Trang chủ Kiến Thức Sai lầm khủng khiếp của CIA trong sự kiện Vịnh Con Lợn...

Sai lầm khủng khiếp của CIA trong sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961

Kịch bản lật đổ chính phủ Cuba của Mỹ là: dựng lên một lực lượng đối lập, tự xưng là Hội đồng Cách mạng Cuba (CRC). José Miró Cardona, cựu Thủ tướng Cuba thời độc tài Batisra được cử làm chủ tịch. Sau đó sẽ hỗ trợ phe đối lập này đổ bộ vào Cuba, kích động nổ loạn lật đổ chính quyền Fidel Castro. Cardona trên thực tế là tổng thống được chuẩn bị sẵn cho chính quyền Cuba hậu xâm lược. Lực lượng này, tự xưng là Lữ đoàn 2506, được Mỹ huấn luyện và trang bị cẩn thận tại các trung tâm quân sự ở Guatemala. Ngày 9 tháng 4 năm 1961, nhân sự, tàu bè, và máy bay của Lữ đoàn 2506 bắt đầu được chuyển từ Guatemala sang Puerto Cabezas, Nicaragua để chờ đổ bộ.

Vào khoảng 6 giờ sáng giờ Cuba ngày 15 tháng 4 năm 1961, tám máy bay ném bom Douglas B-26B Invader chia làm ba nhóm, đồng thời tấn công ba sân bay của Cuba, tại San Antonio de Los Baños và tại Ciudad Libertad (trước đó có tên là Campo Columbia), đều gần La Habana, cộng với Sân bay Quốc tế Antonio Maceo ở Santiago de Cuba. Những chiếc B-26 đã được CIA chuẩn bị trên danh nghĩa Lữ đoàn 2506, và được xóa đi mọi dấu hiệu của Mỹ, sơn lại dấu hiệu của FAR, tức lực lượng không quân cách mạng Cuba. Mỗi chiếc đều được trang bị bom, hỏa tiễn và súng máy. Chúng đã bay từ Puerto Cabezas ở Nicaragua, và được các phi công và hoa tiêu Cuba lưu vong tự gọi mình là “lực lượng không quân Giải phóng” (FAL). Mục đích của điệp vụ này (bí danh Chiến dịch Puma) là để phá hủy phần lớn hoặc tất cả máy bay vũ trang của không quân Cuba nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ chính.

Khoảng 90 phút sau, một chiếc B-26 cất cánh nhằm nghi binh bay gần Cuba nhưng hướng đến Florida ở phía bắc. Cũng như các nhóm ném bom, nó mang dấu hiệu giả của Quân cách mạng Cuba và cùng con số 933 như hai chiếc khác. Trước khi cất cánh, miếng bọc động cơ của một trong hai động cơ của máy bay được các nhân viên CIA tháo ra, xả đạn vào đó, rồi lắp lại để ngụy tạo rằng chiếc máy bay đã bị bắn đâu đó trên đường bay. Sau khi đã đạt được khoảng cách an toàn về phía Bắc Cuba, phi công làm hỏng động cơ có dấu đạn bắn sẵn, rồi báo cuộc gọi cấp cứu, yêu cầu được phép hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Quốc tế Miami. Phi công là Mario Zúñiga, trước thuộc không quân Cuba nhưng đã lưu vong, và sau khi hạ cánh ông ta khai mình là “Juan Garcia”, tuyên bố mình cùng ba đồng đội khác vừa đào ngũ khỏi Quân đội Cuba. Thời điểm đó, phần lớn truyền thông thế giới bị thuyết phục rằng cuộc tấn công vào các căn cứ của FAR là từ một phe chống Cộng trong nội bộ Cuba, và không có sự tham gia của tác nhân bên ngoài.

Sơ đồ chiến dịch. Ảnh: BBC

Sau khi các sân bay bị ném bom lúc 6h00, vào 10h30 sáng ngày 15/4 tại Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Raúl Roa buộc tội Mỹ đã tấn công không quân vào Cuba, và chiều hôm đó chính thức đệ trình bản kiến nghị lên Ủy ban Chính trị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Còn Fidel Castro thì trực tiếp bác bỏ chuyện các phi công Cuba bất mãn thực hiện vụ ném bom, ông thách thức Mỹ đưa những người này ra thẩm vấn tại Liên Hiệp Quốc.

Phản ứng lại, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Adlai Stevenson hùng hồn tuyên bố: “Những cáo buộc này là hoàn toàn sai trái và tôi dứt khoát phủ nhận chúng”. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk còn tỏ thái độ khinh thường cáo buộc của Cuba. Thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ phủi sạch mọi liên can với vụ ném bom. Người ta giữ các phi công “tị nạn” không cho gặp mặt giới truyền thông, vì sợ họ có thể lỡ miệng làm lộ ra điều gì đó. Và cuối cùng, để tăng tính chân thực, đại sứ Mỹ Adlai Stevenson (với vẻ mặt đầy tự tin) công bố bằng chứng bằng cách đưa ra trước Liên Hiệp Quốc bức ảnh Thông tấn xã Mỹ (UPI ) chụp chiếc B-26 có phù hiệu Cuba tại sân bay Miami.


Tuy nhiên, đây là một sai lầm khủng khiếp của CIA. Chính phủ Fidel Castro ngay lập tức nhận ra nó và mời phóng viên quốc tế đến nhà chứa máy bay của mình để chỉ cho họ bản gốc. Cùng lúc ấy, tại sân bay Miami, tuy không thể phỏng vấn phi công Cuba nhưng giới truyền thông đã săm soi từng chi tiết chiếc B-26 “tị nạn” và phát hiện ra những lỗi ngớ ngẩn khiến màn bào chữa của các quan chức Mỹ trở thành một trò hề. Vài tiếng sau, những chứng cứ này đã lan khắp thế giới. Bị giới truyền thông vây kín, đại sứ Adlai Stevenson cùng ngoại trưởng Dean Rusk đành phải tuyên bố mình bị chính phủ lừa.

Vậy vấn đề ở đâu? CIA đã lấy những chiếc B-26 từ kho của không quân ra, sơn giả máy bay Cuba nhưng QUÊN mất kiểm tra lại phiên bản. Máy bay B-26 mà Mỹ viện trợ cho nhà độc tài Batista trước kia, sau bị chính quyền Fidel Castro tịch thu là loại B-26 hệ cũ, mũi máy bay làm bằng plexiglass (còn gọi thủy tinh hữu cơ hay mica cao cấp) với 1 súng máy cỡ nòng 12 ly 7.

Trong khi đó, chiếc B-26 giả mà Mỹ đem ra trưng bày ở sân bay Miami thuộc thế hệ sau (còn gọi là Douglas A-26 Invader), đã cải tiến và nâng cấp, có phần mũi liền với thân máy bay và trang bị tới 8 khẩu 12 ly 7.

Sự khác biệt này nhận ra rất rõ bằng mắt thường. Hơn nữa, khi lôi máy bay từ kho ra, các nhân viên CIA đã QUÊN mất việc tháo các nút bịt nòng súng máy (để bảo quản), QUÊN luôn việc mở ngăn chứa bom đã bị bụi và dầu mỡ phủ kín. Những lỗi đó bị phóng viên soi được, chụp hình lại và thế là toàn bộ thế giới đều biết màn kịch này được dàn dựng tồi đến thế nào.

Sự thất bại thảm hại của cuộc đổ bộ ở Vịnh Con Lợn sau đó đã khiến giám đốc và 2 phó giám đốc CIA phải từ chức, chính phủ Mỹ cũng phải trả 53 triệu USD để chuộc 1.113 tù binh người Cuba lưu vong về.