Để đương đầu với đội quân hết sức đông đảo, trang bị hiện đại của Mỹ và đồng minh, bộ đội và du kích Việt Nam đã sáng tạo ra rất nhiều cạm bẫy, có loại thô sơ, có loại tinh xảo, có loại tiêu diệt nhưng cũng có loại bẫy chỉ nhằm mục đích gây sát thương buộc đối phương rút lui. Người Mỹ cũng có một số loại bẫy, tuy ít hơn về số lượng nhưng rất tinh vi. Diễn đàn Lịch Sử Việt Nam xin tổng hợp các loại bẫy đã đăng lên fan page LSVN từ trước tới nay.
I. BẪY BÌNH NƯỚC
Bình đựng nước của Mỹ được du kích nhồi thuốc nổ và gắn kíp vào bên trong, đổ nước vào rồi khéo léo vặn nắp để khớp với kíp. Cầm trên tay, nó không khác gì một bình nước thông thường, lắc còn nghe được tiếng nước óc ách. Nhưng khi vặn nắp ra là sẽ nổ. Bẫy này thường được bỏ lại trong căn cứ, hay đặt vào xác lính Mỹ và đồng minh lúc giao tranh. Mỗi người lính khi đó đeo vài bình nước là chuyện bình thường, nên rất khó phát hiện ra loại bẫy này.
II. BẪY GẠO (RICE TRAP)
Quả lựu đạn M2 của Mỹ được lèn chặt trong bao gạo, chốt nối với quai xách. Nếu ôm cả bao gạo lên thì không sao, nhưng nắm quai xách để nhấc lên là sẽ rút chốt lựu đạn mà không hề hay biết (do không phát ra âm thanh). Những bẫy lựu đạn loại này thường được đặt trong căn cứ mà du kích bỏ lại.
III. BẪY ĐẠN
Một viên đạn được thả vào ống tre nhỏ hay bìa cứng cuộn lại, đáy đặt một cây đinh tì vào hạt nổ, chỉ hơi nhô đầu đạn lên. Khi dẫm phải, bẫy sẽ bị sẽ kích nổ do đinh lúc này đóng vai trò kim hỏa. Đây là một trong những loại bẫy được quân đội Mỹ đánh giá là khó chịu nhất ở Việt Nam do rẻ, khó phát hiện, dễ chế tạo và bố trí số lượng lớn.
Có 2 loại đạn được dùng phổ biến trong loại bẫy này là đạn súng trường như M-16 và đạn súng săn (shotgun).
IV. BẪY ĐẠN B40
Hình chúng ta đang nhìn là từ tài liệu của quân đội Australia. Bẫy gồm 1 đầu đạn B40 lắp liều phóng cắm vào ống tre rỗng, ở đuôi có một ngòi điện nối với dây dẫn. Ống tre sau khi căn chỉnh góc và hướng ngắm, sẽ được gắn cố định xuống đất hay 1 vị trí nào đó, và được ngụy trang như một bụi cây vô hại. Dây điện được dòng đến 1 nơi đủ xa để đảm bảo an toàn và có tầm nhìn tốt, tại chỗ nấp ấy thì du kích chỉ việc ngồi ôm bộ kích nổ và chờ thời cơ mà thôi.
Loại bẫy này có 4 đặc điểm chính:
– Dễ dùng! Nó thường được bố trí ở những đoạn đường cong, xe cộ bất kể loại nào đến đó muốn rẽ bắt buộc phải giảm tốc, do vậy người điều khiển dễ dàng tính toán để kích hoạt bắn.
– Chọn mục tiêu. Do có người điều khiển nên loại trừ được thương vong dân sự như mìn hay bẫy thường. Thậm chí trong 1 đoàn xe quân sự, có thể chọn ra mục tiêu có giá trị cao nhất để đánh, chẳng hạn xe chở sĩ quan.
– An toàn cao. Liều phóng B40 có nhược điểm khi bắn phun ra khói rất đặc trưng, nên thường gây nguy hiểm do làm lộ vị trí xạ thủ. Ở trường hợp này thì điều đó lại là ưu điểm. Trong lúc lính Mỹ và đồng minh xả đạn như mưa vào nơi có khói tỏa ra thì du kích ở chỗ nấp chỉ việc cắt dây và ôm bộ kích nổ rời đi.
– Đây cũng là loại bẫy thuộc diện khó phát hiện nhất, vì trong khoảng 150 m hai bên vệ đường đều có thể bố trí nó. Hơn nữa khác với mìn hay lựu đạn gài, bẫy B40 không thể gỡ được (du kích quan sát thấy bị lộ là kích hoạt luôn, bắn trượt cũng đủ dọa đối phương). Một người có thể điều khiển nhiều bẫy, tạo cảm giác bị số đông phục kích (vì thông thường mỗi tiểu đội quân Giải phóng sẽ có một người trang bị B40).
V. BẪY KÉP CHÔNG-LỰU ĐẠN
Lon Coca Cola rỗng được nhét vào một quả lựu đạn, kíp nổ gắn với một mũi chông sắt có ngạnh. Khi dẫm phải bẫy này mà nhấc chân lên, thì ngạnh vướng vào sẽ kéo mũi chông nhích theo và kích nổ lựu đạn.
VI. BẪY BẬT LỬA
Bật lửa Zippo rất phổ biến trong chiến tranh Việt Nam, thời đó hầu hết lính Mỹ đều hút thuốc lá nên nhu cầu bật lửa rất lớn. Vì vậy các du kích ở miền Nam đã rút nhiên liệu ra và nhồi thuốc nổ mạnh vào một số bật lửa này. Rất khó phân biệt vì cầm trên tay nó nặng y như một chiếc Zippo bình thường.
Loại bẫy này không gây chết người. Khi bạn bật lên, tay cầm bật lửa sẽ bị thổi bay (cả 2 tay nếu có thói quen che gió lúc châm thuốc) còn mặt mũi bạn thì sẽ cần một bác sĩ thẩm mỹ giỏi.
Stanley Adams, lính thông tin của sư đoàn dù 101 Mỹ là người đã mua hai chiếc bật lửa Zippo bên ngoài căn cứ Camp Eagle, phía Đông Nam thành phố Huế về làm kỷ niệm. Ông gửi một chiếc cho người quen, người này lại không hút thuốc nên giữ nó suốt 20 năm cho đến khi phát hiện đây là bẫy (đã được cho nổ một cách vô hại). Chiếc còn lại được gửi cho bảo tàng Quân đội tại Fort Campbell.
(Dòng chữ trên bật lửa: “Giết chóc để gìn giữ hoà bình giống như làm tình để giữ trinh)
VII. BẪY CHÔNG TREO
Ảnh chụp ngày 22/11/1967, cục chông về sau đem đi cân được hơn 18 kg, lính Mỹ khi dẫm phải dây bẫy sẽ khiến nó quật xuống từ chỗ treo, giống như con lắc đồng hồ vậy.
Phải cực kỳ nhanh mới có thể né được bẫy này trong rừng nhiều cây cối, khuất tầm nhìn. Cục chông này càng nặng và treo càng cao thì thế năng và vận tốc càng lớn. Ghi chép đầu tiên về bẫy loại này là ở châu Phi thời xưa, khi người ta sử dụng nó để săn bắt các loài thú lớn.