Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày 28/3/1971 – Trận tập kích của lực lượng đặc công vào...

Ngày 28/3/1971 – Trận tập kích của lực lượng đặc công vào căn cứ FSB Mary Ann

Cứ điểm đồi Mun Luốk đổ nát sau cuộc tấn công của Quân Giải phóng.
Cứ điểm đồi Mun Luốk đổ nát sau cuộc tấn công của Quân Giải phóng.

Trong hoạt động quân sự tại tỉnh Quảng Tín (*), Mỹ rất muốn xây dựng tại đây một cứ điểm quân sự vừa khống chế tuyến giao thông của Quân Giải phóng tại hai huyện Trà My, Tiên Phước và một vùng rộng lớn ở miền tây đất Quảng, kiểm soát và bịt kín các cửa ngõ nhằm triệt tiêu nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí từ miền xuôi lên vùng giải phóng và ngược lại; ngăn chặn con đường tiếp vận Bắc-Nam của cách mạng, lại vừa làm tiền đồn bảo vệ từ xa cho sườn tây nam Khu liên hợp quân sự Chu Lai của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Đầu năm 1970, sau khi thực hiện nhiều đợt hành quân càn quét, Mỹ đã đổ quân xuống đồi Mun Luốk để xây dựng một cứ điểm hỗ trợ hỏa lực. Đỉnh đồi Mun Luốk cao hơn khu vực chung quanh, khá rộng và bằng phẳng, có hai mỏm cao gần bằng nhau, ở giữa võng xuống trông như hình yên ngựa, nên dân địa phương cũng gọi là đồi Yên Ngựa.

Quân đội Mỹ chụp ảnh tại Cứ điểm đồi Mun Luốk.
Quân đội Mỹ chụp ảnh tại Cứ điểm đồi Mun Luốk.

Người Việt Nam gọi đây là Cứ điểm đồi Mun Luốk, còn phía Mỹ gọi tên vị trí này là Cứ điểm Hỗ trợ hỏa lực Mary Ann (Fire Support Base Mary Ann, viết tắt là FSB Mary Ann).

Cứ điểm đồi Mun Luốk có sân bay dã chiến, trận địa pháo tầm xa, trụ sở đặt hệ thống liên lạc và máy móc kiểm soát có tầm bán kính rộng. Bao quanh cứ điểm là hệ thống công sự được xây dựng kiên cố với cả hầm nổi và hầm ngầm.

Bên ngoài được rào kín bằng 5 lớp dây kẽm gai và cài mìn dày đặc. Ban đêm, cứ điểm có hệ thống đèn pha để quét sáng chung quanh nhằm phát hiện mọi sự đột nhập từ xa. Hỗ trợ cho cứ điểm này còn có hai trận địa pháo 105mm và 155mm đặt ở Phước Lâm và Tiên Phước; đồng thời máy bay trinh sát, cường kích và trực thăng vũ trang từ căn cứ Chu Lai sẵn sàng cất cánh chi viện 24/24 giờ.

Theo nguồn Mỹ, ít nhất 50 bộ đội đặc công đã tập kích Căn cứ yểm trợ hỏa lực (FSB) vào rạng sáng ngày 28/3/1971, nơi có 231 lính Mỹ và 21 lính VNCH đóng giữ.

2 giờ sáng, đèn rọi quét khắp các khu vực dưới căn cứ nhưng không phát hiện ra điều gì, lính trực tắt đèn và về lô cốt ngủ. Khoảng 10 phút sau, các chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công 409 chia làm 4 hướng cắt dây thép gai từ từ tiến vào trong im lặng. Họ bôi bồ hóng đen khắp người, chỉ mặc quần đùi và được trang bị AK-47, RPG-7, lựu đạn cùng bộc phá.

Khoảng thời gian từ đó đến sáng sớm là ác mộng thực sự của tất cả lính Mỹ và VNCH trong căn cứ. Một đợt tấn công bằng súng cối 82 mm – tín hiệu mở màn – đã che giấu các hoạt động của đặc công. Người Mỹ chỉ nhận ra bị xâm nhập khi giáp mặt trực tiếp với đối phương.

Trung tá Doyle, chỉ huy trưởng căn cứ vừa ló mặt ra cửa lô cốt thì thấy 1 quả lựu đạn ném tới, rơi trước mặt. Bằng tốc độ nhanh nhất kể từ khi được sinh ra, Doyle lủi vào góc trong và bị áp lực nổ thổi bay xuống cầu thang. Lồm cồm bò dậy, viên Trung tá thấy cấp dưới Edward McKay, sĩ quan trực đêm đang ôm đầu co ro trong một góc, vừa nói vừa khóc nức nở: “Tất cả chúng ta sẽ chết”. Doyle lao đến tát mạnh vào mặt McKay, quát “Câm mồm, trung úy”.

Hầu hết lính Mỹ đều nấp trong lô cốt chứ không dám ra ngoài, chỉ có tổ trực súng đại liên là bắn trả đến khi hết đạn. Do lỗi liên lạc, chỉ có 1 trực thăng UH-1 đến bắn yểm trợ vì sở chỉ huy sư đoàn 23 (Mỹ) tin rằng căn cứ chỉ bị nã pháo mà thôi.

Đến sáng, lực lượng đặc công rút đi, để lại 15 thi thể. Mỹ có 33 người chết và 83 người bị thương, lính VNCH nấp kín trong lô cốt nên không chịu thiệt hại gì. Hai khẩu pháo 155 mm cùng rất nhiều quân nhu bị phá hủy, nhiều lô cốt sập do bộc phá hoặc đạn cối.

Các hậu quả của vụ tập kích là căn cứ bị đóng cửa và bỏ hoang ngày 24 tháng 4 năm 1971. Do thiệt hại quá nghiêm trọng, các sĩ quan cấp cao cũng dính kỷ luật. Thiếu tướng James Baldwin, Tư lệnh sư đoàn Bộ binh 23 bị cách chức, nhận thư cảnh cáo và cho về hưu năm sau. Đại tá William S. Hathaway bị gạch tên vĩnh viễn khỏi danh sách thăng cấp, còn trung tá Doyle bị khiển trách và cũng không bao giờ được lên lon nữa.

(*) Quảng Tín là một tỉnh cũ của Việt Nam Cộng Hòa, ở ven biển Trung Trung Bộ, Việt Nam. Quảng Tín phía bắc giám Quảng Nam, phía đông giáp Biển Đông, phía nam giáp Quảng Ngãi và Kontum còn phía tây giáp Lào. Từ năm 1976, tỉnh Quảng Tín được hợp nhất với Quảng Nam và Đà Nẵng, trở thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Nguồn:
– History.net
– Nolan, Keith (1995). “Sappers in the Wire: The Life and Death of Firebase Mary Ann.”
– Stanton, Shelby (1985). “The Rise and Fall of an American Army: U.S. Ground Forces in Vietnam, 1963-1973”
– Fulghum, David (1984). “The Vietnam Experience: South Vietnam on Trial (Mid-1970 to 1972)”