Sở dĩ phải đánh mạnh khi quân Mộc Thạnh đã rút chạy là cốt phá đi những lực lượng tinh nhuệ của chúng, đề phòng hậu hoạn về sau và cũng chứng minh cho nước Minh thấy cái giá đắt như thế nào khi động đến nước Đại Việt. Qua trận truy kích không khoan nhượng này cũng cho thấy rằng, những lời chiêu dụ ân cần của Nguyễn Trãi chỉ là những đòn tâm lý chiến chứ không phải thực lòng. Quân Lam Sơn sẵn sàng đánh diệt quân Minh thẳng tay khi có cơ hội chứ không chỉ đơn giản là buộc chúng phải rút lui khỏi bờ cõi.
Sau đại thắng ở hướng tây bắc, nghĩa quân Lam Sơn càng có đủ điều kiện để dồn quân vây Đông Quan và dứt điểm bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc ở Xương Giang. Các lực lượng quân Lam Sơn rầm rộ hành quân dồn lại để xiết chặt vòng vây. Nguyễn Trãi vẫn tiếp tục dùng văn chương để lung lạc tinh thần của quân tướng nước Minh:
“… Ngày nay tôi đã răn bảo quân lính, dẹp mở dường về cho các ông từ Cần Trạm đến Khâu Ôn, nếu thấy đại quân qua lại không được xâm phạm mảy may. Các ông, trọng hạn ba ngày, nên thu nhặt mà đi. Quá hạn ấy mà còn chậm lại, thế là các ông thất tín, không phải lỗi ở tôi vậy. Kinh thi có câu nói: “Người khác có lòng, ta lường tính xem”. Chắc rằng các ông sở dĩ ở chậm lại, có ý trông mong vào quân ở thành Đông Quan sang tiếp ứng chăng? Hay là ở quân Vân-nam sang tiếp ứng chăng? Thì, từ Đông Quan đến đây chỉ có một ngày đường, không phải hẹn còn có thể tự đến cứu được, há lại nỡ lòng nào dửng dưng ngồi nhìn không đau lòng hộ ư? Thế thì các ông trông mong về quân thành Đông Quan đã tuyệt vọng rồi.
Còn như Kiềm quốc công ở Vân Nam trước đây cùng với các ông cũng vâng mệnh trên họp quân ở đấy. Nhưng Kiềm đại nhân tuổi cao đức cả, đã sớm biết lẽ phải, thấy việc làm rõ. vừa mới đến bờ cõi, lập tức sai người dò thăm hư thực, nghe tin trước đây thành trì các xứ Tam Giang đều đã hòa giải, bèn lui quân về Lâm An, làm bản tâu về triều. Tôi lại đem những quân nhân của các ông mà tôi đã bắt được đưa đến chỗ Kiềm đại nhân, nói rõ duyên do, bọn An viễn hầu, Bảo định bá, Lý thượng thư bị chét. Kiềm quốc đại nhân đã lui quân về Vân Nam rồi. Thế là bọn các ông trông mong về đạo quân ở Vân Nam lại tuyệt vọng nốt.
Hai mặt trông mong ấy đều đã tuyệt vọng, mà quân nhân mỗi ngày một bị chết, lương thực lại hết thì các ông còn đợi gì mà dùng dằng ở lại không đi chứ? Sao mà xét việc câu nệ, mưu việc không sớm thế? Than ôi, chén nước đã đổ khó mà vét lại được nữa, việc trước đã qua rồi, bỏ việc ngày nay không mưu tính đến, hối sao cho kịp. Thư nói chẳng hết lời.” (trích Quân Trung Từ Mệnh Tập)
Với bức tối hậu thư này, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã mong rằng 7 vạn viện binh còn lại dưới sự chỉ huy của Thôi Tụ, Hoàng Phúc sẽ tự rút lui như quân Mộc Thạnh, rồi quân ta sẽ thuận thế đánh một trận “dằn mặt” như ở mặt trận tây bắc. Được như thế, thắng lợi sẽ dễ dàng hơn, trọn vẹn hơn mà sự đổ máu cũng ít hơn. Thế nhưng bọn Thôi Tụ không trúng kế, vẫn tổ chức tử thủ ở cánh đồng Xương Giang.
Bất đắc dĩ, Bình Định vương Lê Lợi phải quyết định mở cuộc quyết chiến tiêu diệt viện binh còn lại của quân Minh. Ngài sai các quân hội nhau bao vây quân Minh ở Xương Giang, đều thêm quân Thiết đột và voi chiến dưới sự thống lĩnh của các tướng Lê Khôi, Phạm Vấn, Nguyễn Xí, Lê Hối … lên tiếp ứng cho các quân.
Ngày 3.11.1427, nhân một đêm mưa gió, quân Lam Sơn mở cuộc tổng tấn công tại Xương Giang. Từ bốn phương tám hướng, quân ta bắn pháo vào khối quân Minh, rồi trùng điệp người ngựa, voi chiến đánh dồn lại. Các danh tướng như Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Khôi, Nguyễn Xí, Phạm Vấn, Lê Hối, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An … đều tham chiến, thi nhau giết địch. Quân Minh dù vẫn còn hàng vạn, nhưng vũ khí đạn dược mất gần hết, lương thực không có, thế quân mệt mỏi cùng cực nên chẳng mấy chốc đã vỡ trận. Tai hại hơn cho giặc, lần này chúng đã không còn đường đào thoát nữa. Khắp nơi quân dân người Việt chia nhau chặn hết cả ngã đường thủy bộ, núi non, rừng rậm.
Gần 5 vạn quân Minh bỏ mạng trong trận quyết chiến, số còn lại hơn 2 vạn quân, 300 tướng cũng bị bắt sống hết cả. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép thêm: “Còn những kẻ chạy trốn thì trong khoảng không đến 5 ngày đều bị bọn chăn trâu kiếm củi bắt gấn hết, không sót tên nào.”Theo sử nước Minh, toàn bộ đạo viện binh của Liễu Thăng đều bị diệt và bị bắt, chỉ có duy nhất một viên chủ sự tên Phan Hậu là chạy thoát được về nước. Số chiến lợi phẩm khổng lồ thu được từ đạo quân Minh được sách Lam Sơn Thực Lục miêu tả lại: “Giáo mác, lừa ngựa, vàng bạc, lụa là, gấm, đoạn, từng hòm, từng đống, chứa chất như núi, không thể kể xiết!”
Chiến thắng Xương Giang khép lại chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang thành công tốt đẹp. Kể từ lúc Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đại phá quân Nguyên ở trận Bạch Đằng năm 1288, chưa từng có lần nào người nước ta được đắc thắng như thế đối với phương bắc. Không chỉ là một trận chiến định giang sơn, mà âm vang để lại của chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang còn vọng mãi đến ngày nay Hậu thế luôn nhắc đến chiến dịch này như một trong những chiến công hiển hách nhất trong suốt cả hàng năm năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới