Trang chủ Nổi bật Kháng Minh Truyền Kỳ ( Phần 2 ) – Kỳ 5 :...

Kháng Minh Truyền Kỳ ( Phần 2 ) – Kỳ 5 : Toan tính và chuẩn bị trước trận Bô Cô

Kỳ 4

Mùa đông năm 1408, cuộc kháng chiến của quân dân Đại Việt bước vào giai đoạn mang tính quyết định. Trong khi Mộc Thạnh cùng các tướng Minh hội quân ở Đông Quan trên 10 vạn thì quân nhà Hậu Trần cũng khẩn trương tập trung lực lượng để đủ sức đương đầu với quân giặc ở những trận chiến quy mô lớn.

Về phía quân Minh, Mộc Thạnh rất mong muốn nhanh chóng đánh bại quân ta trong một trận lớn, để chúng có thể tận dụng tối đa ưu thế về quân số, trình độ chiến đấu của một đội quân chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm. Mộc Thạnh hiểu rằng càng kéo dài thời gian, chúng sẽ càng gặp khó khăn khi mà quân Hậu Trần ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ, hướng ứng của nhân dân khắp cả nước. Đó là một nguồn sức mạnh gần như không bao giờ cạn kiệt và khiến quân giặc rất sợ phải đối đầu. Bởi thế, ngay khi đến Đông Quan, Mộc Thạnh đã gấp rút chuẩn bị một cuộc tấn công tổng lực nhắm thẳng vào căn cứ địa của nhà Hậu Trần.

Cho đến cuối năm 1408, nhà Hậu Trần đã xây dựng được một đội quân chính quy đông hơn 3 vạn quân với đầy đủ trang bị, đầy đủ binh chủng bộ binh, thủy binh, kỵ binh và một đội tượng binh gồm 20 thớt voi. Cùng sát cánh với lực lượng chính quy là lực lượng trợ chiến đông đảo. Tuy nghĩa quân không có số quân chính quy đông như giặc Minh nhưng bù lại, quân ta có thời sự hỗ trợ đắc lực của nhân dân các nơi. Cụ thể, khi được lòng dân ủng hộ nghĩa là quân Hậu Trần luôn có đủ thông tin về quân Minh, trái lại quân giặc luôn mù mờ về tin tức của quân ta. Với lợi thế trong bóng tối nhìn ra ngoài sáng, quân Hậu Trần có thể thoải mái áp dụng các chiến thuật mai phục, tập kích mà không sợ lộ quân cơ. Có được lòng dân, nhà Hậu Trần có được nguồn nhân lực dồi dào để dùng vào các việc xây thành lũy, chuẩn bị chiến trường, vận lương, đóng thuyền, đúc vũ khí…

Các trai tráng trong vùng giải phóng là lực lượng dự bị bổ sung vào quân đội. Song song với việc bắc tiến, nhà Hậu Trần cũng chú trọng xây dựng hậu phương, củng cố lực lượng. Cha con nhà họ Đặng đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khâu. Hóa Châu, Thăng Hoa vốn là đất căn bản của Đặng Tất cung cấp rất nhiều sức người, sức của. Các xưởng đúc vũ khí, chiến thuyền hoạt động nhộn nhịp. Các quan lại, hào phú không tiếc của quyên góp cho nghĩa quân. Với tiềm lực có được và khí thế đang dâng cao, vua tôi nhà Hậu Trần không ngần ngại đối đầu với Mộc Thạnh trong một trận chiến lớn để nhanh chóng khôi phục lại chủ quyền toàn bộ đất nước.

Đại bộ phận chủ lực quân Hậu Trần từ Nghệ An kéo ra đã tập kết ở phủ Kiến Bình (Nam Định) và châu Trường Yên (Ninh Bình). Quốc công Đặng Tất sau khi khảo sát hình thế các nơi, quyết định lựa chọn bến Bô Cô thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Vọng Doanh (nay thuộc Ý Yên, Nam Định) làm địa điểm đón đánh quân Minh. Bến Bô Cô thời bấy giờ là một bến đò nhỏ hoang vắng nối hai bờ sông Lộ Bố (sông Đáy chảy qua Ninh Bình và Nam Định), là điểm tiếp giáp giữa phủ Kiến Bình và châu Trường Yên, lại nằm trên trục đường Thiên lý, vốn là con đường nối liền đất nước từ bắc vào nam. Đây là địa điểm mà gần như chắc chắn quân Minh phải đi qua để tiến quân xuống phía nam, dù cho đi bằng đường bộ hay đường thủy. Xung quanh bến Bô Cô là một vùng đầm lầy hoang vắng với lau sậy mọc um tùm, cùng với hệ thống các con kênh lạc nhỏ dày đặc. Địa hình nơi đây đặc biệt thuận lợi cho việc đặt phục binh quy mô lớn.

Tại khu vực bến Bô Cô, Đặng Tất đã cho điều động quân dân dựng lên một công trình phòng thủ quy mô. Cọc nhọn được cắm dưới lòng sông để làm chướng ngại vật ngăn cản thủy quân giặc. Dọc hai bên bờ đều có chiến lũy kiên cố. Dưới sông có lực lượng thủy quân dưới quyền chỉ huy của Trấn quốc tướng quân Đặng Dung chốt giữ. Thủy quân nhà Hậu Trần không dùng các chiến thuyền lớn mà dùng các loại thuyền nhỏ có sức cơ động cao, thích hợp với lối đánh mai phục. Sau khi bố trí các trận địa, Đặng Tất cho người vào Nghệ An đón vua Giản Định đến đại doanh đặt tại Phúc Thành.

Nửa cuối tháng 12.1408, 10 vạn quân Minh chia hai đường thủy bộ rầm rộ nhằm vào hướng châu Trường Yên mà tiến. Bộ binh quân Minh gồm 8 vạn đi dọc theo đường Thiên Lý. Thủy quân giặc gồm 2 vạn tên xuôi dòng sông Cái (sông Hồng), sông Châu Giang để vào sông Lộ Bố. Mộc Thạnh rất tự tin và nóng lòng tiêu diệt toàn quân ta trong một trận. Ngày 29/12/1408, tiền quân của giặc đã tiến đến gần Bô Cô. Phát hiện ra chiến tuyến kiên cố của quân ta, quân Minh bắt đầu dựng trại tập kết. Quân Minh chia làm ba thê đội. Tiền quân dưới quyền Đô đốc thiêm sự Lữ Nghị, trung quân do chính Kiềm quốc công Mộc Thạnh điều động, hậu quân thuộc quyền chỉ huy của Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn. Ngoài ra, quân Minh còn có các tướng lĩnh chủ chốt khác là Tham chính Lưu Dục, Đô chỉ huy sứ Liễu Tông… Chín phần mười binh lực của nước Minh ở Đại Việt (chưa kể ngụy binh) đã đổ dồn vào trận, cho thấy quyết tâm cao độ của tướng lĩnh quân Minh trong việc tiêu diệt nhà Hậu Trần.

Với binh lực mạnh trong tay, Mộc Thạnh cùng các tướng lĩnh quân Minh dự định sẽ nhanh chóng dùng sức mạnh kỵ bộ đánh thủng các chiến lũy của quân Hậu Trần ở bờ bắc, rồi cùng với cánh thủy quân phối hợp vượt sông đánh thẳng vào Phúc Thành, bắt giết vua Giản Định. Tuy nhiên, Quốc công Đặng Tất đã chuẩn bị những đòn không ngờ tới dành cho quân giặc. Mặc dù quân Minh hành quân rất quy củ, luôn có du binh do thám kỹ càng để tránh việc bị mai phục nhưng đã không lường trước được toan tính của quân ta. Đặng Tất đã tận dụng lợi thế địa hình lau sậy mọc um tùm, không đặt phục binh ven đường mà cho quân mai phục đóng cách xa con đường, đủ để vượt ngoài tầm do thám của quân Minh. Quân mai phục cùng với quân đóng ở chiến lũy làm thành một trận địa lợi hại như một cái bẫy lớn chờ quân giặc chui vào để tiêu diệt.

Ở dưới sông, thủy quân ta cũng dựa vào bãi cọc và hệ thống kênh rạch nhỏ mà đặt mai phục sẵn sàng chặn thủy quân giặc, không cho chúng phối hợp với bộ binh. Đặng Tất cùng bộ chỉ huy nghĩa quân đóng trên núi Dục Thúy, một ngọn núi cao trong vùng để quan sát trận địa. Xét về mức độ tinh nhuệ, quân ta lúc này vẫn thua kém quân Minh. Nhưng toàn quân trên dưới đều một lòng xả thân giết giặc. Tinh thần đó hoàn toàn khác hẳn với sự bạc nhược của quân đội Đại Ngu của nhà Hồ. Chính tinh thần quyết tử đã làm nên một sức mạnh phi thường mà quân Minh sẽ phải đối đầu.

Tiếp theo : Kỳ 6

Quốc Huy/Một Thế Giới