Vua Bảo Đại xin thoái vị, đề nghị Chính phủ lâm thời phái đại biểu vào Huế để nhận lễ thoái vị.
Vừa từ đại hội Tân Trào về, công việc bề bộn, Chính phủ lâm thời nhận được điện tín của Ủy ban Hành chính Trung bộ báo cáo: Vua Bảo Đại xin thoái vị, đề nghị Chính phủ lâm thời phái đại biểu vào để nhận lễ thoái vị.
Đường vô xứ Huế
Ông Nguyễn Lương Bằng kể cho Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng T.Ư ghi: “Đến khi về đến Hà Nội lại nhận được điện của Bảo Đại mời đại biểu Chính phủ lâm thời vào Huế để nhận sự thoái vị của ông ta. Lúc này Bác chưa về, ông Trần Huy Liệu được cử làm trưởng đoàn đi vào Huế. Đoàn còn có tôi và anh Cù Huy Cận”.
Ông Trần Huy Liệu trong hồi ký (1960) cho biết: “Tôi thay mặt cho Chính phủ lâm thời còn anh Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Mặt trận Việt Minh”.
Còn theo ông Cù Huy Cận, trong Hồi ký song đôi, phái đoàn Chính phủ lâm thời từ thủ đô Hà Nội khởi hành đi Huế vào ngày 27.8.1945, đi bằng chiếc ô tô sơn đen mượn của Hãng STAI. Trước khi đi, đoàn có đánh điện cho Ủy ban Hành chính Trung bộ và Ủy ban Hành chính Trung bộ thông báo cho ủy ban hành chính các tỉnh ở dọc đường.
“Chúng tôi tính rằng đi xe suốt đêm thì khoảng 28 đến Huế và đã đánh điện cho Ủy ban Nhân dân cách mạng Huế như vậy. Nhưng chúng tôi không thể tính đến việc nhân dân náo nức đón đoàn dọc đường”, nhà thơ Huy Cận kể lại.
Ban đầu, từng toán nhân dân chờ đón phái đoàn ở dọc đường. Càng đi vào, nhân dân xuống đường chào đón càng đông. Nhất là khi phái đoàn bước vào địa hạt Nghệ An – Hà Tĩnh, sau đó là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, thì những người đón tiếp không phải từng toán riêng lẻ nữa mà là dày đặc hai vệ đường. Sau rồi đông nghịt cả cánh đồng hai bên đường, trong đó đủ cả lớn, bé, già, trẻ, trai, gái, đánh trống, đánh chiêng, đánh thanh la ầm ĩ.
“Tôi tưởng tượng những ngày ấy, nhân dân không còn ai ở nhà mà đều ra cả đường để đón phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông Trần Huy Liệu
hồi cố.Để đáp lại sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân các địa phương, Trưởng đoàn Trần Huy Liệu đứng ra phát biểu với đồng bào. Ông nhớ lại, một lần vừa nói xong, ông sắp xuống đài (vốn là chiếc bàn được nhân dân dựng lên) thì từ xa xa có một cụ già đầu bạc phơ lách đám đông đi tới. Cụ trao cho ông Liệu một tờ giấy hồng điều, trong đó có một bài thơ cụ làm bằng chữ Nho: Chúc mừng Chính phủ mới (Khánh chúc tân triều).
Trưởng đoàn Trần Huy Liệu bắt tay tỏ ý trân trọng nhưng cụ già rụt rè không dám. Cụ nghẹn ngào rưng rưng nước mắt, chỉ nói được một câu là không ngờ sống được đến ngày hôm nay để thấy một cuộc đổi đời thế này…
Ông Trần Huy Liệu chia sẻ: “Bây giờ nhớ lại tôi nghĩ nếu đời người ta, tình yêu đầu tiên vẫn là tình yêu ngây thơ nhất, thắm thiết nhất, say mê nhất, thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, theo chủ quan của tôi, cái phong vị của những ngày đầu sau cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi vẫn đậm đà nhất, nhớ lâu nhất”.
Phái đoàn đến địa phận Thừa Thiên thì đã thấy các ông Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt… đại diện Ủy ban Hành chính Trung bộ và Ủy ban Hành chính tỉnh Thừa Thiên ra đón. Ông Nguyễn Lương Bằng cho biết: “Trước khi làm lễ chính thức, Vĩnh Thụy đề nghị gặp chúng tôi ở điện Cần Chính. Nội dung chủ yếu là muốn đề nghị làm sao ta bảo vệ được cái đầu cho ông ta”.
Chấm dứt triều đại quân chủ
Ngày 30.8.1945 theo giờ đã định, 50.000 nhân dân nội thành Huế đã tập trung trước cửa Ngọ Môn. Chiếc xe hơi mui trần của phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ từ tiến vào cửa chính Ngọ Môn. Dân chúng hoan hô vang dậy.
Vua Bảo Đại chít khăn vàng, mặc hoàng bào đứng chực sẵn ở cửa. Ba đại biểu của phái đoàn bước lên Ngọ Môn trong tiếng hoan hô sôi nổi của người dân kinh đô Huế.Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Đọc xong, nhà vua hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Ông Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng này. Ông kể lại trong hồi ký:
“Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của cái ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 ki-lô-gam vàng! Khi giơ hai tay đỡ cái ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy khi chiếc ấn nặng trĩu đã nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử. Cũng may là tôi đã làm tròn trách nhiệm “nặng nề” ấy”.
Sau khi nhận ấn, kiếm rồi, Trưởng đoàn Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ lâm thời đọc một bài diễn văn tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ từ nghìn năm xưa để lại và chấm dứt ngôi vua cuối cùng của triều Nguyễn. Ông nói:
“Anh, chị em đồng bào!
Lịch sử nước nhà đã tới một giai đoạn mới: chính thể đế chế phải nhường chỗ cho chính thể dân chủ cộng hòa. Đó là nguyện vọng chung của toàn thế quốc dân và là bước tất nhiên trên con đường lịch sử. Một điều mà chúng ta phải nhận là: chính thể dân chủ cộng hòa không phải tự nhiên đem lại cho quốc dân ta, mà là do sức tranh đấu lâu dài của bao nhiêu chiến sĩ và dân chúng hàng mấy chục năm nay”.
Ông nhắc tới con đường thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa, thể theo nguyện vọng chung của quốc dân và thuận theo bước tiến hóa của lịch sử, chính vua Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị, trao quyền cho Chính phủ lâm thời. Theo lời tuyên bố, chính nhà vua cũng yêu dân chủ, cùng đứng vào mặt trận dân chủ với toàn thể quốc dân.“Hôm nay, thay mặt Chính phủ lâm thời chúng tôi nhận sự thoái vị của nhà vua và nhận quốc quyền của nhà vua giao trả cho nhân dân từ ngày hôm nay: 30 tháng 8 dương lịch, nước Việt Nam đã trở nên nước cộng hòa dân chủ, một kỷ nguyên mới của lịch sử nước nhà”, Trưởng phái đoàn Chính phủ lâm thời nhấn mạnh.
Tới ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ông Trần Huy Liệu báo cáo trước quốc dân về phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch.
Ai gắn huy hiệu cho vua Bảo Đại?
Cho đến nay, có 3 nguồn tư liệu cho thấy có 3 người gắn huy hiệu cho vua Bảo Đại, tức công dân Vĩnh Thụy ngay sau lễ thoái vị ngày 30.8.1945.Trong hồi ký in trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9.1960), ông Trần Huy Liệu viết: “Quay lại Vĩnh Thụy (Bảo Đại) tôi gắn cho hắn một cái huy hiệu của người công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Năm 1983, trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, ông Phạm Khắc Hòe, nguyên là Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại, viết: “Ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực Bảo Đại, từ nay trở thành người công dân Vĩnh Thụy”.
Ông Cù Huy Cận viết trong Hồi ký song đôi (NXB Hội Nhà văn, tập 2, 2012): “Sau khi trao đổi ý kiến với anh Liệu, anh Bằng, tôi lấy một huy hiệu cờ đỏ sao vàng (mà UBND cách mạng Huế đã gài vào áo chúng tôi) gài cho vua Bảo Đại…”.
Vậy ai là người gắn huy hiệu cho vua Bảo Đại thoái vị? Chúng tôi mong nhận được ý kiến của các nhà sử học để làm sáng tỏ chi tiết này.
Nguồn: Kiều Mai Sơn.