1. Đánh bại 10 vạn quân của Tham tướng Trần Trí :
Sau những trận thắng giòn giã trong năm 1420, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã khẳng định chỗ đứng của mình như một lá cờ đầu trong phong trào kháng chiến chống Minh. Với việc đánh tan tác hơn 10 vạn quân của Lý Bân và đánh hạ trại Quan Du, quân Lam Sơn đã giáng những đòn mạnh vào quân đô hộ. Càng đánh, quân Lam Sơn lại càng hùng mạnh hơn nhờ vào sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Lê Lợi vừa đánh giặc, vừa tuyển mộ thêm quân lính. Lương thực, khí giới cướp được của quân Minh trở thành nguồn trang bị cho quân ta.
Sang năm 1421, nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục thừa thắng đánh tràn ra khắp xứ Thanh Hóa, tiến quân giải phóng các châu huyện, giành quyền kiểm soát nhân dân và đất đai. Quân Minh thế yếu, rút quân vào thành Tây Đô cố thủ không dám manh động, có ý chờ quân từ Đông Quan đến cứu. Lê Lợi lúc này theo sách lược “công tâm” (đánh vào lòng người), chứ không chú trọng chiếm đóng thành trì. Đó là một tư tưởng quân sự tiến bộ vào thời kỳ bấy giờ. Đánh vào lòng người thực chất là chú trọng vào kiểm soát nhân dân và đất đai, dựa vào việc tranh thủ sự ủng hộ của số đông nhân dân. Có được lòng dân, quân Lam Sơn không cần chiếm thành Tây Đô mà vẫn ngang nhiên kiểm soát được hầu hết đất đai Thanh Hóa, sử dụng nhân lực, vật lực nơi này để phát triển lực lượng.
Trước tình hình lớn mạnh nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quân tướng nước Minh đã ráo riết tìm biện pháp mạnh để đối phó. Do tổn thất nặng nề trong các trận Bồ Mộng, Bồ Thi Lang, Quan Du nên tướng lĩnh nước Minh phải mất thời gian để gom quân, mất gần 1 năm trời. Đến cuối năm 1421, tham tướng Minh là Trần Trí cất quân 10 vạn, bao gồm cả quân viễn chinh người Minh và ngụy binh, từ Đông Quan tiến vào Thanh Hóa đánh quân Lam Sơn. Trần Trí tiến đóng ở ải Kính Lộng (thuộc Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày nay), cách đại doanh của Bình Định vương Lê Lợi chừng 50 dặm. Nhận được tin báo về, Lê Lợi họp các tướng nói rằng: “Quân giặc nhiều, quân ta ít, nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn. Binh pháp có nói được hay thua là ở tướng chứ không phải ở quân nhiều hay ít, nay quân giặc tuy nhiều, nhưng ta đem quân nhàn đợi đánh quân mệt mỏi, chắc chắn sẽ đánh bại chúng”(theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Nghe theo lời của Bình Định vương, quân tướng Lam Sơn đều phấn chấn tinh thần. Đêm đến, Lê Lợi chia quân đánh úp vào trại quân Minh bất chấp quân số chênh lệch. Quân ta âm thầm tiếp cận trại giặc bỗng chốc giương cờ gióng trống, hò reo dậy đất xông vào đánh mạnh. Quân Minh vừa mới tới, chưa kịp nghỉ ngơi lại bị đánh bất ngờ, bị hạ mất bốn trại, hơn 1.000 tên bị giết. Sau một hồi đánh phá, quân Lam Sơn chủ động rút nhanh bảo toàn lực lượng, mang theo nhiều khí giới. Trần Trí chưa kịp tổ chức phản kích thì quân ta đã rút êm rồi, vô cùng tức tối.
Đến ngày hôm sau, Trần Trí đem hết quân men đường núi tiến đánh trại quân ta. Lê Lợi ngầm đặt phục binh ở Úng Ải đợi chúng. Nơi đây địa hình hiểm trở, rất khó hành quân, thuận lợi cho mai phục. Trần Trí cậy đông cứ cho quân tiến tới, nối nhau trèo núi đông như kiến. Giữa trưa, quân Minh lọt vào trận địa, phục binh bốn phía nổi lên liều chết mà đánh. Quân Lam Sơn tấn công mạnh vào hai bên cánh đội hình giặc. Trần Trí thua to, phải dẫn quân rút chạy khỏi núi.
2. Đánh tan quân Ai Lao:
Trong lúc quân Minh vừa rút chạy thì Lê Lợi được tin tướng nước Ai Lao là Mãn Sát đem 3 vạn quân, 100 thớt voi tiến đến, nói là để giúp ta cùng đánh quân Minh. Nhưng sự thực là quân Ai Lao lập mưu đánh lén quân Lam Sơn.
Nước Ai Lao mà sử Việt ghi chép thời kỳ này có tên chính thức là vương quốc Lang Xang, được Pa Ngừm sáng lập từ cơ sở sáp nhập các mường Ai Lao vào giữa thế kỷ 14. Trước kia, Lê Lợi và vua Ai Lao thời bấy giờ là Lan Kham Dengvẫn giữ quan hệ thân thiện. Nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn đánh nhau với quân Minh bị thất thế vẫn thường rút sang đất Ai Lao để tránh. Ai Lao cũng từng giúp Lê Lợi quân lương, khí giới trong lúc khó khăn. Nhưng lập trường của Lan Kham Deng đã thay đổi nhanh kể từ sau khi ngụy quan Lộ Văn Luật khởi binh chống Minh không thành, trốn sang nương nhờ Ai Lao. Lộ Văn Luật ở Ai Lao, vì ghen ghét nên thường hay nói lời ly gián Lê Lợi và Lan Kham Deng. Vua Ai Lao từ đó dần sinh lòng nghi kỵ, rồi ủ mưu phản bội đồng minh.
Vì mối quan hệ thân thiện trước đó, Bình Định vương Lê Lợi và tướng sĩ Lam Sơn vẫn tin tưởng quân Ai Lao. Quân Lam Sơn và quân Ai Lao đóng trại gần nhau. Đêm đến, Mãn Sát đem quân đánh úp vào doanh trại quân ta. Ban đầu quân Lam Sơn bị bất ngờ và chịu thiệt hại khá nhiều. Nhưng quân Ai Lao không tinh nhuệ, không giành được lợi thế quyết định. Quân Lam Sơn sau hồi đầu bất ngờ, đã chiến đấu vô cùng quả cảm. Lê Lợi tự mình đốc chiến, cổ vũ tướng sĩ phản kích lại địch, tướng sĩ tranh nhau tiến lên trước mà đánh. Hai bên đánh nhau từ nửa đêm đến hừng sáng, quân Ai Lao thiệt hại vỡ chạy trước sức chiến đấu ngoan cường của quân Lam Sơn.
Theo các nguồn sử liệu Việt, trận này quân ta chém địch đến 1 vạn đầu, thu 14 thớt voi, hàng vạn khí giới. Quân Lam Sơn thừa thắng đuổi theo quân Ai Lao 4 ngày đêm, sang tận đất địch. Tướng Ai Lao là Mãn Sát sợ hãi, xin hòa. Lê Lợi đoán rằng Mãn Sát muốn dùng kế hoãn binh để đợi quân tiếp viện nên không muốn cho hòa. Nhưng bấy giờ quân tướng ai nấy đều mệt mỏi, đồng loạt xin Bình Định vương tạm hòa với Ai Lao để nghỉ ngơi. Trong số các tướng, chỉ có mình Lê Thạch không đồng tình việc giảng hòa, xin dẫn quân tiến đánh. Lê Lợi cho Lê Thạch làm tiên phong tiếp tục đánh Ai Lao. Lê Thạch đi đầu dẫn quân xông pha phá trại quân Ai Lao, đánh hăng quá, giẫm phải chông của địch tử trận.
Lê Thạch là con trai của Lê Học – người anh cả của Lê Lợi. Thạch từ nhỏ được Lê Lợi nuôi nấng như con, rất tin yêu. Lớn lên, Lê Thạch theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, được phong chức Bình chương. Thạch có võ nghệ cao cường, sức địch được muôn người, nức tiếng trong quân là hổ tướng hàng đầu. Ông lại có lòng thương yêu sĩ tốt nên rất được lòng quân. Lê Lợi thường cho Lê Thạch làm tướng tiên phong, đánh đâu thắng đó. Nay Lê Thạch vì hăng hái phá giặc mà tử trận, Lê Lợi vô cùng thương xót.
Mặc dù chịu tổn thất lực lượng và mất đi một tướng giỏi, Bình Định vương Lê Lợi cùng đội quân của mình đã thoát được mối nguy lớn để từ đồng minh phản bội. Liên tiếp những trận đánh oanh liệt càng khẳng định sức mạnh to lớn của nghĩa quân Lam Sơn. Hàng loạt danh tướng trưởng thành và thành danh từ phong trào đã đi vào sử sách. Bên cạnh đó là những chiến binh thầm lặng không rõ sự tích nhưng đã cùng đóng góp vào vinh quang chung của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Có thể nói rằng, kể từ khi nhà Lý phá Tống, nhà Trần phá Mông Nguyên thì phải đến khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra, lịch sử mới chứng kiến đông đảo anh hùng hào kiệt nước Việt tụ hội lại một nơi như thế.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới