Trang chủ Kiến Thức Spartacus – Kẻ nổi loạn vĩ đại nhất lịch sử La Mã...

Spartacus – Kẻ nổi loạn vĩ đại nhất lịch sử La Mã (phần 2)

Xem thêm: Spartacus – Kẻ nổi loạn vĩ đại nhất lịch sử La Mã (Phần 1)

I. BẮC TIẾN

Sau màn hiến tế đẫm máu dành cho Crixus, Spartacus nhổ trại tiến lên phía Bắc với 120.000 nô lệ và đấu sĩ vũ trang, cùng một số lượng chưa xác định kỵ binh. Mặc dù viễn cảnh uy hiếp thành Rome là nhỏ, nhưng việc quân khởi nghĩa ngày càng áp sát thủ đô đã khiến Nguyên Lão Viện phải cấp tốc đề ra biện pháp đối phó.

Mặc dù không đủ sử liệu chính xác để khẳng định, nhưng đa số các sử gia đều cho rằng kế hoạch của Spartacus là rời đất Italia bằng cách băng qua dãy Alpes. Khi đó các nô lệ có thể định cư ở những vùng đất chưa bị chinh phục (như Gaul hay Germania). Không khó lý giải quyết định này: La Mã quá mạnh để có thể đối đầu trực diện. Thành Rome còn khoảng 40 vạn nam công dân, 8 vạn cựu binh (lính hết thời hạn phục vụ) sống rải rác khắp đất Italia, chưa kể quân trợ chiến và đồng minh huy động từ khắp miền Địa Trung Hải. Ngoài ra, tường thành Rome dày trung bình 4 m và cao khoảng 9 m, móng thành xây sâu không thể đào hầm qua. Lực lượng Spartacus không có công binh để chế tạo vũ khí công thành (phức tạp và đòi hỏi tay nghề cao), cũng như thiếu kinh nghiệm bao vây các thành phố lớn: việc cướp bóc ở miền Nam Italia chủ yếu là những tòa thành nhỏ, cư dân trang bị kém nên có thể dùng thang và dây móc leo lên tường.

Khi đến tỉnh Cisalpine Gaul, quân khởi nghĩa đã bị chặn lại. Ở vùng núi Appennini cách 10 dặm về phía Bắc thành phố Mutina, thống đốc tỉnh này là Gaius Cassius Longinus Varus đưa toàn bộ 2 quân đoàn đồn trú ra đón đánh lực lượng Spartacus. Trận chiến chỉ được ghi chép vài dòng ngắn ngủi, theo đó hai quân đoàn chỉ còn lại cái tên và tướng chỉ huy thì phải vất vả lắm mới giữ được mạng. Hệ quả là một bộ phận nô lệ trốn thoát sang Gaul thành công, còn thống đốc Gaius Cassius Longinus Varus thì cả đời không được giữ bất kỳ chức vụ gì trong chính quyền La Mã nữa.

Cảnh giao chiến trong phim truyền hình Spartacus (2010-2013)

II. XUÔI NAM

Tuy nhiên, vì những lý do chưa được sử sách ghi chép, Spartacus dẫn lực lượng quay lại phương Nam ngay sau chiến thắng này. Trong hành trình đó, họ chạm trán với một đạo quân khác do pháp quan Manlius chỉ huy và nhanh chóng khiến ông này ôm cổ ngựa bỏ chạy, để lại hàng nghìn xác chết và các sĩ quan nghị vệ cầm roi, cũng như Aquila (biểu tượng quân đoàn). Không còn ai cười nhạo bọn “nô lệ hèn hạ” nữa, thành Rome bắt đầu cảm thấy hoang mang trước sự bất khả chiến bại của Spartacus.

III. MARCUS LICINIUS CRASSUS

Mệnh lệnh đầu tiên của Nguyên Lão Viện là cấm các tướng lĩnh, tổng trấn….giao chiến với quân khởi nghĩa. Mệnh lệnh thứ hai là chỉ định pháp quan Marcus Licinius Crassus làm chỉ huy một đạo quân mới gồm 8 quân đoàn (40.000 lính chưa tính quân trợ chiến) do ông này trang bị bằng tiền cá nhân. Việc này không quá tốn kém với Crassus, theo sử gia Plutarch thì tổng giá trị tài sản con người giàu nhất La Mã đó là 7.100 talent bạc, tức là chừng 229 tấn vàng, giá trị ít nhất 9 tỷ đôla ngày nay.

Marcus Licinius Crassus trên phim

Lần chạm trán đầu tiên với quân nô lệ là một thất bại, Mummio – cấp phó của Crassus, chỉ huy 2 quân đoàn bên sườn, dù nhận lệnh theo dõi và kiềm chế nhưng do coi khinh đối thủ nên đã tự ý hạ lệnh tấn công khi sau chiếm được một ngọn đồi nhỏ. Sáng hôm sau, Crassus lặng người khi nhìn 500 tàn binh (đã vứt bỏ khiên và vũ khí để chạy cho nhanh) lủi thủi kéo về. Lệnh trừng phạt Decimation được ban hành, cứ mỗi đội 10 lính phải cỏ phiếu chọn ra một người chịu hành quyết, và 9 người còn lại phải tự tay ném đá hoặc đánh chết người đồng đội xui xẻo đó một cách công khai. Cho đến khi kết thúc cuộc chiến, khoảng 4.000 lính La Mã đã mất mạng vì hình phạt này, tuy nhiên hiệu quả nó đem lại là vô cùng lớn: sự phục tùng tuyệt đối các mệnh lệnh từ Crassus. Một số sử gia đã mô tả rằng dưới thời Crassus: “binh lính sợ chỉ huy hơn cả kẻ thù”.

Qua vài trận thăm dò, Spartacus nhanh chóng nhận ra Crassus là đối thủ rất đáng gờm. Quân La Mã mạnh hơn nhờ trang bị đầy đủ (cả máy bắn đá, máy bắn tên, cung thủ và lính ném đá dùng đạn chì), Crassus thì không chia quân ra nữa mà luôn luôn tập trung thành một khối tránh bị tiêu diệt từng bộ phận như trước. Cuộc chơi đuổi-chạy khắp miền Nam Italia bắt đầu, thỉnh thoảng hai bên mới có đánh nhau ở quy mô vừa và nhỏ.

Khi cắm trại ở thành phố Rhegium, Spartacus liên hệ với cướp biển để thuê thuyền, ý định chở khoảng 2.000 người sang đảo Sicily để phát động khởi nghĩa ở đây. Điều này hoàn toàn hợp lý: trước khi chinh phục được Ai Cập, đảo Sicily là vựa lúa của La Mã, hơn nữa nơi đây 30 năm trước đã từng có khởi nghĩa nô lệ. Tuy nhiên vì những lý do chưa rõ, nhóm cướp biển nhận tiền nhưng không đưa thuyền đến như giao ước.

Trong khi Spartacus nhận quả đắng, Crassus đã tranh thủ cho đào một con hào (dài 55 km, rộng 4,5 m, có tường cao cắm cọc nhọn) cắt ngang bán đảo Italia để bao vây quân khởi nghĩa. Công trình này khiến Spartacus – theo sử La Mã – phải trả cái giá 1/3-2/3 lực lượng để đột phá trong một đêm tuyết rơi dày. Và ngay khi số còn lại rút lên phía Bắc, các trinh sát quay về báo cho Spartacus một tin rất xấu: họ đang bị hợp vây bởi tất cả lực lượng mà Cộng hòa La Mã có.

III. TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG

Sốt ruột trước tiến độ chậm chạp của Crassus, Nguyên Lão Viện đã triệu hồi 2 đạo quân chủ lực ở Tây Ban Nha và Macedonia về tham gia cùng. Như vậy ba viên tướng Crassus, Pompei và Lucullus tạo thành một tam giác vây chặt Spartacus với tổng số ước tính 200.000-300.000 quân chính quy. Chỉ có hai lần thành Rome động binh ở quy mô như vậy: trong chiến tranh với Carthage (một đế chế ở Địa Trung Hải) và khi đánh với Teuton cùng Cimbri (những đại bộ tộc Germania có hai mươi vạn lính chiến).

Không còn cách nào khác, Spartacus buộc phải giao chiến với Crassus để tìm đường phá vây. Trước trận đánh, ông cho đóng đinh công khai 1 tù binh La Mã để nhắc nhở các nô lệ về số phận chờ sẵn họ nếu thất bại. Ngoài ra, Spartacus cũng dẫn con ngựa chiến yêu quý của mình ra trước toàn quân, tự tay rút kiếm đâm chết ngựa và tuyên bố rằng nếu thắng ông sẽ lấy ngựa của kẻ thù để cưỡi thay, còn nếu thua ông sẽ không cần đến nó nữa.

Spartacus giết ngựa. Ảnh: Chronicle / Alamy

Trận chiến sông Silarius đã diễn ra như vậy. Dù các sử gia La Mã thừa nhận rằng nô lệ và đấu sĩ chiến đấu rất dũng cảm và hạ gục số lớn đối phương, nhưng trên chiến trường quy ước thì các Legion (quân đoàn) La Mã là vô địch. Kỵ binh quân khởi nghĩa bị tên đạn từ đủ các loại máy móc và cung thủ bắn rát, không thể xung phong được và tan rã rất nhanh chóng.

Trận chiến sông Silarius trong phim truyền hình Spartacus (2010-2013)

Spartacus cố gắng tiến đến vị trí Crassus nhưng không thành công, dù hạ được 2 Bách phu trưởng (Centurion) cản đường. Thi thể của ông không bao giờ được tìm thấy. Khoảng 60.000 nô lệ và đấu sĩ chết trên chiến trường. Appian tuyên bố La Mã chỉ mất 1.000 người, nhưng con số này bị đa số sử gia về sau chế giễu là đã thu nhỏ thiệt hại để vinh danh Crassus. Ước tính thương vong quân La Mã dao động từ 10 đến 20 lần con số mà Appian đưa ra.

Sau trận chiến, Crassus tìm thấy 3.000 tù binh La Mã trong trại quân khởi nghĩa, tất cả đều bình an vô sự. Cách đối xử văn minh này hoàn toàn tương phản với số phận 6.000 nô lệ sống sót, bị đóng đinh suốt đoạn đường 200 km từ Capua đến Rome như một lời cảnh báo. 5.000 nô lệ khác chạy thoát cũng bị Pompei bắt giữ và hành quyết theo cách tương tự.

IV. HỆ QUẢ

Khi trở về Rome, Pompei được Nguyên Lão Viện vinh danh vì chiến công ở Tây Ban Nha, trong khi không ai thèm ngó ngàng đến Crassus do người ta quan niệm đánh bại bọn nô lệ hèn hạ chẳng có gì là giỏi giang cả. Thất vọng, Crassus đành sang châu Á tìm kiếm vinh quang khác, và rồi chết trong trận Carrhae khi chống quân Parthia năm 53 TCN.

Chế độ nô lệ không bị thủ tiêu, nhưng cuộc khởi nghĩa của Spartacus là một trong những nguyên nhân khiến cách đối xử với nô lệ thay đổi:

– Hoàng đế Claudius ra luật cấm chủ nô bắt nô lệ đau ốm lao động nặng nhọc, trả tự do cho nô lệ bị bỏ rơi, và ai giết nô lệ già yếu sẽ bị khép tội giết người. Hoàng đế Nero cấm đưa nô lệ ra đấu với dã thú. Hoàng đế Antonius cấm giết nô lệ nếu không có lý do chính đáng.

– Chế độ bóc lột dần dần cải cách, chủ nô giao ruộng đất cùng nông cụ cho nô lệ tự do canh tác, khi đến hạn, nô lệ được phép giữ lại một phần thu hoạch làm của riêng (1/2 đến 1/3 tổng số) chứ không còn phải nộp hết cho chủ nữa. Đó được gọi là chế độ “lệ nông” (Colonus), tiền thân của nông nô thời Trung Cổ về sau.

Nguồn tham khảo:
1. “Lịch sử thế giới cổ đại”, Lương Ninh chủ biên, NXB Giáo Dục, 2007
2. “Civil Wars”, Appian, Penguin Books, 1996
3. “Epitome of Roman History”, Florus . (London: W. Heinemann, 1947)
4. “The Life of Crassus”, “The Life of Pompey”, Plutarch, Penguin Books, 1972