Trái với kỳ vọng của vua tôi nước Minh, từ khi Tổng binh Vương Thông mang quân sang nước ta, thất bại cứ nối tiếp thất bại. Chẳng những không thể đảo ngược tình thế, Vương Thông cũng giống như người tiền nhiệm là Trần Trí càng lút sâu vào thế phòng ngự bị động, bị vây khốn trong thành Đông Quan. Quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bình Định vương Lê Lợi đã bao vây giặc khắp cả bốn bề.
Mùa đông năm 1426 tại dinh Tây Phù Liệt nơi Lê Lợi đóng quân, các hào kiệt, quân dân, thổ hào, tù trưởng các xứ kéo nhau đến bái kiến đông nghịt. Lê Lợi đều lấy lễ tiếp đón nồng nhiệt, rồi tùy tài mà cất nhắc chức vị lớn hay nhỏ. Dù chưa sạch bóng quân thù, nhưng quân Lam Sơn đã nắm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ cả nước. Lê Lợi bắt đầu tiến hành những bước để kiến lập chính quyền mới là định chức tước hai ban văn võ, quy định luật lệ, xếp đặt lại các phủ trấn, đặt các quan tuần kiểm ở các cửa biển trọng yếu để khám xét người qua lại, lùng bắt những kẻ đưa tin cho giặc. Những kẻ cộng tác với quân Minh gây tội ác với nhân dân bị đem ra xét xử.
Về phía giặc, ngoài thành Đông Quan thì vẫn còn 12 thành trì kiên cố khác mà quân Minh đang chiếm giữ cũng ở trong tình thế bị vây bức, cô lập là Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Tây Đô, Cổ Lộng, Điêu Diêu, Tam Giang, Thị Cầu, Xương Giang, Chí Linh, Khâu Ôn. Quân Minh triệt để dựa vào ưu thế của thành cao, hào sâu để cầm cự với quân dân ta. Lúc này quân đội Lam Sơn đã đông đến hơn 30 vạn quân và được sự hỗ trợ nhiệt thành của nhân dân, nhưng bộ chỉ huy Lam Sơn vẫn đề cao chiến lược bao vây, chiêu dụ hơn là quyết công phá các thành. Bởi nếu công thành quân ta sẽ phải chấp nhận thương vong lớn.
Lê Lợi vẫn mong muốn một chiến thắng trọn vẹn nhất và còn phải để giành lực lượng đề phòng nước Minh có thể tung thêm những lực lượng mới để tăng viện. Thế nhưng Vương Thông sau khi liên tiếp đại bại nhận thấy rằng tình thế khó mà thay đổi, và việc bại vong của quân Minh chỉ còn là vấn đề thời gian. Một khi khí giới, lương thảo trong thành đã cạn, quân Minh chỉ còn đường chết đói hoặc bị giết.
Trước tình thế đó, Vương Thông đã phải tính đường nghị hòa. Thông phái thái giám Sơn Thọ đem thư đến cho Lê Lợi, xin được hòa hoãn để rút binh về nước. Nhận được thư xin hòa, Lê Lợi nói: “Không đánh mà khuất được quân của người, ấy là mưu hay nhất trong các mưu hay!” (theo Lam Sơn Thực Lục). Việc giảng hòa và thư từ qua lại với quân Minh được Lê Lợi giao phó cho Hàm lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trãi lo liệu. Nguyễn Trãi biên thư trả lời Vương Thông rằng:
“Tôi nghe, trời đất đối với muôn vật, nổi sấm sét mà ý hiếu sinh vẫn có ở trong; cha mẹ đối với các con, đánh roi vọt mà ơn dưỡng dục vẫn có ở đây. Nay vâng được thư của ngài cho tôi được tự tân, hân hạnh khôn xiết, thật không khác đức lớn của trời đất cha mẹ, dẫu có tan xương, nát thịt, cũng không đủ báo đền.
Song nếu ngài thực có lòng thương xót dân chúng, thì nên sai đầu mục đến các thành Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, ra lệnh cho họ đem quân về, tôi sẽ lập tức sắm đủ phương vật tiến cống, cúi xin ngài sai quan cùng đi với tử đệ thân tín của tôi để đến đầu hàng phục tội. Cầu cống đường sá thì tôi xin nhận sửa đắp, không phải phiền đến quan quân. Giá được người nhận lời, không những sinh linh nước tôi được khỏi lầm than, mà binh sĩ Trung Quốc cũng khỏi nỗi khổ gươm giáo vậy.” (theo Quân Trung Từ Mệnh Tập)
Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết thư cho Vương Thông, tuy lời lẽ nhún nhường mà mưu kế sâu xa. Lúc bấy giờ ở một số thành trì, tướng lĩnh nước Minh giữ thành vẫn kiên trì tử thủ. Nguyễn Trãi muốn nhân việc hòa nghị để mượn lời của Vương Thông dụ hàng các thành trì, khiến cho chúng tự xếp giáo quy hàng, quân ta đỡ nhọc công đánh dẹp.
Theo kế hoạch rút quân, quân Minh từ các thành sẽ tập trung cả về Đông Quan, rồi rút về nước Minh một lượt. Vương Thông trong tình thế cùng quẫn đã chấp nhận kế hoạch này, sai người đi cùng với người của ta đem thư gởi cho các thành Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình… Để tiện việc báo cáo về nước, Vương Thông khuyên Lê Lợi nên lập con cháu họ Trần lên làm vua hòng bịt miệng phái chủ chiến tại triều đình nước Minh, cũng là để bào chữa cho tội đánh dẹp thất bại của Vương Thông về sau. Lê Lợi trước đó đã lập Trần Cảo làm vua bù nhìn, nay theo lời Vương Thông, mọi thư từ với nước Minh đều lấy tên Trần Cảo làm vua. Còn bản thân Lê Lợi chỉ xưng là Lam Sơn Động Chủ. Đây là một thủ đoạn chính trị tạm thời của Lê Lợi và quân Lam Sơn để giúp cho quân dân ta đỡ tốn xương máu cho cuộc chiến mà vẫn đuổi được giặc về nước.
Việc dụ hàng diễn ra tương đối thuận lợi. Nhờ vào tài văn chương của Nguyễn Trãi và sách lược địch vận đúng đắn của Lê Lợi, hàng loạt các thành trì là Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đều mở cổng thành đầu hàng. Quân Lam Sơn giữ đúng giao ước, hễ quân tướng giặc ra khỏi thành đều được cấp thuyền bè, sửa sang cầu cống cho thuận lợi đến tập kết tại thành Đông Quan, lại còn cho đoàn tụ vợ con, cấp cho lương thực, thuốc men dọc đường đi. Công lao của Nguyễn Trãi trong việc thuyết phục Vương Thông và dụ hàng các thành trì là rất lớn. Nhờ vào việc này mà ông càng được Lê Lợi tin dùng và hậu thế luôn dành lời ca tụng.
Học giả Bùi Huy Bích thế kỷ 18 đã nhận định về những văn thư mà Nguyễn Trãi làm trong công cuộc ngoại giao, địch vận là “có sức mạnh như 10 vạn quân”. Lời bàn ấy không hề quá lời bởi muốn công phá một trong số các thành trì kiên cố của quân Minh đều phải dùng quân đến hàng vạn mới chắc thắng. Tất nhiên, thành tựu của Nguyễn Trãi cũng là thành tựu chung của tướng sĩ Lam Sơn, khi mà sức mạnh của quân ta đã làm cho giặc khiếp vía trước. Tỷ như văn chương và mưu lược của Nguyễn Trãi sắc sảo mà quân Lam Sơn không chiếm được tiện nghi từ trước, thì cũng chẳng dễ gì khiến các tướng Minh chịu khuất phục.
Việc hòa nghị đương thuận lợi thì bị phá hoại. Bọn ngụy quan là Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Trần An Vinh ở thành Tây Đô (Thanh Hóa) vì sợ rằng khi quân Minh rút về nước rồi thì chúng sẽ không còn chỗ nương thân, nên không chịu phục, vẫn giữ lấy cô thành và khuyên quân Minh giả cách hòa nghị, bên trong tiếp tục nuôi dưỡng thực lực. Như Hốt ngầm biên thư mật báo với Vương Thông rằng: “Trước kia Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, đem quân về hàng. Hưng Đạo Đại Vương cho hàng, nhưng dùng mưu lấy thuyền lớn cho đưa họ về nước, rối cho người giỏi bơi lặn sung làm phu thuyền. Ra đến ngoài biển, lừa lúc ban đêm mọi người ngủ say, bọn phu thuyền lặn xuống nước, dùi đủng đáy thuyền, những người đầu hàng đều bị chết đuối hết, không một ai sống sót trở về được” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Vương Thông được thư sợ tái mặt, bèn theo kế của Lương Nhữ Hốt, ngoài mặt vẫn ra vẻ hòa hiếu, bên trong vẫn lo đào hào đắp lũy. Quân Minh đào lũy kép, dưới lũy làm bẫy chông nhọn, đúc thêm nhiều hỏa đồng (súng phun lửa), tính kế cố thủ. Thông lại sai mấy chục tốp thám tử chia làm nhiều ngả đem thư bọc sáp ngầm lẻn về bắc xin thêm viện binh.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới