Âu, ông đóng vai tái xuất thành lập ‘Tổ chức vận động dân chủ và tái thiết Việt Nam’, nhằm phân hóa và phá hoại các hoạt động chống phá này. Đây cũng là chiến công cuối cùng của ông.

Ông mất năm 2001 tại Mỹ.

9. PHÁT NGÔN:

Với vỏ bọc là Tổng thống của chế độ Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Văn Thiệu đã có những câu nói để đời vạch rõ bản chất tay sai bù nhìn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn và bản chất đế quốc của Mỹ:
– Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng !
– Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập !
– Nếu họ (Hoa Kỳ) muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ việc đổ cho Việt Cộng hoặc là do âm mưu đảo chính.
– Họ (Hoa Kỳ) đã đâm sau lưng chúng tôi.
– Hoa Kỳ là một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo.

10. VINH DANH- KHEN THƯỞNG

Với những thành tích vô cùng đặc biệt và xuất sắc, ông đã được Nhà nước trao tặng rất nhiều phần thưởng cao quý và truy phong chức vụ …..(đã bị bôi đen vì lý do bảo mật).

Sổ lưu bút về ông được các đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương ghi nhiều dòng vinh danh trang trọng: “nhà tình báo lỗi lạc nhất”, “hoạt động lâu năm nhất”, “nhà tình báo 20 nghìn ngày”, “leo cao nhất trong lịnh sử tình báo mọi thời đại”, “kính Chúa yêu nước”…

Do hoàn cảnh công tác vô cùng đặc biệt, ông chưa từng được kết nạp vào Đảng, là điều đáng tiếc.

Toàn bộ hồ sơ giấy tờ về ông được đóng dấu Tuyệt Mật, và được Tổng cục tình báo cho thiêu hủy ngay sau khi hoàn thành việc số hóa. Dữ liệu điện tử của nó đã được chuyển về X – máy chủ “không tồn tại”, theo đồn đại thì là nơi lưu giữ mọi tài liệu mật cấp quốc gia (được số hóa) của Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Chỉ có 6 người đủ quyền hạn tiếp cận thông tin trên máy chủ này.

11. BÀI HỌC

Dù có thành tích xuất sắc, đồng chí vẫn mắc một số sai lầm, cần được các thế hệ tình báo tiếp theo nghiên cứu rút kinh nghiệm. Đó là các bài học như:
– Thất bại trong việc hạn chế Mỹ trong các vấn đề: đổ quân vào Việt Nam, rải chất da cam, thi hành chiến dịch Phượng Hoàng, can thiệp dừng phi vụ tái chiếm Hoàng Sa…
– Sơ hở trong một số hành động như: dùng cờ Thanh niên Tiền phong làm đảng kỳ Dân chủ, quan hệ với CIA Kim Anh Cynos, dàn dựng vụ bắn nhầm Nguyễn Ngọc Loan trả thù cho đồng đội…

12. KẾT LUẬN

Dù lịch sử có sang trang, nhưng Anh hùng Trung tướng THIẾU VĂN NGUYỆN sẽ mãi đi vào sử sách như là nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời đại, không chỉ tại Việt Nam, mà có lẽ còn trên phạm vi toàn cầu.
—–

(P/s: Thành thật xin lỗi về những sự trùng lặp vô tình với người thật hay việc thật.)