Vì sao khi tham gia mạng xã hội, chúng ta có cảm giác những quan điểm cực đoan là tràn lan, trong khi trên thực tế số lượng người cực đoan chỉ là số ít?
Học viện Khoa học Thông tin Hoa Kỳ đã thực hiện một nghiên cứu mang tên “Ảo giác về số đông trên mạng xã hội”. Nghiên cứu này giải thích vì sao những ý kiến cực đoan, dù chỉ thuộc về một số người, lại có thể lan tràn rất nhanh, tạo cho chúng ta ảo giác “trên mạng ai cũng nguy hiểm”.
Có một nghịch lý trên mạng xã hội: “Bạn bè của bạn luôn có nhiều bạn bè hơn bạn“. Diễn giải ra là, trên mạng xã hội chỉ có một số ít người kiểm soát rất nhiều mối liên kết, giống như trung tâm của một mạng lưới. Phần lớn mọi người khác nằm ở rìa mạng lưới. Nếu như những người mang tư tưởng cực đoan kiểm soát được những điểm trung tâm, họ sẽ tạo ra ảo giác rằng họ là số đông.
Trong ảnh bên dưới là 2 mô hình về các mối liên kết. Tạm gọi những vòng tròn màu đỏ là những người mang ý kiến cực đoan, những vòng tròn trắng là những người “bình thường”. Mỗi đường nối thể hiện một liên kết “bạn bè”.
Trong trường hợp bên trái, dù chỉ có 3 người cực đoan, nhưng họ tích cực kết bạn với mọi người khác. Mỗi vòng tròn trắng nhìn thấy một nửa số “bạn bè” của mình là người cực đoan. Các vòng tròn trắng tưởng rằng quan điểm cực đoan là phổ biến, khiến cho họ mất niềm tin vào xã hội, hoặc dễ chấp nhận quan điểm cực đoan hơn.
Ngược lại, nếu những vòng tròn đỏ bị cô lập như mô hình bên phải, thì khả năng gây ảnh hưởng của họ rất thấp. 2 mô hình được đặt cạnh nhau để minh họa cho việc các mối liên kết trên mạng có thể dễ dàng thay đổi góc nhìn của chúng ta về xã hội như thế nào.
Những người mang những tư tưởng hận thù, cực đoan thường rất tích cực lợi dụng mạng xã hội, tìm cách gầy dựng mạng lưới quan hệ nhiều hơn hẳn những người bình thường. Vì thế “ảo giác về số đông” diễn ra hàng ngày, khiến cho môi trường Internet tưởng như là một bãi chiến trường bất tận giữa những luồng ý kiến trái chiều nhau không bao giờ dung hòa được.
Nguồn: http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0147617#abstract0