Do Iraq xâm lược và sát nhập Kuwait, liên quân Liên Hiệp Quốc do Mỹ đứng đầu triển khai chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ sau thế chiến 2 để buộc Saddam Hussein rút quân khỏi Kuwait.
Gần 1 triệu liên quân (có 70 vạn quân Mỹ) với những vũ khí và công nghệ hiện đại nhất đánh bại hoàn toàn 65 vạn quân Iraq sau 1 tháng, 1 tuần và 4 ngày giao tranh.
Thương vong nhân sự hai bên chênh lệch rất cao: 1000 phía liên quân và hơn 100.000 của Iraq. Liên quân chỉ mất gần 70 xe tăng, thiết giáp và 75 máy bay các loại, trong khi đó tổn thất của quân đội Saddam Hussein là 3,700 xe tăng, 2,400 xe bọc thép, 2,600 khẩu pháo và 110 máy bay bị phá hủy.
Ngày 26 tháng 2, quân đội Iraq bắt đầu rút khỏi Kuwait, đốt cháy các giếng dầu mà họ bỏ lại. Một đoàn quân Iraq dài dằng dặc rút lui dọc theo đường cao tốc Iraq-Kuwait. Đoàn quân này bị liên quân tấn công liên tục tới mức nó được gọi là “Xa lộ chết”.Tổng thống Bush tuyên bố vào ngày 27 tháng 2 rằng Kuwait đã được giải phóng.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (quân đội nước này có nhiều mặt tương đồng với quân đội Iraq) rất ngạc nhiên trước công nghệ hiện đại của Mỹ trên trận địa. Thắng lợi mau chóng của liên quân khiến quân đội Trung Quốc phải thay đổi toàn diện tư tưởng quân sự của mình và bắt đầu một phong trào hiện đại hóa kéo dài đến ngày nay.
Chiến tranh vùng Vịnh là cuộc chiến được truyền hình ở mức độ rất cao. Lần đầu tiên tất cả mọi người trên thế giới đều có thể theo dõi trực tiếp hình ảnh các tên lửa lao vào các mục tiêu và các máy bay chiến đấu cất cánh từ các tàu sân bay.
Lực lượng liên quân rất nhiệt tình thể hiện mức độ chính xác của các vũ khí mà họ sử dụng, đến nỗi nhiều người đã ví nó với trò chơi điện tử: dò mục tiêu, khóa và bấm nút, nhìn mục tiêu bị phá hủy.
Thương vong nhẹ phía Mỹ và đồng minh là nhờ các vũ khí tầm xa và độ chính xác cao, cho phép tấn công mà không sợ bị đối phương đánh trả. Những điểm nhấn chính là hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AWACS) và vũ khí dẫn đường chính xác (PGM).