Cuộc chuyển giao quyền lực từ vua Giản Định sang vua Trùng Quang đã may mắn không trở thành một cuộc chiến tương tàn tai hại, dù cũng có một số mất mát nhất định. Nhưng điều tai hại nhất là chính là quân ta đã lãng phí quá nhiều thời gian lẽ ra nên dành cho việc tiếp tục đà thắng lợi để đánh đuổi hoàn toàn quân Minh. Tranh thủ lúc nội bộ nhà Hậu Trần lục đục, Minh triều đã có những bước đi quan trọng để đảo ngược tình thế.
Trong lúc Mộc Thạnh vẫn cố gắng tử thủ tại thành Đông Quan và tận dụng lực lượng ngụy binh của chúng ở Đại Việt kéo dài thời gian thì ở nước Minh, một kế hoạch tăng viện quy mô đã được tiến hành. Khi tin tức bại trận ở Bô Cô về đến triều đình nước Minh, tháng 2.1409 Chu Đệ ra lệnh tập họp binh mã 10 tỉnh là Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Quí Châu, Vân Nam, Trấn Giang tất cả cộng lại gồm 13 vệ quân, tổng quân số là 72.800 người (Minh Thực Lục chép giảm còn 4 vạn, không khớp với số quân biên chế cho 13 vệ, mỗi vệ 5.600 quân).
Ngoài số quân này, còn có 7.000 quân hộ vệ tinh nhuệ. Tổng số quân Minh tăng viện dưới trướng Mộc Thạnh là khoảng 79.800 tên. Số quân này đông hơn gấp đôi quân đội nhà Hậu Trần, lại hầu hết là quân đã được huấn luyện kỹ, trang bị tốt và giàu kinh nghiệm chiến đấu. Đồng thời với việc lãnh nhiệm vụ chỉ huy quân tiếp viện, Trương Phụ cũng thay thế Mộc Thạnh lãnh chức Tổng binh. Còn Mộc Thạnh vì đã để thua trận thảm hại ở Bô Cô nên bị gián xuống làm Phó tổng binh.
Tháng 3.1409, vừa lúc Trương Phụ sắp ra quân cũng là lúc Quốc công Đặng Tất và Đồng tri khu mật viện Nguyễn Cảnh Chân bị ám hại. Các tin tức này đều được vua Minh theo dõi sát sao. Chu Đệ đã gởi chiếu thư cho Trương Phụ :
“Từ khi Kiềm quốc công Mộc Thạnh ra quân thất luật, bọn giặc trở nên giảo hoạt. Nay nghe rằng tên Đặng Tất thuộc đảng giặc đã chết, mà bọn Lão Qua, Bát Bách vẫn còn cung cấp lương thực, vậy cung cấp cho ai? Nghe giặc rêu rao rằng có đến 50.000 con voi, và bảo tướng soái ta dễ đánh. Đó là do tướng soái ta trước đây thiếu mưu kế, để cho man di khinh lờn. Các ngươi phải lấy đó làm răn, cùng đồng tâm hiệp lực dẹp đám giặc này, để được yên một phương”.
Qua lời chiếu của Chu Đệ một lần nữa cho thấy rằng nước Minh vẫn có lòng khinh thường dân ta. Chiếu thư cũng phản ánh được việc hư trương thanh thế của quân Hậu Trần. Quả thực quân ta có đội tượng binh khá mạnh đã góp công không nhỏ vào các trận chiến, nhưng số lượng chỉ có khoảng hàng trăm mà thôi.
Tháng 7.1409, hai vua nhà Hậu Trần chia quân vây thành Đông Quan và phủ dụ nhân dân vùng Kinh lộ cùng hưởng ứng chống Minh. Lúc này Trương Phụ đã kéo quân sang nước ta rồi nhưng vẫn chưa tung quân đánh ngay mà đang đóng ở Bắc Giang, vào rừng đốn gỗ đóng chiến thuyền. Vì hắn đã nhìn thấy được sức mạnh của thủy quân Hậu Trần thông qua các thông tin tình báo, nên muốn xây dựng một đội thủy quân hùng hậu để giành lợi thế.
Trương Phụ chưa xuất quân là vì muốn chuẩn bị cho thật kỹ càng. Còn về phía quân ta, phong trào kháng Minh do nhà Hậu Trần phát động đã lan rộng, xuất hiện hàng loạt các cuộc khởi nghĩa khác nổi lên phối hợp. Lạng Giang có quân của Hoàng Thiêm Hữu. Quảng Oai có Hoàng Cự Liêm. Kiến Thụy (Hải Phòng) có Nguyễn Sư Cối và Đỗ Nguyên Thổ khởi binh đông hàng vạn. Thanh Hoa có Đồng Mặc xưng Lỗ lược tướng quân, đánh giết được tướng Minh là Tả Địch, khiến tướng khác là Vương Tuyên Thế cùng quẫn phải thắt cổ tự tử. Trường Yên có Đỗ Cối và Nguyễn Hiệu. Khoái Châu có Phạm Tuần. Thái Nguyên có Ông Lão, Chu Sư Nhan, Bùi Quý Thăng…
Ngay tại ngoại vi thành Đông Quan cũng có Lê Nhị nổi lên giết được Đô ty Lư Vượng, Lê Khang khởi binh tiễu trừ ngụy binh. Quân Minh cùng ngụy binh phải rút cả vào thành. Nhân dân Đại Việt một lần nữa gần như tiến tới tổng khởi nghĩa chống giặc. Ngoài ra, nhà Hậu Trần còn liên minh được với nước Lão Qua (thuộc Lào), nước Bát Bách (Chiềng Mai, Thái Lan ngày nay), nhờ hai nước này cung cấp lương thực, voi ngựa để đánh quân Minh.
Phong trào khởi nghĩa toàn quốc lúc này tuy rầm rộ nhưng vẫn có điểm yếu cố hữu của những phong trào toàn dân có tổ chức lỏng lẻo. Dù có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhưng cũng chỉ có quân của nhà Hậu Trần và vài ba cuộc khởi nghĩa khác có lực lượng thống nhất về hành động, thủ lĩnh có năng lực chỉ huy, quân sĩ có kỷ luật. Còn lại đa số cũng chỉ là những người dân cầm vũ khí, không có năng lực chiến đấu khi phải đối đầu với đội quân có kỷ luật. Và ngay chính trong hàng ngũ quân Hậu Trần thì chất lượng quân lính cũng không đồng đều. Thời gian không đủ nhiều để Trùng Quang đế và các tướng lĩnh có thể huấn luyện tốt cho tất cả những tân binh mới gia nhập.
Vì vậy, khi xét tương quan lực lượng thì quân Hậu Trần không đến nỗi quá thua kém quân Minh về số lượng nhưng nếu tính về lực lượng quân chính quy thì quân ta chỉ có tầm 3-4 vạn quân, còn lại chỉ là quân trợ chiến, sẽ dễ dàng tan rã nếu chiến đấu độc lập với quân chính quy. Còn các lực lượng khởi nghĩa khác chỉ đủ năng lực quấy rối, kìm chế quân Minh ở một số nơi chứ vẫn không đủ lực để phối hợp với quân Hậu Trần.
Tháng 9.1409, nhận thấy việc chuẩn bị thủy quân đã đủ, Trương Phụ tung quân tiến đánh nhà Hậu Trần. Bấy giờ Đông Quan đã bị quân ta uy hiếp trầm trọng nhưng Trùng Quang đế vẫn không tung quân phá thành vì để làm điều đó, đòi hỏi một sự hy sinh đáng kể trong khi Trương Phụ đóng quân ở Bắc Giang mới là lực lượng hùng mạnh đáng lo nhất. Khối quân của Trùng Quang vẫn đóng ở Bình Than, còn vua Giản Định thì đóng ở Hạ Hồng. Trương Phụ đem quân xuống, trước tiên tiến đến Đông Quan đánh dẹp các quân khởi nghĩa đang bao vây quân Minh dưới trướng Mộc Thạnh. Quân Minh với lực lượng đông mạnh hơn tuyệt đối, bắt đầu từ Đông Quan đánh tỏa ra xung quanh. Các quân khởi nghĩa ở ngoại vi Đông Quan dù kiên cường chiến đấu nhưng nhanh chóng bị đánh tan, nhiều người bị tàn sát.
Củng cố được thành Đông Quan rồi, Mộc Thạnh cùng Trương Phụ bắt đầu đem quân nhằm thẳng vào lực lượng của nhà Hậu Trần, lá cờ đầu của phong trào chống Minh lúc bấy giờ. Một giai đoạn khó khăn mới lại đến với nhà Hậu Trần khi phải đối đầu trực tiếp với hai tướng lão luyện hàng đầu của nước Minh.
Quốc Huy/Một Thế Giới