Thời Lý mạt, một điều may mắn cho vận mệnh dân tộc là không chỉ Đại Việt mà hầu như các nước láng giềng xung quanh đều vướng vào khủng hoảng, chiến tranh loạn lạc. Bởi vậy mà dù đấu đá nhau đã đời nhưng người Việt vẫn có đủ thời gian để chuyển giao triều đại suông sẻ. Tuy vậy, có lẽ là thời mạt vận nên kẻ tài hèn đức mọn lên nắm quyền cao nhiều, dẫn đến một số việc nhỏ nhoi cũng thành ra họa lớn.
Chuyện là vào năm 1203, nước Chiêm Thành bị Đế quốc Khmer đem quân đánh úp kinh đô Amaravati ( thuộc Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay ), dựa vào nội ứng của một kẻ phản bội tên là Dhanapatio Grama ( Bố Điền ), vốn là chú của vua Chiêm Sri Suryavarman ( Bố Trì ). Trước đó, Chiêm Thành đã xưng thần với Đại Việt và nhận sắc phong vương của triều đình nhà Lý. Vì vậy khi gặp nạn, Sri Suryavarman đã đem 200 chiến thuyền cùng vợ con, thuộc hạ và quân lính vượt biển sang Đại Việt cầu cứu, đóng quân ở cửa biển Cơ La ( Kỳ La ngày nay ), châu Nghệ An.
Được sự trình báo từ Nghệ An, vua Lý Cao Tông phái Thái phó Đàm Dĩ Mông và Đỗ An ( không rõ chức ) đem quân vào kinh lý. Khi vào đến nơi dò xét, Đỗ An bàn với Đàm Dĩ Mông rằng :
“Bố Trì có đến 200 chiếc thuyền, cái thằng lang sói dã tâm ấy, ta không thể hoàn toàn tin nó được. Ngạn ngữ có câu rằng:
Cái lỗ kiến mà làm vỡ đê,
Chút khói mà làm cháy nhà.
Nay bọn Bố Trì thì đông, chớ há có phải riêng cái lỗ kiến, cái chút khói mà ta nói ấy đâu. Xin ông hãy xét kỹ”.
( theo Đại Việt Sử Lược )
Sở dĩ Đỗ An tỏ ra đề phòng như vậy là vì lý lịch của ông vua Chiêm Thành cũng khá dữ dội. Sri Suryavarman xuất thân là một hoàng tử Chiêm Thành có tên là Vidyanandana, vì tránh nạn đấu đá quyền lực nên năm 1182 đã di cư sang đất của Đế chế Khmer. Tại đây, ông được vua Khmer là Jayavarman VII thu nhận làm tướng. Nhờ có công đánh dẹp, Vidyanandana được tin dùng và được phong làm Phó vương. Năm 1190, Vidyanandana dẫn quân Khmer xâm lược Chiêm Thành, chiếm được thành Vijaya và bắt sống vua huyền thoại của Chiêm Thành bấy giờ là Jaya Indravarman IV. Sau chiến thắng, Vidyanandana tiến quân vào xứ Panduranga ( vùng Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay, nằm cực nam nước Chiêm Thành ) xưng vương, lấy hiệu là Sri Suryavarman. Điều này cũng được Jayavarman VII chấp nhận, đổi lấy sự thuần phục của Sri Suryavarman. Phần lãnh thổ còn lại của Chiêm Thành ở thì bị quân Khmer trực tiếp chiếm đóng và cai trị.
Năm 1192, hoàng tử xứ Vijaya là Rasupati khởi nghĩa đánh đuổi được quân Khmer, giành lại độc lập cho Chiêm Thành, xưng là Jaya Indravarman V. Từ kinh đô Angkor, vua Jayavarman VII đã thả cựu vương Jaya Indravarman IV về nước. Hành động này thâm như thế nào thì các ngay sau đó sẽ rõ. Jaya Indravarman IV về nước tụ tập những vây cánh cũ lại, đòi tranh ngôi với Jaya Indravarman V. Sri Suryavarman thì chọn ngã theo phe của Jaya Indravarman IV để đánh vua Jaya Indravarman V. Vậy là một nước ba vua, nam bắc đánh nhau đã đời.
Ngay trong năm 1192, phe nhiều vua hơn giành chiến thắng. Sri Suryavarman dẫn quân nhập thành Vijaya trước, giết vua Jaya Indravarman V và trở mặt luôn với Jaya Indravarman IV. Cựu vương Jaya Indravarman IV cố gắng tiến đánh Vijaya nhưng thất bại. Sri Suryavarman thắng trận tiện tay bắt giết luôn Jaya Indravarman IV để lthống nhất đất nước. Tính sơ sơ thì Sri Suryavarman trong sự nghiệp chính trị của mình đã 3 lần trở cờ. Bởi vậy mà khi lâm nạn thì người khác nghi ngờ là không oan chút nào.
Đàm Dĩ Mông nghe lời bàn của Đỗ An, đem nói lại với Tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và Châu mục xứ này là Phạm Diên. Nhưng bọn Đỗ Thanh cãi lại : “Kẻ kia gặp nạn mới sang cầu cứu ở ta, ta nên đem lòng thành thực mà cứu giúp nhau. Nay ngược lại ta ngờ vực họ hai lòng thì như vậy có đáng không ?”
Đàm Dĩ Mông bấy giờ là cây cột chống trời của nhà Lý, được vua gọi là Phụ quốc, quyền uy tột đỉnh, bao phen cầm quân dẹp loạn. Khi nghe thuộc cấp bật lại mình như vậy thì rất tức giận. Trị tội bọn kia ? Không. Ông quê độ nên đơn phương dẫn quân về triều. Bỏ mặc những kẻ cấp dưới không nghe lời.
Khi Đàm Dĩ Mông đem quân về rồi, bọn Đỗ Thanh, Phạm Diên mới đâm sợ. Bảo nhau : “Bọn ta đã trái ý quan Phụ quốc [ tức Đàm Dĩ Mông ], tất không thoát điều chẳng lành, chi bằng hãy bí mật đem quân đánh Bố Trì, lấy đó làm kế vẹn toàn.” Cần biết rằng, binh lực Nghệ An thời Lý đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ mặt nam, làm chỗ dựa cho cả các châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình nên rất đông mạnh. Dưới thời vua Lý Anh Tông, chỉ riêng binh thuyền hai xứ Thanh Hóa, Nghệ An đã có thể cầm chân đế quốc Khmer xâm lấn mấy lần. Bởi vậy mà quan tướng Nghệ An mới nuôi hy vọng đánh vua Chiêm.
Sau đó, bọn Đỗ Thanh đề nghị quân Chiêm Thành buộc thuyền với quân Đại Việt, bắt chước kiểu như Tào Tháo làm kế Liên Hoàn Chiến Thuyền để chờ cơ đánh úp quân Chiêm Thành. Nhưng chẳng hiểu vì sao mưu ấy lại bị lộ, Sri Suryavarman biết mưu, buồn bã nói với thuộc cấp : “Bọn ta gặp nạn mới đến cầu cứu ở nước lớn. Nước lớn đã không có cái điều nghĩa thương xót mà trái lại còn muốn bắt tội làm tù nữa, đau đớn quá chừng.”
Rốt cuộc quân Chiêm vẫn đồng ý kết thuyền với quân Đại Việt nhưng chờ đêm tối ra tay trước. Khi lính canh thuyền Đại Việt lơ là, quân Chiêm Thành phóng hỏa tấn công. Quân Đại Việt định đánh lén người ta nhưng chẳng hiểu sao vẫn bị bất ngờ và tan vỡ. Đỗ Thanh, Phạm Diên đều bị giết. Binh lính nhảy xuống nước tránh lửa chết hơn 200 người, toàn bộ là quân xứ Nghệ. Sri Suryavarman sau đó thả quân cướp bóc tan tành Nghệ An rồi dong thuyền ra biển đi đâu chẳng rõ, mãi mãi mất dấu trong lịch sử.
Cái kết là Chiêm Thành từ đó trở thành thuộc địa của đế chế Khmer, với vị vua bù nhìn là Dhanapatio Grama. Phải đến năm 1220, quân Khmer đơn phương rút quân về nước đánh dẹp dân Thái nổi dậy thì Chiêm Thành mới có được độc lập. Còn Đại Việt từ năm 1203 đến tận thời Trần từ Nghệ An về nam liên tiếp bị quân Chiêm Thành, quân Khmer cướp phá, nhiều đợt lớn nhỏ không kể xiết.