Tổng hợp các danh nhân lịch sử chết vì ăn nhậu hoặc cái chết có liên quan đến ăn nhậu. Tất nhiên, ở đây có lẽ chỉ là một số ít. Ngoài ra còn nhiều người nữa chưa thống kê được hết. Bia rượu trước giờ là nguyên nhân nguy hiểm cho rất nhiều người. Kể cả người là anh hùng cái thế hay quyền uy vô hạn cũng có thể chết vì nó.
1. Tướng Cleitus Đen – Người cứu mạng vua Alexanderos Đại đế :
Cleitus the Black là người đã có quan hệ bạn bè thân thiết với vua Alexanderos từ thời niên thiếu, từng theo vua vào sinh ra tử nhiều phen, đóng góp rất lớn vào cuộc chinh phục Ba Tư. Cleitus đã cứu mạng của Alexanderos tại trận Granicus năm 334 TCN. Trong trận này, quân Ba Tư đã dàn trận sẵn bên bờ sông chờ quân Macedonia. Bất chấp tất cả, Alexanderos đích thân cùng đội kỵ binh vượt sông. Những binh sĩ tinh nhuệ nhất phía Ba Tư dồn về hướng Alexanderos, thống chế Ba Tư Spithridates đã đánh trúng Alexanderos một rìu làm cho Alexanderos ngã và bị thương ở đầu, choáng váng. Khi Spithridates ra đòn kết liễu thì bị Cleitus chặt đứt cánh tay và hạ sát luôn.
Sau tất cả những thành công trên chiến trường, vua Alexanderos đại đế tỏ ra tự mãn. Ông tôn sùng văn hóa Ba Tư, xao nhãng truyền thống Macedonia và tự cho mình tài giỏi hơn vua cha Philipos II. Trong một buổi tiệc rượu khoảng năm 328 TCN, khi Alexanderos đang khoe khoang về bản thân thì Cleitus châm vào rằng vua Alexanderos không xứng đáng là vua Macedonia ( tất nhiên là lúc này cả hai đều say mèm rồi ). Vua Alexanderos nổi xung lên và hai người cãi nhau dữ dội. Cuối cùng, Cleitus lĩnh trọn một mũi lao do Alexanderos phóng và ngẻo.
2. Hổ tướng Nam Cung Trường Vạn nước Tống :
Thời Xuân Thu, nước Tống có Nam Cung Trường Vạn nổi tiếng là người có sức khỏe địch muôn người nên được vua Tống Mẫn Công tin dùng, cho làm đại tướng. Nam Cung Trường Vạn và Tống Mẫn Công là người cùng trang lứa nên cũng là một đôi bạn thân.
Khi nước Tề và nước Lỗ có mâu thuẫn, nước Tống đã về phe của Tề, liên binh tiến đánh nước Lỗ. Liên quân Tề – Tống chia làm hai cánh mà tiến. Nam Cung Trường Vạn ỷ vào sức khỏe nên bày binh lộn xộn, bị công tử Yến nước Lỗ đánh úp. Quân Tống tan chạy hết, một mình Nam Cung Trường Vạn bị vây, trúng tên ngã ngựa và bị bắt làm tù binh.
Về sau, hai nước Lỗ và Tống lại hòa thuận nên vua Tống Mẫn Công xin Lỗ trả Nam Cung Trường Vạn. Vua Tống Mẫn Công cậy chỗ thân thiết nên không giữ lễ, nhiều lần trêu chọc Nam Cung Trường Vạn. Khi Trường Vạn về ra mắt, vua Tống Mẫn Công trêu đùa : “Ngày trước ngươi là tướng, ta rất mực kính yêu. Nhưng nay ngươi là tù binh nước Lỗ, ta không còn kính yêu nữa”. Nam Cung Trường Vạn hổ thẹn đỏ mặt, cáo lui.
Mặc dù được quan Đại phu Cửu Mục khuyên can nên giữ lễ vua tôi, nhưng Tống Mẫn Công không nghe lời. Tống Mẫn Công sai Nam Cung Trường Vạn làm trò ném kích mua vui. Cung nhân nghe nói cũng muốn xem. Thế là khi rảnh rỗi Tống Mẫn Công lại sai Trường Vạn biểu diễn cho cung nhân của vua xem. Trường Vạn ném kích cao lên mấy trượng rồi chờ kích rơi xuống mà dùng tay bắt, lần nào cũng bắt trúng. Cung nhân ai nấy đều thán phục. Tống Mẫn Công thấy vậy sinh lòng ghen tức, sai bày bàn cờ đánh với Nam Cung Trường Vạn, ai thua thì uống một bát rượu phạt lớn.
Vốn Tống Mẫn Công giỏi đánh cờ, còn Nam Cung Trường Vạn là hạn võ biền nên thua liền năm lượt, uống hết năm bát rượu. Khi đã ngà ngà say Trường Vạn vẫn xin đánh tiếp. Vua Tống Mẫn Công mới nhân đó mà khích bát : “Tù nhân thì ắt phải thua. Dù đánh thêm mấy ván cũng chẳng thắng nổi.” Trường Vạn căm tức nín nhịn.
Vừa lúc ấy thì có thiệp của sứ giả nhà Chu báo tang Chu Trang Vương. Tống Mẫn Công nhận được thiệp bèn nói : “Thế là ta phải sai sứ đến triều Chu báo tang và chúc mừng vua mới”. Nam Cung Trường Vạn đang say rượu mới tâu : “Tôi nghe kinh đô nhà Chu đẹp lắm mà mắt chưa từng thấy, xin chúa công cho tôi đi sứ”.
Tống Mẫn Công nghe vậy vừa cười vừa nói : “Khi nào nước Tống không còn ai nữa thì mới sai tù nhân đi sứ”. Các cung nhân đều cười ầm lên. Nam Cung Trường Vạn bị trêu chọc hết lần này đến lần khác, lại đang say rượu nên không kìm nén nỗi nữa, giận dữ mặt đỏ bừng bừng. Trường Vạn lớn tiếng quát : “Hôn quân vô lễ. Ngươi phải biết tù nhân có thể giết người được”.
Tống Mẫn Công nghe xong cũng nổi giận nói : “A ! Thằng tù nhân ! Mày dám nói càn đến thế sao ?”. Nói xong, Tống Mẫn Công giật kích của Trường Vạn định đâm. Nam Cung Trường Vạn liền lấy bàn cờ phang liên tiếp vào đầu Tống Mẫn Công chết tươi. Cung nhân sợ hãi bỏ chạy tán loạn.
Nam Cung Trường Vạn cầm kích ra khỏi cung, đến cửa thì gặp đại phu Cửu Mục hỏi vua Tống Mẫn Công đâu. Trường Vạn đáp : “Hôn quân vô lễ, ta đã giết rồi. Chớ hỏi làm gì”. Cửu Mục còn tưởng Trường Vạn say rượu nói xàm nên cười hỏi : “Uống bao nhiêu rượu mà say đến thế ?”. Trường Vạn lại đáp : “Ta không say rượu, ta nói thật đấy”. Nói xong đưa tay be bét máu cho xem. Cửu Mục thất kinh mắng : “Đồ phản nghịch giết vua ! Tội ấy khó dung !”. Mắng rồi Cửu Mục lao vào đánh Trường Vạn, lại bị Nam Cung Trường Vạn đấm một phát vào đầu. Đầu Cửu Mục vỡ nát ra từng mảnh, răng gãy bắn ghim sâu vào cánh cửa. Thái tể Hoa Đốc hay tin dẫn quân đến bắt cũng bị Nam Cung Trường Vạn xáng một kích chết không kịp ngáp.
Nam Cung Trường Vạn sau khi một mình đồ sát cả vua lẫn đại phu, thái tể thì tôn công tử Du lên làm vua nước Tống. Quần thần nước Tống và các công tử khác của nước Tống đều nổi lên chống lại, liên kết với khắp các nước chư hầu để đánh Nam Cung Trường Vạn. Công tử Nghị Thuyết lãnh đạo ba quân đánh bại Nam Cung Trường Vạn, giết chết công tử Du. Nam Cung Trường Vạn một thân một mình đón mẹ chạy sang nước Trần lánh nạn, một người một chiến xa mở đường máu chạy dài từ nước Tống sang nước Trần, không ai địch nổi.
Sang đến nước Trần, Nam Cung Trường Vạn được dung nạp vì Trần và Tống vốn đối nghịch. Nhưng rồi công tử Nghị Thuyết, lúc này đã lên ngôi gọi là Tống Hoàn Công đem lễ vật đút lót xin giao người. Nước Trần đồng tình nhưng vẫn sợ sức của Nam Cung Trường Vạn không ai địch nổi. Vua Trần Tuyên Công mới theo kế công tử Kết nước Trần giả vờ trọng đãi Trường Vạn. Công tử Kết làm thân với Nam Cung Trường Vạn, rồi bày tiệc chuốc rượu say Trường Vạn. Xong rồi công tử Kết dùng da dê quấn người Nam Cung Trường Vạn, dùng gân trâu trói bên ngoài thật chắc đem gởi cho vua Tống Hoàn Công. Về đến gần kinh thành Tống thì Nam Cung Trường Vạn tỉnh rượu vùn vẫy rách cả da dê, binh sĩ Tống thấy vậy lấy gậy đập gẫy cả xương sống.
Tống Hoàn Công sai lóc thịt Nam Cung Trường Vạn làm mắm, chia cho các quan ăn.
Vậy là Nam Cung Trường Vạn có hai lần say rượu nổi tiếng. Lần thứ nhất ngà ngà say nên giết mỗi vua, đại phu và thái tể. Lần thứ hai say rượu hết biết trời trăng nên bị bắt giết :v Anh hùng một thời bỗng chốc trở thành phản tặc bị khắp các nước chư hầu truy sát. Cũng chỉ vì say rượu thiếu kìm chế mà ra !!!
3. Vua Attila of the Huns – Vua Hung Nô chết vì quá chén trong tiệc cưới
Người Hung Nô là một tộc người du mục sống ở vùng thảo nguyên Trung Á. Vào thế kỷ thứ 5, Hung Nô đã phân hóa thành Bắc Hung Nô và Nam Hung Nô. Vua Attila là Thiền vu của Bắc Hung Nô, hay còn gọi là Huns theo cách gọi của người Châu Âu. Dưới sự trị vì của Attila, người Hung Nô đã tạo được một liên minh bộ lạc du mục rộng lớn với các sắc dân Slav, Vandal, Goth … tổ chức một cuộc xâm lăng quy mô lớn vào đế chế Đông La Mã. Cuộc xâm lăng đã tàn phá đế chế lừng lẫy này trầm trọng. Vua Attila nổi lên như một bá chủ thực sự với lãnh thổ trải dài từ Á sang Âu, là nổi kinh hoàng của người La Mã.
Chinh chiến nhiều trận, nhưng vua Attila lại không chết trong chiến trận mà có một cái chết lãng nhách. Trong tiệc cưới vợ bé tên là Idico, tại thung lũng Tisza, Hungary vua Attila đã nhậu say bí tỉ và ngủ gục ngay tại bàn nhậu. Sau đó, vua bị chảy máu cam và chết ngạt trong chính máu của mình. Cái chết này đánh dấu sự tan rã nhanh chóng của liên minh du mục, còn người La Mã thì có thể thở phào sống yên ổn.
4. Tín Lăng Quân Vô Kỵ, công tử nước Ngụy – Lưỡng quốc tướng quân mà quân Tần khiếp sợ bậc nhất
Vô Kỵ người nước Ngụy, con út Ngụy Chiêu Vương, được phong là Tín Lăng Quân.
Tín Lăng Quân nổi danh khắp thất hùng với chiến công giải cứu hai nước Triệu và Ngụy khỏi các cuộc tấn công của quân Tần. Ban đầu Tín Lăng Quân là thần tử của nước Ngụy. Nhưng khi quân Tần vây nước Triệu đã giả chiếu của vua Ngụy để lấy binh phù thống lĩnh quân đội nước Ngụy. Sau đó ông dẫn quân Ngụy giải cứu cho nước Triệu, đánh quân Tần một trận tơi bời. Cứu xong nước Triệu, Tín Lăng Quân trả binh quyền lại cho vua Ngụy, ở hẳn nước Triệu. Một thời gian sau, nước Tần lại đem quân đánh nước Ngụy. Lúc này quân Ngụy liên tiếp thua trận, lại cho sứ sang Triệu cầu cứu Tín Lăng Quân. Ông bèn trở về nước Ngụy lĩnh ấn đại tướng, đánh lui quân Tần. Oai danh của Tín Lăng Quân lúc này vang dội đến nổi có thể hiệu triệu quân khắp các chư hầu chống Tần, đánh quân Tần đến tận ải Hàm Cốc. Quân Tần từ thế công trở thành thế thủ, không dám xuất quân đánh nước nào nữa. Người người mang binh pháp đến dâng, Tín Lăng Quân biên soạn lại thành bộ Ngụy Công tử binh pháp.
Sau vua Ngụy là An Ly Vương trúng kế ly gián của sứ giả Tần, ghen tỵ và nghi ngờ Tín Lăng Quân nên đã thay tướng. Tín Lăng Quân về vườn, chán nản thả sức ăn chơi hưởng lạc, uống rượu thì suốt đêm, xong lại chơi gái. Được bốn năm thì chết vì rượu. Sau khi Tín Lăng Quân chết, quân Tần lập tức phát binh đánh Ngụy, được 10 năm thì nước Ngụy diệt vong. Các chư hầu còn lại sau đó cũng lần lượt bị Tần thôn tính. Con người như Tín Lăng Quân, được coi như là lá chắn cuối cùng giúp các nước chư hầu cuối thời Chiến Quốc chống lại sự bành trướng của nước Tần, là anh hùng bậc nhất thời kỳ này. Rốt cuộc chết vì rượu và gái
5. Thi thánh Đỗ Phủ chết vì bội thực, kết cục buồn thảm của kiếp thi nhân.
Đỗ Phủ ( 708 – 766 ) là nhà thơ nổi tiếng của đế chế Đường ( Trung Quốc ). Ông được người Trung Hoa phong làm Thi Thánh, sánh ngang với Thi Tiên Lý Bạch, được coi là hai nhà thơ xuất sắc nhất lịch sử Trung Hoa.
Tuy nổi danh về văn học như thế, nhưng Đỗ Phủ lại có một cuộc sống lang bạt nghèo khổ. Cuộc đời ông tuy có đôi lần dấn thân vào quan lộ nhưng bị nhiều lý do nên ông chỉ được phong làm những việc bất đắc chí, danh phận thấp hèn. Chán nản, Đỗ Phủ rời chốn quan trường sống đời phiêu bạt trên một chiếc thuyền con rách nát. Số phận của ông gắn liền với những nhân dân đế chế Đường bị đày ải trong đói khổ và loạn lạc bởi cuộc chiến giữa các đội quân triều đình và các đội quân khởi loạn của An Lộc Sơn, Sử Tư Minh.
Năm 766, ông cùng gia đình lang bạt tới Lỗi Dương, Hồ Nam, gặp cảnh nước lụt đói kém.
Theo sách Cựu Đường Thư chép :
“Trong thời gian chạy loạn Phủ từng đi thuyền dạo chơi ở Nhạc Miếu, bị nước lớn ngăn cản, cả 1 tuần [ tuần xưa là 10 ngày ] không được ăn, quan Lệnh huyện Lỗi Dương biết được, bèn tự chèo thuyền đi đón Phủ về, cho ăn thịt bò uống rượu trắng, trong đêm [ ăn no ] thì chết ở Lỗi Dương, lúc 59 tuổi, bấy giờ là năm Vĩnh Thái thứ 2 “. ( dẫn theo Ẩn Sĩ – Diễn đàn LSVN )
Sách Minh Đường Tạp Lục chép kỹ hơn :
“Khi Đỗ Phủ lang bạt tới Lỗi Dương, Hồ Nam thì gặp phải lũ lớn, suốt 10 ngày liền không được ăn uống miếng nào. May sao, sau đó được quan huyện lệnh vùng đó phái thuyền tới cứu đồng thời tặng cho Đỗ Phủ một ít thịt bò và rượu trắng.
Sau hơn 10 ngày phải nhịn đói, thông thường phải ăn từ từ thì dạ dày mới có thể thích ứng kịp và mới có thể tiêu hóa được. Tuy nhiên, do quá đói, Đỗ Phủ đã ăn ngấu nghiến hết chỗ thịt bò được tặng. Thịt bò vốn không phải là thứ đồ ăn dễ tiêu hóa. Kết quả dạ dày của Đỗ Phủ không chịu đựng được, dẫn tới cái chết của Đỗ Phủ. Năm đó ông 59 tuổi”.
Cái chết của Đỗ Phủ là chết no hoặc trúng thực theo cách gọi dân gian. Theo Đông Y thì rất kỵ việc đói lâu no dồn. Đỗ Phủ cả cuộc đời khổ sở, không biết ăn được mấy bữa rượu thịt. Cuối cùng lại chết vì rượu thịt. Âu cũng là một chuyện đáng thương tâm !
6. Thi tiên Lý Bạch chết trong cô độc :
Kỳ trước đã nói về cái chết của Thi thánh Đỗ Phủ, chết vì thịt bò và rượu. Bây giờ lại nói về Thi tiên Lý Bạch, cũng chết vì rượu.
Lý Bạch ( 701 – 762 ) sống vào đời nhà Đường là nhà thơ nổi tiếng hàng đầu lịch sử Trung Hoa. Ông là tiến bối của Đỗ Phủ. Điều may mắn cho Lý Bạch là thời trai trẻ ông sống là lúc thịnh trị của đế chế Đường, đó là những năm đầu thời Đường Huyền Tông. Nhờ có tài năng xuất chúng, Lý Bạch đi đến đâu cũng được người đời mếm mộ và đón tiếp. Do đó, ông tha hồ ngao du khắp nơi, tay kiếm tay bầu rượu ngâm thơ và kết giao bạn bè.
Có thời gian Lý Bạch được tiến cử vào cung làm quan. Nhưng do tính cách nhậu nhẹt bê bối, không kiêng nể ai nên bị thất sủng. Ông bèn vác bầu rượu tiếp tục lang thang. Đến năm 755 thì loạn An Sử nổ ra, Lý Bạch không còn sống được cuộc sống như trước đây nữa mà phải sống ẩn dật nơi thâm sơn. Rồi sau vì kết giao với kẻ làm phản mà bị liên lụy, suýt thì bị chém nhưng được giải oan.
Trong một đêm trăng tròn tại sông Thái Trạch, huyện Đang Hồ, Lý Bạch ăn nhậu say xỉn rồi nhảy xuống nước mò trăng. Sau đó người ta lại phải xuống sông vớt xác ông. Có người nói ông tự tử, người nói ông bị tâm thần. Nhưng có điều chắc chắn là Lý Bạch chết trong lúc say xỉn.
theo FB Văn Hóa Lịch Sử