Năm 1950, cuộc chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 4 năm. Quân đội viễn chinh Pháp không thể tiêu diệt được lực lượng Việt Minh ở vùng rừng núi Việt Bắc. Trong khi Việt Minh đang xây dựng các Đại đoàn để thực hiện những cú đấm lớn, thì Pháp cũng xây dựng các binh đoàn cơ động để thực hiện các chiến dịch bình định.
Để lấy lại thế chủ động, Pháp xây dựng một hệ thống phòng ngự kéo dài suốt dọc đường số 4 để kiểm soát biên giới Việt – Trung. Các vị trí phòng ngự Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng có công sự kiên cố để trú đóng lâu dài, đồng thời có các lực lượng cơ động sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Phía Việt Minh quyết tâm đánh bại chiến lược này. Trên toàn tuyến phòng ngự, Đông Khê và Thất Khê là nơi có ít quân đồng trú nhất. Cao Bằng là nơi có lực lượng mạnh nhưng sẽ bị cô lập nếu Đông Khê và Thất Khê bị mất. Lạng Sơn là nơi có lực lượng cơ động trú đóng, quân tiếp viện chắc chắn sẽ từ hướng đó đi lên. Việt Minh thực hiện “công đồn đả viện”, tiêu diệt Đông Khê rồi phục kích các cánh quân Pháp lên chi viện.
Tướng Hoàng Văn Thái sử dụng 2 trung đoàn có cối và DKZ hỗ trợ để tấn công Đông Khê, với một trung đoàn nữa làm dự bị. Quân Pháp có hệ thống công sự mạnh chống trả ác liệt, trận chiến diễn ra suốt 4 ngày. Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tiểu đội trưởng La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương để tiếp tục lao lên đánh bộc phá. Đến ngày thứ 4 cứ điểm hoàn toàn thất thủ. Trong tổng số 350 quân Pháp chỉ có 20 người chạy thoát.
Đây là lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam áp dụng thành công chiến thuật công kiên có hiệu quả ở cấp trung đoàn. Thắng lợi của trận Đông Khê đã tạo điều kiện quan trọng cho chiến dịch biên giới, đồng thời mở ra một giai đoạn chiến đấu mới: chuyển từ cách đánh du kích sang đánh chính quy.