Trong lần tăng viện cuối năm 1427, ngoài 10 vạn quân của Liễu Thăng từ Quảng Tây tiến đánh nước ta từ hướng đông bắc còn có cánh quân của Mộc Thạnh với 5 vạn quân từ Vân Nam tiến đánh vùng tây bắc. Mộc Thạnh theo nhận định của tướng lĩnh Lam Sơn là đã già và thận trọng. So với mặt trận đông bắc đánh Liễu Thăng, thì mặt trận hướng tây bắc là thứ yếu. Tuy nhiên, điều này cũng không cho phép nghĩa quân Lam Sơn được lơ là mặt trận này. Bởi nếu biết được quân ta bố trí lực lượng mỏng yếu, Mộc Thạnh ắt sẽ thừa thế tiến vào đánh phá vây cho thành Đông Quan. Ở phía tây Đông Quan, các trận địa bao vây của quân ta sẽ bị uy hiếp trầm trọng từ cả hai phía.
Cánh quân Vân Nam mặc dù không tiến đánh gấp, nhưng đã kiềm chế một bộ phận không nhỏ lực lượng của quân Lam Sơn, cùng với các tướng lĩnh tài ba là Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Trung… Theo lệnh của Bình Định vương Lê Lợi, các tướng lĩnh tại mặt trận phía tây bắc này không chủ động tung quân đánh lớn, mà đặt phục binh để đợi giặc. Nhưng Mộc Thạnh thận trọng không mắc mưu, cứ án binh bất động. Quân ta cũng không thể rút bớt lực lượng tăng cường cho nơi khác khi mà địch tập trung dày đặc bên kia chiến tuyến.
Theo chính sách vừa đánh vừa chiêu dụ, Bình Định vương Lê Lợi cũng sai Nguyễn Trãi dùng danh nghĩa của vua bù nhìn Trần Cảo viết thư cho Mộc Thạnh. Tuy rằng Thạnh mưu trí và thận trọng, nhưng cũng là kẻ cầu toàn, so với Liễu Thăng thì kém ở dũng khí. Nắm được tâm lý của tướng giặc, Nguyễn Trãi không thiên về kích động sự kiêu ngạo như những thư gởi cho Liễu Thăng mà đi sâu vào phân tích sự được mất, lợi hại. Thư có đoạn:
“… Kể ra đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm. Thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến. Còn việc dùng binh đến cùng, cậy vào vũ lực là điều mà xưa nay vẫn răn dạy. Từ khi quân nhà vua dẹp yên cõi Giao Chỉ đến giờ, binh đao liền liền, tai vạ chồng chất, một ngày một quá lắm. Người Trung Quốc [chỉ nước Minh] thì bị đòi bắt tần phiền, quân và ngựa đều bị chết. Cái lấy được không bù cho cái bị mất, cái cướp được không chữa được vết tổn thương. Trừ ra, nguyên số quân đi đánh lần tước, và nhiều lần tiếp tục, quân và ngựa chết hại không biết đâu mà tính. Không kể, năm ngoái, lại điện phát quân và ngựa ở ba tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu hiện nay mười phần không còn một phần. Cứ xem thế, bảo đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, há chẳng đúng lắm ru ? … ”(trích Quân Trung Từ Mệnh Tập)
Sau khi phân tích thiệt hơn, Nguyễn Trãi vừa khuyên Mộc Thạnh trình thư về vua Minh và cho lui binh. Mộc Thạnh xem thư, chừng ý chí tiến quân càng giảm xuống, nhưng hắn vẫn không dám cho lui binh vì như thế sẽ phạm quân kỷ của nước Minh.
Trong khi Mộc Thạnh cùng các tướng Lam Sơn ghìm nhau không giao chiến, thì chiến sự đông bắc diễn ra ác liệt với những tổn thất nặng nề cho đạo quân 10 vạn người ngựa dưới trướng Liễu Thăng, liên tiếp hai tướng soái của quân Minh bị giết trong mấy ngày. Việc giành được lợi thế ở mặt trận chính này cũng mở ra những triển vọng dứt điểm mặt trận tây bắc. Bức thư thứ hai mà Nguyễn Trãi gửi cho Mộc Thạnh được gởi đi ngay sau khi Liễu Thăng bị giết ở trận Chi Lăng như một đòn giáng mạnh vào tâm lý của tướng giặc :
“ … Nay đem thực sự bày tỏ hết để đại nhân rõ:
Ngày tháng 9 năm này, An viễn hầu Liễu Thăng thống lĩnh đại quân đến địa phận thành Khâu Ôn. Tôi đã hai ba lần gửi thư nói kỹ về thiên thời, về nhân sự (thời trời, việc người), nói đi nói lại không ngại rờm lời, mà Liễu công cho lời nói của tôi là không đáng tin, bèn mạo hiểm tiến quân vào sâu chuyên việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào. Nhưng không biết đạo trời ưa sống, lòng người ghét loạn. Thành hay bại, phúc hay họa, chỉ trong khoảng trở bàn tay thôi. Ngày 20 tháng 9, tiến quân đến cửa Chi Lăng, quân lính giữ cửa ải của tôi không làm thế nào được, liền phải chống cự lại. Liễu công bị chết tại trận, không biết lẫn lộn vào đâu. Bảo Định bá, Thái đô đốc, Lý thượng thư cũng nối nhau chết nốt. Còn các quân lính đều bỏ trốn chạy tan. Đó tuy cũng là tội lỗi của tôi, cố nhiên không thể chối cãi được, mà cái họa của Liễu công tất phải tự mình chuốc lấy. Người xưa có câu nói: “Cậy vào đức thì tốt, cậy vào sức thì chết”, tức là thế đấy …”(trích Quân Trung Từ Mệnh Tập)
Lời thư của Nguyễn Trãi vẫn rất ân cần, nhưng rõ ràng đã lấy Liễu Thăng làm tấm gương răn đe Mộc Thạnh. Nguyễn Trãi đã chỉ cho Mộc Thạnh thấy rõ cái giá của việc không nghe lời dụ, cố chấp tiến quân của Liễu Thăng. Những chiến lợi phẩm là bằng sắc, ấn tín của Liễu Thăng, cùng tù binh bắt được trong trận Chi Lăng gồm ba thiên hộ, một đô chỉ huy được Bình Định vương sai đem đến chỗ quân Mộc Thạnh, cho chúng tận mắt thấy bằng chứng về sự bại vong của bọn Liễu Thăng.
5 vạn quân Minh đóng trước cửa ải Lê Hoa đều sợ mất mật khi trông thấy những nhân chứng, vật chứng mà quân Lam Sơn mang đến trước mặt chúng, không còn lòng chiến đấu nữa. Mộc Thạnh biết quân không còn nhuệ khí, bản thân cũng đã khiếp sợ, lập tức hạ lệnh lui binh. Quân tướng nước Minh rút lui trong sự sợ hãi. Thuận đà, Phạm Văn Xảo cùng Trịnh Khả tung quân truy kích toàn tuyến. Giặc nhác thấy quân Lam Sơn, hoảng loạn giày xéo lên nhau mà chạy. Quân ta truy kích đến Lãnh Câu, Đan Xá, đánh giết một trận lớn. 1 vạn quân Minh chết tại trận, 1.000 tên bị bắt sống. Quân Lam Sơn thu 1.000 ngựa chiến cùng vũ khí, lương thực, của cải nhiều hơn cả lúc phá thành Xương Giang.
Xử lý xong cánh viện binh Mộc Thạnh, giờ là lúc quân Lam Sơn chuẩn bị dứt điểm với quân Minh ở cánh đồng Xương Giang.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới