Trang chủ Nhân vật lịch sử Nữ tù binh Mỹ duy nhất trong chiến tranh Việt Nam

Nữ tù binh Mỹ duy nhất trong chiến tranh Việt Nam

Nhà tù Hỏa Lò, nơi giam giữ tù binh Mỹ.
Nhà tù Hỏa Lò, nơi giam giữ tù binh Mỹ.

Khoảng giữa năm 1971, trại Hỏa Lò được lệnh tiếp nhận 2 tù binh người phương Tây, một nam và một nữ. Họ bị bắt và đưa từ chiến trường miền Nam ra Bắc.

Nữ tù binh Monikaschwinn sau khi được Việt Nam trao trả theo hiệp định Paris.
Nữ tù binh Monikaschwinn sau khi được Việt Nam trao trả theo hiệp định Paris.

Sĩ quan quân y Monika Schwinn là nữ tù binh Mỹ duy nhất trong chiến tranh Việt Nam. Cô gái gốc Đức này có khuôn mặt trái xoan, tóc vàng, mắt xanh, da trắng, dáng người mảnh mai, xinh đẹp và thông minh.

Ban chỉ huy trại giam Hỏa Lò bố trí cho cô một phòng riêng rộng khoảng 10m2. Trong phòng kê một chiếc giường hộp, loại vẫn dùng cho sĩ quan cấp tá của quân đội ta với đủ chăn màn, phích nước, ấm chén và một chiếc bàn nhỏ, thậm chí còn có cả một lọ hoa.

Lúc đầu, Monika nhất quyết không chịu nhận phòng. Cô nằng nặng đòi được ở chung phòng với người nam tù binh đã đi cùng chuyến từ miền Nam ra Bắc. Tất nhiên, yêu cầu không được chấp nhận. Ban quản lý trại giải thích nhiều lần nhưng Monika không chịu, thậm chí cô bướng bỉnh, khóc lóc, không chịu ăn uống gì.

Hỏi mãi thì Monica cho hay là bởi căn phòng… quá xấu và trống trải, đêm đến cô sẽ không dám ngủ vì rất sợ… ma. Mãi tới khi Trại trưởng Trần Trọng Duyệt chỉ cho Monika xem căn phòng của chính ông cũng không khác gì, cô mới ngoan ngoãn đồng ý.

Ngoài lọ hoa, Monika còn được anh em sắm cho gương lược, kể cả đồ lót. Thời bao cấp, để làm được công việc tế nhị này, anh em phải đi lùng khắp Hà Nội mới có “hàng” cho Monika và để không “cháy mặt” vì thẹn, mỗi lần mua đều phải nói dối là mua cho vợ…

Cựu Trại trưởng tù binh Mỹ tại Hỏa Lò Trần Trọng Duyệt thời trẻ.
Cựu Trại trưởng tù binh Mỹ tại Hỏa Lò Trần Trọng Duyệt thời trẻ.

Có lần đích thân trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã đưa Monika ra một tiệm uốn tóc bên Bờ Hồ để làm tóc cho cô, đi Hàng Đào, Đồng Xuân mua sắm quần áo. Sau chuyến “dạo qua phố phường” cùng nữ tù binh, sau khi về đến trại Trại trưởng và thậm chí là cả Ban chỉ huy Trại đều bị cấp trên phê bình vì… thiếu tinh thần cảnh giác với kẻ địch.

Sau sự cố lần ấy, mấy tháng sau, Trại trưởng Trần Trọng Duyệt nhận được một bức thư của Monika viết trên hai mặt giấy, một mặt viết bằng tiếng Đức, một mặt viết bằng tiếng Anh.

“Thưa ông. Từ tháng 12 năm 1971 tôi được phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo, vì vậy tôi rất vui khi được nhà cầm quyền cho phép. Tôi cho rằng: sự đối xử như vậy, dù là hành động nhỏ, nhưng rất văn minh, biểu lộ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Còn đối với những đề nghị trước đây, tôi tin rằng hoặc đã không tới tay cơ quan ông, hoặc chưa được ông quan tâm thỏa đáng. Nhưng tôi hết lòng hy vọng lần này thì ông sẽ không lãng quên việc tôi xin phép nuôi con mèo này.

Một khi tôi được phóng thích, tôi xin phép được mang theo con mèo về nước. Là một tù binh, tất nhiên giờ đây tôi chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng tôi xin hứa sẽ bồi thường tất cả chi phí tăng thêm vì tôi được phép nuôi con mèo này. Xin nhường ông sự lựa chọn, bằng phương thức trao đổi thích hợp nhất, do ông tự sắp xếp. Hy vọng thiết tha rằng ông không bỏ qua lời đề nghị của tôi. Xin gửi tới ông lời chào trân trọng.”

Hai y tá Monika Schwinn và Bernhard Diehl sau khi được trao trả ngày 05/03/1973, về đến CHLB Đức vào ngày 07/03/1973. Monika Schwinn cùng với Bernhard Diehl còn viết một cuốn sách có tên "Một chút ít tình người".
Hai y tá Monika Schwinn và Bernhard Diehl sau khi được trao trả ngày 05/03/1973, về đến CHLB Đức vào ngày 07/03/1973. Monika Schwinn cùng với Bernhard Diehl còn viết một cuốn sách có tên “Một chút ít tình người”.

Tất nhiên đề nghị này được thông qua vì Ban quản lý thấy nó không có vấn đề gì. Monika được nuôi mèo, còn ông Duyệt (vốn cao to đẹp trai) thì bị anh em cả Trại chọc ghẹo suốt thời gian còn lại, do câu “Xin nhường ông sự lựa chọn, bằng phương thức trao đổi thích hợp nhất, do ông tự sắp xếp”.

Monika Schwinn đã được trả tự do vào ngày 5 tháng 3 năm 197. Cô đã trở về quê hương Đức sau gần 4 năm bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò.

Bà qua đời vào ngày 11/3/2019, trong bệnh viên Lebach (Đức), nơi bà từng làm việc, hưởng thọ 76 tuổi.