Chỉ một ngày sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng thành phố Huế, Quân Giải phóng đã có thể kiểm soát hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lý do cho sự tiến quân nhanh chóng với tổn thất hầu như không đáng kể này của quân Giải phóng, thì ngoài sức chiến đấu của các sư đoàn và năng lực chỉ huy của tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn, còn phải nhắc đến nguyên nhân phía bên kia.
Vai trò của Tư lệnh Quân đoàn I Ngô Quang Trưởng được ghi lại trong cuốn “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ” – Alan Dawson:
“Nhưng cùng ngày hôm ấy, Ngô Quang Trưởng, một tướng thân Mỹ đã đến được Huế. Thân hình cao lớn, Trưởng được coi như một điển hình can đảm khi người Mỹ nói đến chuyện binh sĩ Việt Nam như thế nào. Thế nhưng giờ đây, Trưởng đã làm thất vọng những người vốn tin tưởng. Huênh hoang nói oang oang với các nhà báo, Trưởng khoe khoang rằng đã làm đủ thức chuyện mà trong quá khứ chẳng hề làm. Trưởng đã tự biến mình thành một thằng hề bằng cách nói mình sẽ cố thủ. Cá nhân Trưởng sẽ chiến đấu trên đường phố để cứu Huế, nếu thành phố mất, Trưởng sẽ mất theo. Trưởng sẵn sàng chết để bảo vệ Huế. Bọn hèn nhát có thể bỏ chạy, nhưng Trưởng này thì không. Rồi Trưởng leo lên chiếc trực thăng riêng do Mỹ cung cấp, bay một vòng. Đây là lần cuối cùng người ta thấy mặt Trưởng ở Huế.”
Phát biểu chính thức của tướng Ngô Quang Trưởng trên đài phát thanh, có thể xác minh từ tất cả các nguồn là câu “Tôi sẽ chết trên đường phố Huế, Việt Cộng phải bước qua xác tôi mới vô được cố đô này”.
Tư lệnh quân khu chạy trước làm gương nên tướng tá khác cũng “di tản” theo, nhanh nhất có lẽ là hai vị tư lệnh sư đoàn 1 không quân và tư lệnh vùng 1 hải quân, vì có sẵn tàu và máy bay. Rốt cuộc trong số 58.722 quân nhân bị bắt hay ra trình diện ở Huế; chỉ đếm được một đại tá, 18 trung tá, 81 thiếu tá. Số chiến lợi phẩm quân Giải phóng thu được gồm 140 xe tăng, xe bọc thép, hơn 800 xe quân sự khác và khoảng một vạn tấn đạn. Như vậy không phải lính VNCH ở Huế không đủ người hay không có gì để đánh, mà là dư dả đấy nhưng chẳng có ai ở lại chỉ huy họ mà thôi.