Trang chủ Ngày này năm xưa Trận Đăk Pơ – Chiến thắng lớn cuối cùng của Việt Nam...

Trận Đăk Pơ – Chiến thắng lớn cuối cùng của Việt Nam trước thực dân Pháp

Xe tăng Pháp phơi xác trên Quốc lộ 19 – Đăk Pơ
Xe tăng Pháp phơi xác trên Quốc lộ 19 – Đăk Pơ

Trận Đăk Pơ là trận phục kích của bộ đội chủ lực Liên khu 5 đánh quân Pháp rút chạy trên Quốc lộ 19, từ An Khê về Pleiku, ngày 24-6-1954. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trong cuộc chiến chống Pháp và cũng là chiến thắng lớn nhất của Việt Nam trên chiến trường Liên khu 5. Trận đánh do Trung đoàn 96 tiến hành.

Tháng 6-1954, lo sợ bị bao vây như ở Điện Biên Phủ, quân Pháp quyết định bỏ căn cứ An Khê rút về Pleiku. Binh đoàn Cơ động 100 (GM100) của Pháp do Đại tá Barrou chỉ huy, gồm ba tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, thiết giáp, công binh, thông tin, tiểu đoàn khinh quân… rút quân bằng cơ giới theo Quốc lộ 19 và dự kiến sẽ hội quân với Binh đoàn cơ động 42 và Binh đoàn dù 1 ở cây số 22.

Trung đoàn 96 gồm các Tiểu đoàn Bộ binh 79 và 40, hai đại đội trợ chiến được tăng cường hai đại đội của Trung đoàn 120, có sự hỗ trợ của một số đơn vị du kích, dân công và thanh niên xung phong, do trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu, chính ủy Nguyễn Hữu Thành, quyền tham mưu trưởng Khiếu Anh Lân chỉ huy được lệnh nhanh chóng vận động đến khu vực cầu Đăk Pơ, bố trí trận địa phục kích trên đoạn đường từ phía Tây đến phía Đông cầu Đăk Pơ, thuộc xã Hà Tam, huyện An Túc (nay là huyện An Khê, tỉnh Gia Lai).

Ảnh: Lính Pháp đầu hàng sau trận chiến.
Ảnh: Lính Pháp đầu hàng sau trận chiến.

Binh đoàn Cơ động 100 rời An Khê lúc 3 giờ ngày 24-6-1954. Đội hình chia làm 4 cụm với Tiểu đoàn Dã chiến 43 đi đầu, Tiểu đoàn Khinh quân 520 đi cùng đại đội thiết giáp và cơ quan chỉ huy binh đoàn, tiếp đó là Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 1, mỗi tiểu đoàn đều được tăng cường một đại đội pháo 105mm.

Trung đoàn 96 được lệnh chiếm lĩnh trận địa xung quanh khu vực cây số 15 trước khi trời sáng. 8 giờ, tin từ đài quan sát báo về có nhiều xe quân sự từ An Khê lên, có cả xe tăng, xe thiết giáp… trinh sát đếm được gần 400 chiếc. 

Lúc 10 giờ, trinh sát Trung đoàn 96 phát hiện lực lượng địch rất đông, đi thành hàng dọc, xe pháo đi giữa, bộ binh đi hai bên, đang hành quân từ An Khê về hướng trận địa của trung đoàn. Khi bộ phận đi đầu gần tới trận địa, các đơn vị vận động ra mặt đường chuẩn bị tiến công.

13 giờ ngày 24-6, đại bộ phận quân địch đã lọt vào trận địa phục kích, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu phát lệnh nổ súng. Hỏa lực súng cối, súng không giật, phóng bom và súng máy của các đơn vị bắn chính xác vào đội hình của địch, phá hủy một số xe thông tin, thiết giáp và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều binh lính địch, trong đó có ba sĩ quan cao cấp nhất của GM100. Đại tá Barrou bị thương. Đội hình Pháp ùn tắc, các toán quân trên xe hoảng loạn, không kịp chống đỡ, bộ đội ta từ trên cao, được sự chi viện của hỏa lực, tiến công mãnh liệt vào đội hình địch, chia cắt tiêu diệt từng bộ phận. Lực lượng địch ở phía sau mất chỉ huy nhưng vẫn cố gắng tổ chức lại lực lượng, mở nhiều đợt phản kích nhưng đều thất bại. Không quân Pháp chi viện không hiệu quả vì khoảng cách hai bên quá gần.

Đến 17 giờ 15 phút ngày 24-6, các tiểu đoàn quân Pháp được lệnh bỏ lại toàn bộ vũ khí, phương tiện xe cộ để vượt vòng vây. Trong khi đó, Trung đoàn 96 tiếp tục truy quét, tiêu diệt và bắt thêm một số lính Pháp.

Từ 8 giờ sáng 25/6/1954, máy bay Pháp lượn vòng vừa thả dù thuốc men, vừa dùng loa xin quân ta cho phép được dùng máy bay tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho thương binh của họ. Thực hiện chính sách nhân đạo của Việt Nam, quân ta chấp thuận đề nghị của họ, mỗi ngày cho 2 chuyến trực thăng từ Pleiku hạ cánh ngay trên mặt đường 19, nhưng thời gian và địa điểm do ta quy định. Việt Nam còn cử cán bộ y tế đến chăm sóc điều trị thương binh Pháp.

Đến 12 giờ ngày 25-6-1954, trận đánh kết thúc.

Lịch sử cũng có sự trùng lặp, ngày 24/6/1946, Pháp đánh chiếm Đăk Pơ và 8 năm sau cũng đúng vào ngày tháng này (24/6/1954), Pháp phải trả giá tại Đăk Pơ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề…”.

Trận Đăk Pơ là chiến công lớn nhất trên chiến trường Liên khu 5, với nhiều kỷ lục. Trước hết là kỷ lục về tiêu diệt sinh lực: Pháp chết 500; bị thương 600, bị quân Việt Nam bắt 800 người, có cả đại tá chỉ huy trưởng binh đoàn. Kỷ lục về chiến lợi phẩm, trong chiến thắng này ta thu 375 xe cơ giới, 18 khẩu đại bác 105mm cùng toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng.

Trước đó, chưa có trận nào lực lượng của ta ít hơn địch tới 5-6 lần mà chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ đã xóa sổ cả một binh đoàn cơ động: Binh đoàn 100 của Pháp bị tổn thất 85% xe cộ, 100% pháo binh và 68% trang bị thông tin, 50% súng trường và súng máy bị tịch thu.

Trong cả 30 năm đánh Pháp và đánh Mỹ, không có trận vận động phục kích nào lớn hơn trận Đăk Pơ. Toàn bộ xe pháo chiến lợi phẩm ở Đăk Pơ đều được đưa lên tàu tập kết ra Bắc và nhiều năm được tham gia duyệt binh.

Chính khẩu M1 Garand thu được trong trận Đăk Pơ đã nổ phát súng đầu tiên vào ngày 24/10/1958, mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang chống Mỹ của quân và dân Gia Lai.

Được tin Trung đoàn 96 thắng trận Đăk Pơ, Bác Hồ đã gửi thư khen: “… Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú, và thưởng đoàn vừa thắng khá ở An Khê, Huân chương Kháng chiến hạng nhất…”. Bức thư này được tạc trên bia đá tại Đài tưởng niệm chiến thắng Đăk Pơ.

Cái giá của chiến thắng không bao giờ rẻ. 147 liệt sĩ hy sinh tại trận Đăk Pơ, mới có 93 người xác định được họ tên, quê quán. Trong số các cựu chiến binh Trung đoàn 96 có ông Nguyễn Văn Song và một số người từng trực tiếp tham gia chôn cất 49 liệt sĩ hy sinh ngay tại mặt trận. Dưới sự chỉ dẫn của ông Song, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội, nhưng mọi dấu tích đã bị chiến tranh và thời gian xóa nhòa. Còn 98 cán bộ, chiến sĩ bị thương được đưa về cấp cứu tại Trạm phẫu thuật Quân y tiền phương của Trung đoàn 96 rồi hy sinh, được các chiến sĩ quân y và nhân dân địa phương chôn cất ngay gần trạm.

Từ những thông tin do người dân và Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Công Nghiêm, nguyên Quân y trưởng Trung đoàn 96 ngày ấy cung cấp, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 cũng nhiều lần trở khu vực đặt trạm phẫu năm xưa nhờ các già làng giúp đỡ tìm kiếm hài cốt đồng đội, nhưng cũng chưa có kết quả…