Một trong những gián điệp Trung Quốc bị vạch mặt ngay trước khi Bắc Kinh xua quân tấn công xâm lược Việt Nam. Những kẻ như hắn đã được cài cắm tại Việt Nam từ lâu nhằm do thám tình hình kinh tế, chính trị và quân sự nước ta.
I. Biên bản lấy lời khai (lần 1) đối tượng Tô Thụ Nghiệp (người Hoa), Sở công an Hải Phòng, ngày…tháng…năm 1978 (những chỗ để “…” là bị xóa):
– Anh cho biết họ tên?
– Tô Thụ Nghiệp
– Quê quán?
– Quảng Châu
– Anh đã sống ở Việt Nam bao giờ chưa?
– Chưa
– Vì sao anh vượt biên giới xâm nhập trái phép vào Việt Nam?
– Tôi cần lấy vợ!
Sau 3 tháng, đối tượng từ chỗ nhận chỉ biết tiếng Quảng Đông hoặc Bắc Kinh, bắt đầu nói tiếng Việt xin phép giám thị trại giam đi uống nước, rửa mặt và gặp người thân. Rồi một phụ nữ người Hoa tên là Hoàng Thạch Tâm đến Sở công an Hải Phòng, cung cấp các giấy tờ hợp pháp chứng minh mình là bác ruột Tô Thụ Nghiệp và nói muốn gặp mặt. Yêu cầu bị từ chối.
Hôm sau, Sở công an tiếp một cán bộ đã về hưu, trước là huyện ủy viên huyện Móng Cái, bác nói: “Tôi biết gia đình Tô Hàm Khoan (tức bố đẻ Tô Thụ Nghiệp), tôi xin đảm bảo và nếu cần sẽ viết giấy bảo lãnh cho cháu Nghiệp”. Trưởng phòng Nguyễn Hữu Định trực tiếp ngồi làm việc với bác. Thì ra xuất phát từ tình cảm với quần chúng (Tô Hàm Khoan) từng giúp đỡ cách mạng thời chống Pháp, nên khi được nhờ bác đã có hành động xốc nổi là làm chứng giả cho một người chưa từng gặp mặt.
Sau vài chục cuộc thẩm vấn, đối tượng Tô Thụ Nghiệp mới chịu khai nhận. Hắn viết ra tờ khai dài 14 trang bằng tiếng Việt, chữ đẹp và không sai một lỗi chính tả nào.
II. Biên bản lấy lời khai (lần 2), đối tượng Tô Thụ Nghiệp (người Hoa), Sở công an Hải Phòng, ngày…tháng…năm 1979 (những chỗ để “…” là bị xóa)
– Tôi sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1966 tại đơn vị…,trung đoàn 25, sư đoàn…đóng quân tại đảo Hải Nam. Một cán bộ sư đoàn tên Hoàng Ngưu chơi rất thân với tôi. Ngưu hỏi tôi nhiều chuyện về gia đình, về những ngày sống ở Việt Nam. Năm 1970, tôi được Ngưu vận động đưa về công tác ở sư đoàn. Một hôm, Hoàng Ngưu rủ tôi đi gặp Điền Hồ Đỗ – sư đoàn trưởng. Bọn tôi được tiếp trong phòng riêng, ân cần niềm nở và không cần giữ lễ tiết quân nhân. Tôi có cảm giác là sư trưởng biết khá rõ về gia đình tôi. Ông hỏi tôi về bố mẹ, về anh, về chị Hoàng Thạch Tâm ở Hải Phòng. Sau đó sư trưởng thu xếp cho tôi đi học lớp điệp viên, đặt cho tôi bí danh là Sa Bảo và cấp cho một bộ đồ nghề thợ mộc. Điền sư trưởng dặn rằng nước nhà đang cần người Hoa về, nhất là những người am hiểu địa hình, thông thuộc luồng lạch, sông biển Việt Nam.
– Tại sao khi mới bị bắt anh không khai ngay?
– Thưa, Điền sư trưởng luôn căn dặn tôi giữ vững khí tiết, rằng Việt Nam sợ Trung Quốc, rằng 1 tỉ dân Trung Hoa làm hậu thuẫn cho tôi.
– Anh có trình độ đại học, nói sõi tiếng Việt, tiếng Nga. Anh học tiếng nước ngoài ở đâu?
– Thưa, tôi tự học.
– Anh sang Việt Nam có nhiệm vụ gì?
– Các ông biết rõ mọi địa chỉ liên lạc của tôi rồi. Tôi thường gửi báo về địa chỉ Chèng Khịt Dính, gác 3 số nhà 12/1, đường Trung Sơn thành phố Quảng Châu.
– Ngày 5/5/1978 khi được tạm tha, anh đi đâu?
– Thưa tôi đi gặp ông Trương bên sứ quán, ông Trương hứa gửi hộ chiếu để tôi về nước hợp pháp. Ông dặn tôi: “Nhanh chóng về ngay kẻo biên giới đóng cửa, sẽ có đánh nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam”.
– Hiện giờ anh có đề nghị gì không?
– Tôi đã khai hết với các ông, đã cung cấp cho các ông mọi địa điểm liên lạc. Tôi xin được cư trú chính trị tại Việt Nam vì chắc chắn sẽ bị nhà cầm quyền Trung Quốc xử tử khi quay về.
* Tóm tắt hồ sơ: Tô Thụ Nghiệp sinh ra trong một gia đình người Hoa ở Móng Cái, cha hắn từng có công với cách mạng. Năm 1954, khi 7-8 tuổi thì hắn theo gia đình di cư sang Trung Quốc và sau nhập ngũ, được tuyển mộ làm điệp viên và khoảng đầu thập niên 1970 thì quay về Việt Nam hoạt động, bắt liên lạc với một nhóm gián điệp được cài cắm trong nước ta từ trước. Điểm đặc biệt của nhóm này là không hề sử dụng mật mã hay bất kỳ loại mực hóa học nào. Tất cả báo cáo đều viết dưới dạng thư cá nhân bằng mực và giấy thường theo nguyên tắc “Muốn kể chuyện con voi, người thứ nhất sờ tai tả là cái quạt, người thứ hai sờ chân bảo là cái cột….nhưng người đọc toàn bộ báo cáo sẽ hiểu đó là con voi”. Tuy nhiên cơ quan an ninh đã theo dõi tên giáp điệp ngay từ khi hắn về Việt Nam và thậm chí tạo điều kiện cho Tô Thụ Nghiệp dễ dàng đi lại khắp nơi, nhằm nắm rõ các cơ sở ngầm và mạng lưới điệp viên Trung Quốc cài cắm. Và khi hết giá trị thì con mồi dĩ nhiên sẽ bị tóm. Không rõ số phận tên này về sau ra sao.
Tạp chí “Quân đội nhân dân“, 2/1979.