Trang chủ Nổi bật TRẬN PYDNA: KHI LEGION CHẠM TRÁN PHALANX

TRẬN PYDNA: KHI LEGION CHẠM TRÁN PHALANX

Trận Pydna diễn ra vào năm 168 TCN giữa Cộng Hòa La Mã và Triều đại Antigonos trong Chiến tranh Macedonian lần III . Cuộc chiến đã tăng mạnh uy quyền của Rome trong thế giới Hy Lạp và kết thúc triều đại Macedonia cuối cùng, vốn bắt nguồn từ thời kỳ Alexander Đại đế.

Bối cảnh

Sau thất bại trong cuộc chiến Macedonia lần II (196 TCN), vua Philip V xứ Macedon đã phải ký hòa ước với những điều khoản rất nặng nề: nộp tất cả các thành ở Hy Lạp cho La Mã, bồi thường 1000 đồng talent (tiền Hy Lạp cổ) trong 10 năm, phá hủy tàu chiến chỉ để lại 5 chiếc, và không được tuyên chiến nếu chưa có sự đồng ý của thành Rome. Khi Philip V băng hà, con thứ là Perseus lên kế vị khiến La Mã bất bình, vì chính ông đã xúi vua cha hành hình người con trưởng có xu hướng thân La Mã, và sau đó tiến hành một loạt hoạt động khiến Rome thấy bất an. Nguyên nhân thứ hai là sự thúc đẩy của vua xứ Pergamum vốn đang xung đột với Macedonia. Năm 171 TCN, Nguyên Lão Viện tuyên chiến với lý do hỗ trợ đồng minh. Lúc đầu, người La Mã giành được một số thắng lợi nhỏ, phần lớn là do Perseus hạn chế giao tranh để củng cố lực lượng của mình. Đến cuối năm thì tình thế đảo ngược, Perseus đánh bại chấp chính quan Publius Licinius Crassus ở trận Callinicus và lấy lại được hầu hết các khu vực bị mất, gồm cả thành phố tôn giáo Dion.

Năm 169 TCN, chức vụ chỉ huy quân viễn chinh La Mã được trao cho Lucius Aemilius Paullus, 60 tuổi, một trong hai chấp chính quan mới được bầu lại. Là một tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm, ông được thuyết phục rời cuộc sống hưu trí để đối phó với mối đe dọa từ Macedonia. Sau nhiều ngày đuổi theo Perseus và vài lượt nghi binh qua lại, Paullus dựng trại nghỉ ngơi ở phía tây chân núi Olocrus. Đối diện, quân Macedonia dừng lại gần Katerini, một ngôi làng phía nam của thành Pydna, Đông Bắc Hy Lạp. Giữa hai đạo quân là một đồng bằng khá rộng và rất thích hợp cho phalanx tác chiến. 

Đã xảy ra nguyệt thực vào đêm trước khi diễn ra trận đánh, mà theo quan niệm của người Macedonia thì là một điềm rất xấu; họ hiến tế đến con vật thứ 21 mới “nhìn” thấy sự an toàn. Theo sử gia Plutarch, nó được diễn giải thành dấu hiệu cho sự sụp đổ vương quyền Perseus.

Chiến sự bắt đầu vào buổi chiều hôm sau, ngày 22 tháng Sáu, thời tiết nắng nóng và chỉ dịu bớt nhờ một con sông nhỏ chia cắt đồng bằng giữa hai phe. Nguyên nhân chính xác của sự kiện khơi mào trận đánh đến nay chưa rõ và có khá nhiều dị bản, một trong số đó là Paullus đợi đến khi nắng dịu đi và tránh việc lính của mình bị chói mắt, sau đó ông xua một con ngựa không thắng cương về phía địch để gửi tín hiệu tấn công. Phiên bản khác là lính La Mã và Macedon đều đuổi theo một con la sổng ra, dẫn đến xung đột leo thang. Tuy nhiên khả năng lớn nhất là vài đơn vị La Mã đi tìm cỏ cho ngựa đã di chuyển quá xa trại, và bị tấn công bởi lính Thracia trong quân đội Perseus. 

Số lượng và trang bị

Quân đội La Mã có tổng cộng 29.000 người, trong đó bộ binh chiếm phần lớn (24.500), chủ lực là hai quân đoàn (ước tính xấp xỉ 15.000 người và ngựa). Mỗi quân đoàn La Mã thời kỳ Cộng Hòa cấu thành từ 3 tuyến, mỗi tuyến là 10 trung đội (maniples), mỗi trung đội có khoảng 120-160 lính. Các maniples gồm (thứ tự từ trước ra sau): Hastati (tân binh, 25 tuổi hoặc ít hơn), Principes (lính đã có kinh nghiệm trận mạc, từ 26-35 tuổi), và Triarii (lính kỳ cựu, trên 35 tuổi). Hàng đầu tiên là các đơn vị Velites, khoảng 1000-1200 người mỗi quân đoàn, là lính ném lao trang bị nhẹ (thường là tân binh). Paullus đặt hai quân đoàn ở trung tâm, với các đơn vị đồng minh Latin, Italia, Numidia và Hy Lạp bao quanh. Ngoài ra còn có các đơn vị cung thủ, ném đá và lính đánh thuê vốn kiêm cả chức năng ném lao lẫn cận chiến. Kỵ binh bảo vệ hai bên sườn, ở cánh phải La Mã còn có thêm 22 con voi chiến (một số nguồn khác chép là 34). Kể từ sau chiến tranh Punic lần II, người La Mã đã bắt đầu nuôi và huấn luyện những con vật to lớn da dày này để phục vụ chiến tranh.

Lính La Mã thế kỷ III-I TCN. Principes cầm kiếm, Triarii mang giáo và Velites cầm lao. 

Bên Macedonia huy động khoảng 44.000 binh sĩ, trong đó 21.000 là bộ binh nặng (phalangites). Kỵ binh cân bằng nhau với 4000 lính mỗi phe, tuy nhiên chất lượng kỵ binh Companion vượt trội hơn hẳn La Mã. Giáp trụ cũng như vũ khí của hai đạo quân đặc trưng cho trang bị của Rome và Macedonia. Đội hình Phalanx là trung tâm của quân đội Macedonian, với 3000 vệ binh mạnh hình thành nên cánh trái. Lính phóng lao (Peltasts), quân đánh thuê và bộ binh Thracian mặc giáp đen bảo vệ hai sườn, trong khi kỵ binh Macedonia có lẽ đã dàn trận trên cả hai cánh. Cung thủ Cretan đứng hàng đầu. Đội ngũ mạnh nhất là cánh phải Macedonia, nơi Perseus chỉ huy các đơn vị kỵ binh nặng (Companion và Sacred Squadron) cùng kỵ binh ném lao Thracian.

1 lính Phalanx Macedonian

Diễn biến

Perseus đã bày xong trận từ cuối buổi sáng và chờ đợi, nhưng người La Mã có vẻ không muốn giao tranh. Mất kiên nhẫn trước sự chậm chạm của Paullus, Perseus cử một đội quân nhỏ đánh đuổi lính trinh sát đối phương qua sông, và toàn quân Macedonia từ từ tiến về phía La Mã. 

Hai đạo quân chạm trán vào khoảng 3 giờ chiều, khi người Macedonia đến gần trại La Mã và đụng độ các Legion vừa mới xếp xong đội hình. Chiến tuyến kéo dài đến 3,5 km, trong đó các khối Phalanx trung tâm dàn thành một đường thẳng 1,5 km nếu nhìn từ trên cao. Đây không phải lần đầu người La Mã giao chiến với thương trận phalanx, nhưng họ vẫn cảm giác được sự khủng khiếp của đội hình này. Hàng rào dày đặc những ngọn giáo chậm rãi tiến đến tạo ra sức ép tâm lý rất lớn, và sẽ còn tăng lên khi người lính nhận ra rằng mọi thứ họ có trong tay đều vô dụng với nó. Lao hạng nặng (Pilum) liên tiếp ném ra nhưng chỉ làm phalanx chậm lại đôi chút.

Chiều dài 6m của ngọn giáo Sarrisa cho phép ít nhất năm hàng lính tác chiến gần như đồng thời. Các chiến binh cố gắng gạt đi hoặc thử chém đứt những mũi giáo đâm ra tua tủa từ các Phalanx Macedonia, nhưng không mấy thành công vì cả phần mũi lẫn cán Sarrisa cộng lại lên đến nửa mét dài bọc sắt. Các sĩ quan chỉ huy bắt đầu tuyệt vọng. Một người tự xé áo mình vì giận dữ. Một người khác giật lấy cờ hiệu đơn vị và ném nó vào hàng ngũ đối phương. Lính của ông ta đã lăn xả vào phalanx để giành lại, nhưng bị đánh bại mặc dù cũng gây ra được một số thương vong. Mỗi bước tiến của người Macedonia là một bước lùi của quân La Mã. Quân đồng minh Latin chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí một số đơn vị đã bỏ chạy khỏi chiến trường. Những con voi chiến La Mã chẳng có nhiều tác dụng khi gặp các đội quân đánh thuê vốn đã quá quen thuộc với đám to xác này, tuy nhiên một vài ý kiến cho rằng chúng đã giúp cân bằng thế trận ở cánh phải khi mà kỵ La Mã bị lép vế, vì làm ngựa hoảng sợ và không dám lại gần. Không thể chống lại thương trận dày đặc của phalanx, người La Mã vừa đánh vừa lui, và toàn bộ rút về phía sườn núi. 

Lúc này thì Perseus lại phạm phải chính sai lầm khiến cha ông thua trận Cynoscephalae. Khi các phalanx tiến tới gần chân núi, địa hình dần dần trở nên phức tạp, và những đơn vị bộ binh nặng này buộc phải tách ra để di chuyển qua các khu vực gồ ghề. Một số hăng hái đuổi theo đến mức bỏ cả đội ngũ phía sau. Quân La Mã lúc này đã tập hợp lại ở nhiều vị trí khác nhau trên núi. Khi nhận thấy các phalanx đã rời rạc và không còn giữ được đội hình chặt chẽ nữa, Paullus lập tức ra lệnh phản công, ông điều quân đánh vào mọi khoảng trống phát sinh. Thế trận nhanh chóng chuyển biến thành cài răng lược, trong đó phalanx bị chia cắt với các đơn vị khác và cả hai sườn quân Macedonia đều bị bao vây. 

Khi cận chiến, những ngọn giáo dài trở nên hoàn toàn vô dụng, còn kiếm Gladius với lá chắn rộng bản chiếm ưu thế lớn so với kiếm ngắn Kopis (còn hẹp hơn cả lưỡi dao găm Pugio mà lính La Mã đeo) và khiên tròn nhỏ của người Macedonia. Những mũi lao Pilum găm sâu vào khiên làm nó nặng hơn và quá vướng víu để sử dụng. Lính của Perseus mặc áo giáp mỏng và kỹ năng sử dụng kiếm của họ cũng không thành thạo như người La Mã. Cuối cùng, cánh trái Macedonian không thể chịu nổi áp lực ngày càng tăng, rối loạn rồi hoàn toàn tan vỡ.

Nhận thấy tình hình mất kiểm soát, Perseus quay ngựa bỏ chạy cùng toàn bộ kỵ binh cánh phải và các đồng minh Thracian. Theo sử gia Plutarch, kỵ binh nặng Companion cánh phải vẫn chưa hề tham chiến, và cả nhà vua lẫn kỵ sĩ của ông sau này đều bị những người sống sót lên án là hèn nhát. Poseidonius cho biết Perseus đã bị thương do vũ khí tầm xa La Mã và được hộ tống về thành phố Pydna. Tuy nhiên, 3000 quân cận vệ không chịu đầu hàng và chiến đấu đến người cuối cùng. Trận đánh khá ngắn ngủi (tất cả chỉ diễn ra trong vòng một giờ), nhưng cuộc truy sát đẫm máu sau đó kéo dài đến tận đêm, một số phá vây chạy ra bờ biển thì lại đụng phải hạm đội La Mã đang đổ quân. Trong những ngày sau đó, người La Mã tập trung truy lùng tàn binh để bán làm nô lệ (5000-6000 đã bị bắt lại), coi như là một phần chiến lợi phẩm (dễ bán và được giá cao). La Mã tuyên bố “chỉ thiệt hại 1000 quân với rất nhiều người bị thương”. Phía Macedonia mất hơn 32.000 lính (tính cả tù binh là 40.000 người), trên thực tế đã hoàn toàn bị tiêu diệt. 

Sau trận chiến

Vua Perseus dẫn những gì còn sót lại của đạo quân mình về thành Amphipolis, cố gắng tuyển lính ở đây một cách vô vọng. Sau đó ông chạy về đảo Samothrace xứ Thrace và bị đô đốc La Mã Gnaeus Octavius mang một hạm đội tới bao vây. Perseus ra hàng Paullus cùng con trai, bị giải về Rome và đem diễu hành trong một lễ mừng chiến thắng hoành tráng chưa từng có kéo dài suốt ba ngày. Ông bị giam cầm cho đến chết. 

“Perseus xin hàng” – Tranh của Jean-François Pierre Peyron vẽ năm 1802. Bảo tàng nghệ thuật Budapest . 
Paullus trong lễ mừng thắng trận

Trận chiến này thường được coi là thắng lợi điển hình của sự linh hoạt trong các quân đoàn La Mã so với chiến thuật cứng nhắc của phalanx. Tuy nhiên, một số người cho rằng nguyên nhân thực sự là ở năng lực chỉ huy kém cỏi của Perseus và việc kỵ binh Companion không tham chiến.

Hậu quả

Đây chưa phải lần xung đột cuối cùng giữa hai đối thủ, nhưng nó đã chấm dứt hoàn toàn quyền lực của vương quốc Macedonia. Các hậu quả chính trị của trận đánh là hết sức nghiêm trọng. Nguyên Lão Viện ra lệnh đày ải tất cả các quan chức hoàng gia và bắt giữ toàn bộ dòng họ Perseus. Trên thực tế, nền độc lập của Macedonia đã chấm dứt. Vương quốc bị chia thành bốn nước cộng hòa, với nhiều hạn chế gắt gao về thương mại và di cư. Trong những đợt thanh trừng tàn nhẫn sau đó, 500 người chống đối quyết liệt nhất bị đem ra hành hình, và bất kỳ công dân nào bị cáo buộc chống lại La Mã đều bị đày biệt xứ (số lượng lên đến 300.000 người), một số khác bị gửi đến Rome làm nô lệ.

Chiến lợi phẩm và lễ vật triều cống nhiều đến nỗi mà dân La Mã được miễn thuế trực thu cả năm sau. Dĩ nhiên là Paullus không quên bản thân mình: một lượng lớn tài sản bị trưng thu nhân danh La Mã đã chảy vào túi ông, điều này tạo nên tiền lệ xấu cho các chấp chính quan về sau (mặc dù Paullus chỉ thừa nhận giữ lại thư viện của Perseus). Đến 167 TCN, với tư cách quan tổng trấn Macedonia, Paullus tự ý tấn công xứ Epirus, tàn phá 70 thị trấn và bắt làm nô lệ 15.000 người, bất chấp thực tế là Epirus đã không hỗ trợ chút nào cho Perseus suốt thời kỳ chiến tranh. Ông được Nguyên Lão Viện trao tặng tước hiệu riêng (Macedonicus); vinh dự cao nhất của một công dân La Mã. thậm chí người ta còn đúc kỷ niệm chương và xây một đài tưởng niệm chiến thắng với hàng cột lớn bằng đá trắng cùng những bức phù điêu tinh xảo mô tả trận chiến, đến nay vẫn còn ở phía Đông đền thờ Apollo, thành phố Delphi.

Năm 149 TCN, Andricus mạo nhận là con trai Perseus, khởi xướng chiến tranh Macedonia lần IV với sự ủng hộ của tầng lớp quân sự và quý tộc cũ, ông đánh bại pháp quan Publius Juventius và phục hồi vương quốc với danh hiệu Philip V. Andricus còn làm Rome nổi giận với việc chinh phục xứ Thessaly và lập liên minh với Carthager. Chỉ một năm sau, các binh đoàn của pháp quan Metellus kéo đến đánh tan đạo quân của Andricus tại trận Pydna thứ hai. Đây là lần nổi dậy cuối cùng của người Macedonia. Đến năm 146 TCN, xứ này chính thức trở thành một tỉnh của La Mã.