Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp định tuyên bố xác nhận cái gọi là “nền độc lập của Việt Nam”, chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại.
Theo các điều khoản của hiệp định Élysée:
– Về quân sự: thời chiến, quân đội Quốc gia Việt Nam sẽ do một viên tướng Pháp chỉ huy, quân đội này cũng phải tham gia bảo vệ lãnh thổ của Liên Hiệp Pháp khi cần.
– Về kinh tế: 3 nước thuộc xứ Đông Dương sẽ dùng chung 1 loại tiền tệ (đồng Piastre) và mức thuế quan. Quốc gia Việt Nam phải bảo đảm các xí nghiệp, tài sản, trường học Pháp và phải ưu tiên mời các cố vấn và chuyên viên Pháp khi cần.
– Về văn hóa: Quốc gia Việt Nam và Pháp tăng cường các liên hệ và trao đổi về văn hóa, giáo dục. (thực tế 2 ngôn ngữ chính là tiếng Việt và tiếng Pháp).
– Về ngoại giao: Pháp nắm toàn quyền (mọi vấn đề liên quan đến ngoại giao của Quốc gia Việt Nam phải được chính phủ Pháp cho phép).
– Về chính trị: Người Pháp có quyền tiếp cận mọi thông tin nhà nước, tham dự vào tất cả các quyết định của chính phủ và nhận một khoản lợi nhuận nhỏ từ Quốc gia Việt Nam.
Ngày 10/3, nghị sĩ Đảng xã hội Gaullist Guillon phản đối hiệp định này: “Họ chỉ thếp vàng lại một ông vua vừa bị phế bỏ, được biết nhiều ở các sân golf tại Cannes hay ở các hộp đêm hơn là trong tầng lớp nông dân”.
Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949), sau đó đã viết: “Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên”.
Chính các nhà nghiên cứu Pháp đã nhận xét về cái chính phủ “Quốc Gia Việt Nam” này như sau:
“Vậy là một Quốc gia Việt Nam thứ hai ra đời, lần này do người Pháp đẻ ra, nhưng nó lại muốn thực hiện quyền lực của mình trên cùng một lãnh thổ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên thực tế và trên những nét đại khái, thì quân đội Pháp chiếm đóng các thành phố, còn nông thôn thì nằm dưới quyền của các lực lượng dân quân của Hồ Chí Minh.
Chẳng phải một nước quân chủ, cũng chẳng phải một nước cộng hòa, cái “Quốc gia Việt Nam” này không có cơ sở nhân dân, không có Quốc hội, ngay một Quốc hội tư vấn cũng không có, không có Hiến pháp và trong nhiều năm, không có cả ngân sách. Một vài cái gọi là Đảng chính trị của nó chỉ là những đoàn thể, những bè phái lộng quyền, những môn khách của các nhân vật tai mắt. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào quân đội, cảnh sát và ngân khố của nước Pháp”.
“Paris-SaiGon-Ha Noi” (Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947) – tác giả Philippe Devillers, NXB Gallimard, Paris, 1988.