Theo chiến lược Vây thành diệt viện, sau các chiến thắng Khâu Ôn, Xương Giang, nghĩa quân Lam Sơn đã hoàn thành kế hoạch chặt đứt những “cầu nối” của quân Minh trên tuyến đường từ Quảng Tây đến Đông Quan. Những lực lượng cơ động đông mạnh của quân ta được rảnh tay, Bình Định vương bèn cho đều quân lên tăng cường cho hai tuyến biên giới tây bắc và đông bắc để chuẩn bị quyết chiến với quân cứu viện của Mộc Thạnh và Liễu Thăng. Khác với những cuộc chiến trước đó của dân tộc Việt khi đối đầu với các đạo quân phương bắc, lần này Lê Lợi và tướng lĩnh Lam Sơn lựa chọn chiến trường chính là ngay ở các cửa ải địa đầu, không cho chúng tiến xuống vùng đồng bằng. Sự lựa chọn này đến như một lẽ hiển nhiên, đến từ hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Lý do tiên quyết là ở trong nội địa, quân Minh còn giữa được bốn thành Đông Quan, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh làm chỗ trú chân. Nếu để quân tiếp viện của giặc đánh được vào sâu, chúng sẽ giải vây được cho đồng bọn, hình thành thế trận trong đánh ra, ngoài đánh vào. Khi ấy diễn biến trận chiến sẽ trở nên rất khó lường. Lý do thứ hai cũng không kém phần quan trọng là bởi quân Lam Sơn không giống những đội quân mạnh truyền thống trước đây của người Việt. Nếu như các triều trước từ Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ đều có thủy quân hùng mạnh, có thể tận dụng hệ thống sông ngòi chằng chịt làm lợi thế chiến đấu thì ngược lại, quân Lam Sơn khởi phát từ rừng núi Thanh Hóa, giỏi chiến đấu trên bộ, nơi địa hình rừng núi phức tạp.
Đầu tháng 10/1427, hai đạo quân Minh tiếp viện đã tiến sát biên giới. Ở hướng Vân Nam, Kiềm Quốc công nước Minh là Mộc Thạnh cùng các tướng Từ Hanh, Đàm Trung với 5 vạn quân, 1 vạn ngựa đã chỉnh tề đội ngũ, sửa soạn tiến đánh ải Lê Hoa (thuộc Lào Cai, giáp Vân Nam). Phía đông bắc thì tướng giặc là Chinh lỗ tướng quân Thái tử thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân dẫn 10 vạn quân, 2 vạn ngựa chiến nhằm đánh ải Pha Lũy (nay thuộc Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc).
Trước thềm trận chiến quyết định, Lê Lợi đã có lời nhận định: “Giặc vốn khinh ta, cho là ngưới nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lần ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Để nuôi thêm sự kiêu ngạo của giặc, Nguyễn Trãi nhân danh của vua bù nhìn Trần Cảo soạn thư cầu hòa gởi đến Liễu Thăng. Thư có đoạn viết:
“Nay tôi tủi phận là con cháu còn sót lại của vua Trần, ẩn náu ở đất Lão Qua đã hơn 10 năm nay. Người trong nước tôi khổ về chính sự khắc nghiệt của các quan lại triều đình [chỉ quan tướng nước Minh đô hộ]; nhớ lại ơn đức cũ của các vua Trần trước kia, mới cùng bàn nhau đánh đuổi bọn quan cai trị, ép tôi về nước. Khoảng tháng 11 năm ngoái, các quan quân đóng giữ ở các thành các xứ đều đã lục tục mở cửa, bỏ binh giáp, hòa giải cùng với chúng tôi. Tất cả các quan lại và quân dân trai gái gồm có hơn một vạn người, chúng tôi đều thu nuôi cả, không phạm đến mảy may.
Nay tôi lại nghe thấy, triều đình lại sai tướng quân đem đại quân đến bờ cõi nước tôi; không biết rõ đạo quân ấy là quân cứu viện chăng? Hay là quân đến đóng giữ chăng? Hay lại là quân đến làm việc lập lại họ Trần chăng? Các ông ví xét rõ sự tình thời thế, đóng đại quân lại rồi đem việc hào giải của tất cả các quan lại quân dân nói trên kia, làm tờ số tâu rõ công việc về triều đình, tôi cũng liền lập tức cho đúc người vàng, mang tờ biểu, tiến cống thổ sản địa phương.
Còn các bầy tôi trong triều may ra biết đem đường lối thẳng thắn can ngăn Vua [chỉ Tuyên Tông nước Minh] lại làm việc dấy kẻ bị diệt, nối lại dòng kẻ mất gốc mà tránh được việc phi lí dùng binh đến cùng, khoe khoang võ lực như đời Hán, Đường. Sai một vài đặc sứ dụ dỗ bằng lới nói êm ấm để tha tội cho nước An Nam. Làm như thế thì các ông có thể ngồi yên đó mà hưởng thành công. Mà nước lớn sẽ làm trọn được đạo “lạc thiên”; nước nhỏ cũng tỏ được hết lòng thành thực “úy thiên”. Như thế há chẳng tốt đẹp lắm ru!”(theo Quân Trung Từ Mệnh Tập)
Cùng với việc gởi thư vờ xin Liễu Thăng lui binh, quân ta cũng rút bỏ thành Khâu Ôn vừa chiếm được trước đó không lâu, vì thành này nằm ở vị trí quá xa các ải khác trong nội địa, bất lợi để thiết lập phòng thủ. Liễu Thăng dẫn quân tiến vào thành Khâu Ôn, càng đinh ninh là quân Lam Sơn nhát sợ, nóng lòng muốn lập công to.
Mặc dù xác định sẽ đánh giặc nơi địa đầu, nhưng Lê Lợi vẫn theo gương các đời trước cho nhân dân các xứ phía bắc làm kế thanh dã (tức Vườn không nhà trống). Lúa ngoài đồng được gặt sớm, lương thực đều được mang đi cất giấu, không để lại thứ gì mà quân giặc có thể tận dụng làm quân lương tại chỗ được. Trừ những người làm nhiệm vụ chiến đấu, thì nhân dân đều nhận lệnh sơ tán khỏi những nơi dự kiến sẽ trở thành chiến địa.Trong khi thường dân được lệnh lùi về các tuyến sau, thì những chiến binh dũng mãnh nhất tiến lên tuyến đầu. Các tướng Lê Sát, Trần Lựu, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt, Lê Lĩnh, Lê Thụ nhận trọng trách đem 1 vạn quân tinh nhuệ lên giữ ải Chi Lăng, là nơi dự kiến diễn ra trận đánh quan trọng đầu tiên trong chiến dịch đánh diệt 10 vạn quân của Liễu Thăng. Ở mặt trận tây bắc, các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Trung, Lê Khuyển cũng dẫn quân mạnh lên giữa ải Lê Hoa để cầm cự với 5 vạn quân của Mộc Thạnh.
Lê Lợi không chủ quan ở mặt trận nào khi mà cả hai hướng tây bắc, đông bắc đều có quân mạnh trấn giữ. Nhưng riêng đối với cánh quân của Mộc Thạnh, Bình Định vương nhận định rằng: “Mộc Thạnh tuổi đã già, từng trải việc đời đã nhiều, lại biết tiếng vua từ trước, nhất định còn đợi xem Liễu Thăng thành bại ra sao chứ không nhẹ dạ tiến quân”(theo ĐVSKTT). Do đó, ngài ngầm đem mật thư cho Trịnh Khả, Lê Khuyển lệnh không nên đem quân ứng chiến sớm, chỉ cần đặt mai phục để đợi.
Trọng tâm của chiến dịch vẫn được xác định nằm ở mặt trận phía đông bắc với mục tiêu là tiêu diệt cánh quân của Liễu Thăng. Phía sau đội quân của Lê Sát là hàng loạt các đạo quân hùng mạnh khác chực chờ tiếp ứng cho tuyến đầu. Cách ải Chi Lăng không xa, tướng Lê Lý đặt sẵn phục binh đón đánh quân Minh. Sau quân của Lê Lý là đại quân của Trần Nguyên Hãn đóng ở thành Xương Giang dài đến thành Chí Linh bao gồm cả quân thủy lẫn quân bộ, vừa là điểm tựa cho các quân ngoài biên ải, vừa giữ nhiệm vụ cô lập hoàn toàn quân Minh trong thành Chí Linh, không cho chúng có cơ hội xuất thành. Bản thân Bình Định vương Lê Lợi thì bấy giờ đóng ở dinh Bồ Đề (thuộc Gia Lâm, Hà Nội ngày nay), giữ các vệ quân Thiết đột tinh anh cùng các mãnh tướng Nguyễn Xí, Phạm Vấn, Lê Khôi làm lực lượng dự bị, tùy cơ lợi hại mà tung quân vào chiến trận để tiếp ứng cho các hướng quân hay góp sức đánh dứt điểm quân địch.
Một thế trận liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp đã được bày ra để chờ đánh viện binh của giặc. Toàn bộ quân dân Việt đã tập trung ở mức cao nhất tinh thần và lực lượng, sẵn sàng bước vào trận chiến sinh tử quyết định vận mệnh toàn dân tộc.
(còn nữa)
Quốc Huy