Suốt 9 ngày đêm, Phạm Tuân cùng đồng đội liên tục xuất kích, nhưng không hạ được chiếc B-52 nào. Những cánh “Én Bạc” Mig-21 vọt lên trời đêm rất nhiều lần để truy kích “pháo đài bay”, nhưng vẫn không tìm được sơ hở để hạ nó. Khi đó, anh hiểu rằng, không quân Việt Nam vẫn chưa tìm được “gót chân Asin” của gã khổng lồ mang bom. Việc luyện tập trong điều kiện tĩnh, tập khan, nhưng đến lúc vào trận thì hoàn toàn khác.
Những tốp máy bay F-111 bay trước tiên vào miền Bắc với tốc độ siêu âm ở độ cao thấp, tiến hành oanh tạc vào các sân bay. Máy bay F-4 bay theo rải nhiễu kim loại thành một hành lang kéo dài từ Đông Bắc sang Tây Nam thung lũng sông Hồng nhằm bịt mắt radar. Sau đó B-52 mới vào, bao quanh chúng là các tốp F-4 để chặn Mig 21 và 1 số mang tên lửa chống radar. Trong mỗi chiếc B-52 cũng có 15 máy gây nhiễu khiến màn hiện sóng radar bị trắng xóa hoặc bị nhiễu không nhìn rõ được mục tiêu.
Các phi công và bộ phận chỉ huy đã phải liên tục rút kinh nghiệm, phải bố trí lại từ tổ chức, chỉ huy. Chỉ huy thế nào, nằm ở đâu, tổ chức đài ra-đa thế nào để tránh nhiễu, hiệp đồng tên lửa ra sao, phi công bay trên trời thế nào… Đó là những câu hỏi không dễ gì trả lời được. Sau khi tính toán mọi phương án, thì sở chỉ huy phòng không được đưa ra vòng ngoài, đặt ở các tỉnh như Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La.
Điều tiên quyết là phi công phải xuất kích từ vòng ngoài, sớm tích lũy tốc độ, độ cao. Những trận đánh trước đó, Phạm Tuân thường bay thấp để tránh địch phát hiện, rồi mới lấy độ cao. Tuy nhiên, do bị gây nhiễu nặng nên không thể phát hiện được mục tiêu. Khi phát hiện được, mục tiêu rút đi, thì máy bay lại không đuổi kịp. Chỉ có cách duy nhất là đánh từ trên cao xuống. Khi Mig-21 bay trên đầu, F-4 sẽ phát hiện ra chậm hơn. Khi đã đủ độ cao, tích lũy được tốc độ siêu âm, thì F-4 có phát hiện ra cũng không kịp làm gì được nữa.
Đó là đêm 27/12/1972, sau vài lần xuất kích từ sân bay Nội Bài truy tìm B-52 thất bại, Phạm Tuân được lệnh cất cách rời Nội Bài lên sân bay Yên Bái. Đây là lần đầu tiên thực hiện chiến thuật đánh từ vòng ngoài, tích lũy độ cao. Do bay thấp, trong điều kiện ban đêm, nên người Mỹ đã không phát hiện được. Đúng 21 giờ, phi công Phạm Tuân được lệnh xuất kích.
Phạm Tuân nhớ lại khoảnh khắc làm nên lịch sử: “Tôi tăng tốc hết cỡ, đưa Mig-21 lên độ cao tốt nhất. Từ trên cao đã phát hiện B-52. Khi đó, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm thế nào để vượt qua được những chiếc F-4. Nhưng vượt được qua nó rồi, lại không để lỡ thời cơ mới là quan trọng.
Đối đầu với B-52, tốc độ của Mig-21 là siêu thanh, tới 1.500km/giờ, trong khi B-52 chỉ có 900km/giờ. Do đó, chỉ chậm 1 giây là mất nửa cây số. Chỉ cần cơ động tránh F-4 mất vài giây là hỏng hết mọi chuyện. Khi đó, tôi phải tận dụng cơ hội từng giây, để tạo cơ hội. Do tích lũy tốc độ cao nhất nên không cần tránh F-4, vì F-4 cũng không đuổi được. Mục tiêu duy nhất là bám theo B-52 đang bay trước mặt.
Tôi đã tiếp cận được B-52 theo đúng như những gì mình tính. Cách nó 3 km, tôi bắn 2 quả tên lửa. Quả cầu lửa bùng lên trước mắt, tôi điều khiển Mig-21 tránh sang trái, thoát khỏi vòng nguy hiểm và trở về sân bay Yên Bái an toàn.
Tất cả chỉ có vậy. Có vài giây thế thôi. Nhiều nhà báo trong và ngoài nước cứ hỏi khi đó mình nghĩ gì. Khi đó phi công chả nghĩ gì cả. Sống hay chết cũng chả nghĩ. Chỉ có vài giây thì nghĩ được cái gì? Đến mấy tốp F-4 bảo vệ B-52 bằng hệ thống tên lửa dày đặc cũng không thèm để ý nữa. Chỉ có mục đích duy nhất là hạ B-52”.
Có tới 50 quốc gia đã và đang sử dụng máy bay MiG-21, nhưng cho đến thời điểm này, không quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng không quân duy nhất đã sử dụng MiG-21 để tấn công trực tiếp B52 và bắn hạ được nó.