Ngày 10/3/1945 còn được gọi là “Đêm tuyết đen” Tokyo. Đây được coi là một trong những trận oanh tạc khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Thương vong do nó gây ra còn lớn hơn cả quả bom hạt nhân thả xuống Hirosima hay Nagasaki sau này.
Từ cuối năm 1942, Mỹ đã có loại máy bay B-29, với tầm bay lên đến 3.250 hải lý (6.019 km); 90% lượng bom được thả xuống nước Nhật suốt thế chiến 2 là được thực hiện bởi loại máy bay này.
Đêm tuyết rơi ngày 9, rạng sáng 10 tháng 3 năm 1945, 279 máy bay B-29 đã thả xuống Tokyo nửa triệu quả bom cháy M-69 và M-47, tổn thất chỉ là 14 chiếc B-29 do không quân và phòng không Nhật Bản đã quá suy yếu. Xấp xỉ một diện tích rộng 16 dặm vuông (41 km²) thủ đô Tokyo bị đốt trụi, do nhà cửa ở Nhật phần lớn làm bằng gỗ và đêm đó gió to khiến lửa lan nhanh. Các nhân chứng mô tả lại quang cảnh trận bão lửa cao hàng trăm mét trùm lên một nửa diện tích thành phố.
Chiến dịch dội bom trên bầu trời Tokyo đêm đó đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người dân. Kisako Motoki, khi ấy 10 tuổi, chạy tới một cây cầu để tìm nơi ẩn náu sau khi cha mẹ và em trai chết cháy vì trúng bom. “Tôi nhìn thấy những cơ thể bốc cháy được chất chồng lên nhau, giống hình ảnh những tảng đá màu đen. Một số thi thể nằm rải rác trên nền đất và các xác chết bốc cháy. Tôi không thể tin cảnh tượng kinh hoàng như vậy lại xảy ra ở thế giới này”.
Sức nóng khủng khiếp đun sôi tất cả các ao hồ trong phạm vi đám cháy, khiến nhiều người nhảy xuống nước tránh lửa bị luộc chín theo đúng nghĩa đen. Sau này người ta phải đi vớt hàng nghìn xác chết như vậy.
Quân đội Mỹ sau đó ước tính gần 88.000 người thiệt mạng trong vụ oanh kích này, 41.000 người khác bị thương, hơn một triệu cư dân bị mất nhà cửa. Con số này bị chỉ trích là có tính toán. Tokyo thời đó là thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới, với trung bình 103.000 người trên mỗi km vuông. Những nghiên cứu khác dao động từ 125.000 đến 200.000 người chết và khoảng một triệu người bị thương.
Vấn đề là ở chỗ: toàn bộ nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em. Đàn ông Nhật khi đó đã ra trận hết theo lệnh tổng động viên. Sử gia Masahiko Jiashan cho biết trong diện tích bị ném bom có vài nhà máy công nghiệp nhỏ, nhưng không có bất cứ mục tiêu quân sự nào.
Viên tướng Mỹ LeMay trong báo cáo chính thức đã viết rằng chiến dịch ném bom “đã cho những kết quả tuyệt vời: chưa bao giờ một đợt không kích lại gây ra thiệt hại nặng nề đến như vậy cho đối phương”. Curtis LeMay từ đó có biệt danh “kẻ điên cuồng chuyên nướng người”. Chính ông ta cũng thừa nhận: “Nếu Hoa Kỳ thua trong cuộc chiến này, tôi hoàn toàn tin rằng mình sẽ bị xét xử vì tội ác chiến tranh”.