Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày 28/12/1964 – Trận Bình Giã

Ngày 28/12/1964 – Trận Bình Giã

Trận Bình Giã là trận đánh chính nằm trong Chiến dịch Bình Giã xảy ra vào cuối tháng 12 năm 1964 tại địa bàn làng Bình Giã, tỉnh Phước Tuy, cách Sài Gòn 67 km, giữa Quân giải phóng miền Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa với cố vấn Mỹ chỉ huy.

Lúc xảy ra trận đánh, Bình Giã có độ khoảng 6.000 dân, phần lớn là người theo đạo Thiên Chúa di cư từ miền Bắc Việt Nam sau năm 1954. Đây là trận đánh quan trọng trong chiến dịch Bình Giã do Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động.

Lực lượng tham chiến: Quân giải phóng miền Nam 1800 người với vũ khí vác vai (cối 82 ly, đại liên 12ly 7 và súng không giật); VNCH và Mỹ 4300 người với xe tăng M24, trực thăng và pháo binh yểm trợ.

6 giờ sáng ngày 28, một tiểu đoàn của Quân giải phóng miền Nam tấn công và chiếm làng Bình Giã do 2 trung đội Địa Phương Quân của VNCH trấn giữ. Tiểu đoàn 30 Biệt Động Quân được trực thăng vận đến tái chiếm làng Bình Giã, đổ quân đúng vào bãi đáp mà trung đoàn 1 đã bố trí phục kích sẵn nên thiệt hại nặng, phần còn lại rút vào cố thủ trong nhà thờ làng.

Ngày 29, tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân được 60 trực thăng chở đến đổ bộ xuống phía nam làng và tổ chức đánh trả. Sau 1 ngày giao tranh, quân VNCH vẫn không chiếm lại được làng. Ngày 30, quân Giải phóng rút ra và các đơn vị Thủy quân lục chiến VNCH tái chiếm Bình Giã. Tối 30, một trực thăng chở cố vấn Mỹ bị bắn rơi trong rừng cao su Quảng Giao cách làng khoảng 4km khiến tất cả những người trên máy bay thiệt mạng.

Tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến nhận lệnh đi tìm chiếc trực thăng này. Chỉ huy tiểu đoàn là đại tá Nguyễn Văn Nho đã không chú ý đến lời khuyên của cố vấn Mỹ, nên đưa một nửa lực lượng của mình vào thẳng trận địa phục kích quanh vị trí máy bay rơi, mà quân Giải phóng đã chờ từ lâu (cối 82 ly ngắm sẵn và súng không giật 57 ly bắn thẳng, cứ vào đúng tầm thì nã). Cuối cùng trực thăng vũ trang phải được điều đến yểm trợ thì số quân này mới rút nổi ra khỏi rừng cao su, với tổn thất nặng nề (chết 29/35 sĩ quan chỉ huy gồm cả tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Nho và tiểu đoàn phó Trần Văn Hoàn). Tuy nhiên trong thời gian giao tranh đó, trực thăng đã đến bốc được thi thể các cố vấn Mỹ thành công.

Ngày 1 tháng 1 năm 1965: hai tiểu đoàn Nhảy Dù được điều đến tăng viện dưới các đợt oanh kích, nhưng quân Giải phóng đã rút lui.

Theo hồi ký của Terry Burstall, trận này phía VNCH tổng cộng có 201 quân nhân thiệt mạng (trong đó có 5 cố vấn Mỹ), 192 người bị thương (trong đó có 8 người Mỹ), và 68 người mất tích (trong đó có 3 người Mỹ). Theo cuốn “US Marines in Vietnam: The Landing and the Buildup 1965” thì “Việt Cộng” ghi nhận chính thức chỉ có 32 thương vong. Tổng bí thư Lê Duẩn sau đó đã nhận định: ” Với trận Ấp Bắc năm 1963 – địch thấy khó thắng được ta; còn với Bình Giã – địch thấy thua ta”.

Thực ra số cố vấn Mỹ mất tích đều là bị bắt sống, trong đó Harold G. Bennett bị xử bắn để trả đũa việc chính quyền VNCH xử tử hình công khai Trần Văn Đang (23 tuổi) bị bắt ngày 3 tháng 5 năm 1965 khi mang chất nổ dự định tấn công cư xá sĩ quan Mỹ trên đường Võ Tánh, Sài Gòn. Bennet là tù binh đầu tiên của Mỹ bị xử bắn trong chiến tranh Việt Nam.